Skip to main content
x
15 May 2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Suốt cả cuộc đời, Người phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế một tài sản vô giá. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng kinh tế là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Những tư tưởng đó đã chỉ đạo cho Đảng ta hoạch định đường lối, chính sách kinh tế trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của đất nước nhất là trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện nay.

  1. Mục đích xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Người bản chất kinh tế đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được thể hiện ở mục tiêu của nó. Hồ Chí Minh nhiều lần nói rằng mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là để không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Với Người, mục tiêu hàng đầu và điều quan trọng nhất của phát triển kinh tế là nâng cao đời sống của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động. Toàn bộ quan tâm của Người là lo làm sao cho dân đủ ăn, mặc, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, giải trí... sao cho mỗi người dân lao động đều được ấm no, hạnh phúc. Đó là mục tiêu đồng thời cùng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách, biện pháp kinh tế.

Ngay sau khi giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đã phát biểu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành [1]

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, khi mà nhiệm vụ phát triển kinh tế trở thành vấn đề trọng tâm của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thì Hồ Chí Minh càng nhấn mạnh: “Phải luôn nhớ rằng: Điều quan trọng nhất trong kế hoạch của chúng ta hôm nay là nhằm cải thiện đời sống của Nhân dân[2]. Xây dựng và phát triển kinh tế cũng là vì cuộc sống của Nhân dân lao động nói riêng, cũng là để giải phóng con người và xã hội nói chung. Cho nên tại Hội nghị sản xuất cứu đói tháng 6/1955, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, đảng và chính phủ có lỗi. Nếu dân đói, rét, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được[3]. Cho nên cuối đời, trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh còn căn dặn: “ Đảng ta cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân[4].

Làm cho dân giàu, nước mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi, theo Người, chủ nghĩa xã hội là “làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh”. Vì vậy, phải phát triển kinh tế nhằm “ làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm[5]. Do quy luật phát triển không đều nên xã hội có bộ phận giàu lên trước, có bộ phận giàu sau, nhưng việc nâng cao dần đời sống của dân phải là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, mục đích vì cuộc sống của Nhân dân lao động, phấn đấu để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của Nhân dân lao động trong đường lối phát triển kinh tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ mục đích của chủ nghĩa xã hội là: “ làm sao cho Nhân dân được đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt[6].

Theo Hồ Chí Minh thì trong thời kỳ quá độ lên CNXH phải xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội đó là nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của xã hội. Để làm được điều đó cần phải tiên hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Muốn đi tới chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, phải trải qua một thời kỳ quá độ để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Đã nhiều lần Người khẳng định vai trò của nông nghiệp, coi nông nghiệp là gốc, nhưng Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của Nhân dân. Người viết: “Hôm nay chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của Nhân dân ta[7].

  1. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được trình bày một cách giản dị, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, vì nó xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng bức thiết của Nhân dân, lại phù hợp với điều kiện của một nước nông nghiệp lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Mặc dù vậy, khi bước vào thời kỳ quá độ trên quy mô cả nước, do mắc phải một số “sai lầm trong chỉ đạo chiến lược” của Đảng, nên đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12 năm 1986), đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, tổ chức cán bộ, phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác.

Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng ta đã khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mà mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó chính là phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Từ đó Đảng đã đề ra nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam đó là:

Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin về quá độ lên CNXH vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của cơ sở vật chất kỹ thuật để xây dựng CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải “lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[8]. Nhiệm vụ này nhằm mục đích  cơ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, tăng nhanh năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, chuyển từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp hiện đại.

Đòi hỏi này càng trở nên cấp thiết đối với một nước có điểm xuất phát thấp như Việt Nam. Con đường cơ bản để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay tất yếu phải là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số.

Xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng XHCN.

Để xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng XHCN cần xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả ba mặt nội dung: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý, quan hệ phân phối. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta cần phải thừa nhận chế độ sở hữu tất yếu phải đa dạng, trên cơ sở đó tất yếu phải tồn tại lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần. Đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tác động to lớn trong việc động viên mọi nguồn lực trong Nhân dân ta xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất. Tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhất là các thành phần kinh tế có nhiều tiềm năng, đổi mới triệt để kinh tế nhà nước và tập thể để hai thành phần kinh tế này phát huy tính ưu việt của CNXH mà những  thành phần kinh tế này đại diện.

Mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại

Dựa trên quan điểm của Hồ Chí Minh là Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai[9] và xuất phát từ nhiệm vụ bao trùm về chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới, Đảng ta khẳng định: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”[10].

Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi… Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[11].

Thực tiễn  sự phát triển bền vững của đất nước với những thành tựu 37 năm đổi mới đã minh chứng cho sự vận dụng đúng đắn của Đảng về về mục đích xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Trong suốt 37 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Hiện nay GDP đầu người đạt 4110 USD (năm 2022), quy mô nền kinh tế đạt 9,51 triệu tỷ đồng (409 tỷ USD).  Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày) giảm từ hơn 14% năm 2010 xuống còn 3,8% năm 2020.[12] Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của nước ta đạt khoảng 9,513 triệu tỉ đồng, tương đương 409 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt khoảng 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.  Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành đạt khoảng 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). 37 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu của Việt Nam. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều nước, trong đó có tất cả các nước P5 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới; đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các đối tác Hiệp định thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Năm 2020 phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam - Anh)…

Các thành tựu xây dựng con người của nước ta còn được thể hiện qua chỉ số HDI có xu hướng tăng đều và khá ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. “Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704. Với kết quả này Việt Nam đã lọt vào danh sách các nước phát triển con người cao và được xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ”[13]. Đến năm 2021 chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 115/191 quốc gia. Chỉ số phát triển con người vừa thể hiện tính nhân văn, vừa là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe tri thức và thu nhập. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia, dựa vào năm tiêu chí: 1) con người là trung tâm của sự phát triển; 2) người dân là mục tiêu của sự phát triển; 3) việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); 4) chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho người dân về mọi mặt (thí dụ như tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch,...); 5) tạo cơ hội để lựa chọn tốt nhất cho người dân về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...”[14].

Những thành tựu to lớn qua những năm đổi mới đánh dấu một bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng. Ý nghĩa to lớn của những thành tựu đó không đơn thuần ở những con số mà quan trọng hơn là ở những nỗ lực cao nhất mà Đảng và Nhà nước ta đã tập trung một cách hiệu quả trong một thời gian không dài, trong những điều kiện rất khó khăn, phức tạp, để cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của Nhân dân ta về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, vì hạnh phúc của Nhân dân, đúng như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

ThS. Trần Văn Tuân

Khoa lý luận cơ sở

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H.1995, tập 4, tr.152.

[2].Sđd, t. 8, tr.157

[3] Sđd, t.7, tr.572

[4] Sđd, t.12, tr.498

[5] Sđd,t.5, tr.65

[6] [Sđd,t.10, tr.591]

[7] Sđd,t. 10, tr.41

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.8, tr. 174

[9] Sđd,t. 5, tr.220

[10] Đảng cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội., tr.147

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, Tập 1, tr.110-111.

[12] Dẫn theo Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

[13]  https://nhandan.com.vn/binh luan phe phan/chi so phat trien con nguoi cua viet nam tang vuot bac 629395/

[14] https://nhandan.com.vn/binh luan phe phan/chi so phat trien con nguoi cua viet nam tang vuot bac 629395/