Skip to main content
x
19 September 2022

Công tác giảng dạy lý luận chính trị là nhiệm vụ trọng tâm ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và đạt được những kết quả quan trọng. Số lượng cán bộ, đảng viên được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể tăng nhanh. Năm 2021, nhà trường đã đào tạo và phối hợp đào tạo được 36 lớp với tổng số 2.448 học viên, tổ chức được 42 lớp Bồi dưỡng với tổng số 4.016 học viên. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từng bước được đổi mới theo hướng phù hợp với đối tượng người học. Đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở cơ sở có kiến thức lý luận, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, nghiệp vụ công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể giao.

Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng bên cạnh được trang bị kiến thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước học viên cũng được trang bị các kỹ năng cơ bản để xử lý các tình huống trong thực tiễn công tác của cơ quan, đơn vị cũng như ở cơ sở. Kết thúc các khóa đào tạo, bồi dưỡng học viên đã vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để xử lý và giải quyết công việc trong công tác, qua đó đã nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị nói riêng ở Trường còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là: Giảng dạy nặng về lý luận và chưa gắn được nhiều với thực tiễn; Việc cập nhật kiến thức mới đôi khi chưa kịp thời; phương pháp giảng dạy còn nặng về thuyết trình; Đội ngũ giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Chưa phát huy được tính tự chủ, tự giác học tập, tính tích cực và sáng tạo của học viên. Học viên thụ động trong tiếp thu kiến thức lý luận chính trị. Thời gian nghiên cứu tại liệu chưa nhiều.Vì vậy, để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, cán bộ, giảng viên nhà trường phải luôn xác định rõ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm, mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị cũng như các Chỉ thị, Nghị quyết có liên quan. Tích cực đổi mới, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng chuyên môn. Giảng dạy lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đảng viên, giảng viên nhà trường. Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị phải luôn bám sát Quyết định phê duyệt chỉ tiêu Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Hai là, tiếp tục quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên, học viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ  “thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng”. Cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường phải luôn xác định việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi; đồng thời thấm nhuần lời dạy của Bác “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Học tập lý luận chính trị là học tập những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên nhà trường phải gương mẫu thực hiện, tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ba là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị. Chú trọng về phương pháp luận, tính Đảng, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác, phong cách lãnh đạo, quản lý và lề lối làm việc phù hợp với từng chức danh cán bộ. Kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị phải sát với thực tiễn, có chọn lọc, thiết thực; không máy móc, giáo điều, cứng nhắc; phải hướng đến mục tiêu bảo đảm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong nhận thức tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian phù hợp với Quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, tính định hướng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.

Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị theo tinh thần Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị: Giảng dạy, học tập lý luận chính trị phải “sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn”, phù hợp với đối tượng người học, thuyết phục và lôi cuốn “tạo được hứng thú và trách nhiệm cho người học”, “người học thích học hơn, có trách nhiệm phải học; người dạy có hứng thú hơn, có trách nhiệm cao hơn”. Giảng dạy, học tập lý luận chính trị theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của người học, lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường tính định hướng, gợi mở, hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp luận tư duy khoa học, khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết các tình huống thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

Giảng viên của Trường phải là người giúp học viên nắm bắt được bản chất khoa học và cách mạng của những nguyên lý Chủ nghĩa Mác - Lênin, sử dụng nguyên lý đó như là kim chỉ nam cho mọi hành động. Mỗi học viên tự xác định cho mình phương pháp học tập đúng đắn: Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập tinh thần biện chứng để xử lý công việc; chống học tập một cách giáo điều, máy móc. Do đó phải có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực nghiên cứu, rèn luyện để từng bước xây dựng quan điểm lập trường cách mạng và phương pháp tư duy khoa học.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" với mục tiêu: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực, chất lượng, phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề.

Chất lượng giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng giảng dạy lý luận chính trị và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, Đảng ủy, Lãnh đạo trường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên nhà trường với mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến 2030 đội ngũ giảng viên của nhà trường có trình độ đảm bảo các tiêu chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn . Đồng thời tập trung thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành và có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; có kiến thức chuyên sâu gắn với thực tiễn công tác xây dựng Đảng; quản lý nhà nước, nghiệp vụ đoàn thể. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn; rèn luyện phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp giảng dạy cho người lớn; cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức, chú trọng phương pháp luận và tính định hướng trong giảng dạy. Giảng viên phải là tấm gương tự học, học tập suốt đời để học viên noi theo. Do đó, cần xây dựng cho mình thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng; giữ vững niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn; nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, giảng viên trong việc giảng dạy lý luận chính trị, không ngừng rèn luyện phương pháp tư duy khoa học, khả năng vận dụng lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn.

Sáu là, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập lý luận chính trị.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động chuyên môn, nền nếp ra vào lớp của giảng viên, học viên theo Quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư theo định hướng: “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo bảo đảm thực chất”, “xác định rõ việc học tập lý luận chính trị là bắt buộc, có thi cử, kiểm tra nghiêm túc”. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, nhận thức lệch lạc trong cán bộ, học viên, coi học tập lý luận chính trị là để có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh. Có hình thức giáo dục, xử lý kịp thời đối với cán bộ, học viên thiếu gương mẫu, làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ và phẩm chất đạo đức cách mạng; có ý thức tổ chức kỷ luật, nêu cao tính Đảng, thực sự tiền phong, gương mẫu, trong giảng dạy, học tập. Đội ngũ giảng viên có trình độ, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tư duy khoa học, phương pháp luận biện chứng; có nền tảng, chiều sâu kiến thức kết hợp với thực tiễn và phương pháp giảng dạy tích cực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện giảng dạy hiện đại, sẽ là những bảo đảm quan trọng để Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.

Ths. Nguyễn Trung Thành

Trưởng phòng QLĐT&NCKH