Skip to main content
x
30 September 2022

Chi Lăng là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn, trong những năm vừa qua, cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Chi Lăng đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên… Để có được kết quả đó là do trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn quy định. Từng bước bố trí các chức danh công chức phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo; việc quản lý, sử dụng cán bộ đã dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, huyện Chi Lăng vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra đòi hỏi cần được khắc phục, giải quyết cụ thể như: Tỷ lệ cán bộ cấp xã dưới Trung học phổ thông còn 27/239 (chiếm tỷ lệ 11,3%)[1]; vẫn còn nhiều xã chưa có đủ số lượng cán bộ theo đúng tiêu chuẩn, chức danh; về lập trường chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân. Trình độ học vấn thấp cũng chính là nguyên nhân dẫn đến trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị thấp; về trình độ chuyên môn tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở xuống vẫn còn 11/239 (chiếm tỷ lệ 4,6%)[2], mặt khác, số được đào tạo qua các chuyên ngành chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn ở cơ sở, không theo đúng với quy hoạch, còn chắp vá; công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thiếu sự đồng bộ. Với thực trạng đó, đa số họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, lối mòn, chất lượng và hiệu quả công tác không cao; công tác quy hoạch, tạo nguồn còn lúng túng, dàn trải, chất lượng và cơ cấu của quy hoạch còn nhiều mặt hạn chế, về trình độ trong quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ có nơi còn thấp.

Từ thực tiễn trong công tác quản lý và qua nghiên cứu đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn cho thấy năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn, xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” như mong muốn của Bác Hồ để đáp ứng cho sự nghiệp đổi mớí xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất,  tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ cấp xã trên địa bàn huyện, từ thay đổi nhận thức đúng đắn giúp cán bộ cấp xã thay đổi hành động theo hướng tích cực. Để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, huyện ủy, đảng bộ các xã, thị trấn phải thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, gắn nghiên cứu học tập các nghị quyết, chỉ thị với việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề án cụ thể, sát với thực tiễn để tổ chức triển khai thực hiện.

Tiếp tục triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thông qua các hình thức sân khấu hóa, các bài viết về con người gắn với việc làm cụ thể là những tấm gương tiêu biểu để nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng

Thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn, năng lực lãnh đạo quản lý của từng cán bộ chủ chốt từ đó xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện bố trí đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp xã phù hợp với nhu cầu, đáp ứng cho từng đối tượng. Việc bố trí cán bộ cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu về: Bồi dưỡng lý luận chính trị;  Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Bồi dưỡng văn hóa công sở, đổi mới tác phong lề lối làm việc:  Bồi dưỡng về Tin học:

 Thứ ba, công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự và bầu cử các chức danh chủ chốt

Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác chỉ đạo các xã, thị trấn hằng năm rà soát quy hoạch nguồn cán bộ, chú trọng phương châm quy hoạch "động và mở". Làm tốt công tác quy hoạch để khắc phục được tình hình bị động, lúng túng về việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ thay thế ở một số cơ sở khi có cán bộ nghỉ. Phối hợp thực hiện tốt việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ cấp xã; thực hiện việc giới thiệu bầu cử các vị trí chủ chốt các xã, thị trấn phải đảm bảo yêu cầu về trình độ theo quy định tại Quyết định 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, các cá nhân được bầu cử giữ chức vụ phải xây dựng được chương trình kế hoạch công tác trong nhiệm kỳ về mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thuộc địa phương mình liên quan đến vị trí được đảm nhiệm.

Thứ tư, công tác điều động luân chuyển cán bộ

Luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện để rèn luyện thử thách cán bộ trong quy hoạch. Dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ, hằng năm, giai đoạn cấp huyện xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ. Xây dựng quy chế và tăng cường công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức cấp huyện về làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ, công chức cấp xã lên làm việc ở huyện; thực hiện tốt quy định về điều động, luân chuyển cán bộ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện điều động, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, chuyên viên cấp huyện có năng lực, phẩm chất tốt làm cán bộ lãnh đạo cấp xã; điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất tốt làm lãnh đạo, chuyên viên cấp huyện; từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương, tạo động lực cho cán bộ, công chức tích cực làm việc, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa tạo sự liên thông trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp.

Thứ sáu,  công tác đánh giá cán bộ hằng năm

Đánh giá cán bộ hằng năm nhằm làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và triển vọng phát triển của cán bộ.

Hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá cán bộ. Việc đánh giá, phân loại cán bộ cấp xã được gắn với các tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng, gắn với chất lượng, hiệu quả công việc.

Thứ by,  thực hiện chế độ chính sách

Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp đội ngũ cán bộ cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ đạt chuẩn về trình độ nhưng có độ tuổi cao, năng lực hạn chế chưa đủ điều kiện nghỉ hưu để xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án thực hiện chế độ chính sách theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ. Việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP phải đảm bảo các nguyên tắc:

Phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

Phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

Phải bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật.

Cấp có thẩm quyền quy định chế độ tiền lương và định mức biên chế đối với cán bộ cấp xã phù hợp với từng khu vực, vùng, miền và phân loại đơn vị hành chính các cấp; đề xuất ban hành quy chế, chính sách thu hút cán bộ, sinh viên giỏi có trình độ Đại học, trên Đại học về công tác tại xã;

Thứ tám, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng cán bộ cấp xă. Thông qua hoạt động này nhằm ghi nhận những cố gắng của đội ngũ cán bộ đồng thời phát hiện những tiêu cực, bất cập nảy sinh từ cán bộ. Qua đó, động viên khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý kịp thời những sai phạm, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Bên cạch đó, cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng vì công  tác Thi đua khen thưởng luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua khen thưởng thực sự là động lực, cổ vũ, động viên khuyến khích mọi cá nhân, tập thể vươn lên tự giác hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác và cống hiến sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở xã, phường, thị trấn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu vì: Đội ngũ cán bộ xã là người giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở, là người giữ vai trò quyết định trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện mọi quyết định của cấp uỷ cấp trên, cấp uỷ cùng cấp và mọi chủ trương, kế hoạch, sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên, cũng như mọi chương trình, kế hoạch của chính quyền xã. Cán bộ xã là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, nhà nước với nhân dân. Đội ngũ cán bộ xã giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở./.

                                                            ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước& pháp luật

 

[1] ;2 . Báo cáo Số 148 -BC/HU ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Huyện ủy Chi Lăng về Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/HU, ngày 04/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo.