Skip to main content
x
22 December 2016

          Là một đơn vị trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Đảng ủy, Lãnh đạo trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về chuyên môn nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua các hoạt động cụ thể như; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, trong đó có cả việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn ở cơ sở...

          Xuất phát từ thực tế đó, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã ban hành kế hoạch số 28/KH-TCT ngày 14/ 9/2015 về việc cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2020. Để việc đi nghiên cứu thực tế cơ sở của giảng viên đảm bảo theo đúng quy trình, ngày 29 /02/2016 Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TCT về việc ban hành Quy định cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm trường sẽ cử 06 giảng viên đi thực tế tại các các huyện trên địa bàn tỉnh với thời gian là 18 tháng, đối tượng là giảng viên có độ tuổi dưới 40... Năm 2016, Nhà trường đã cử 07 đồng chí giảng viên các khoa, phòng đi thực tế tại 04 huyện trong tỉnh. Ngay sau khi được cử đi nghiên cứu thực tế (NCTT) tại cơ sở mỗi giảng viên đã xây dựng kế hoạch và chủ đề nghiên cứu hàng tháng, từ tham gia các chương trình làm việc với các phòng, ban của huyện, các chương trình kiểm tra, giám sát của Huyện ủy, HĐND,UBND cho đến kế hoạch đi thực địa tìm hiểu công tác chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện... Kết quả 07/07 giảng viên được nhà trường cử đi NCTT đợt đầu đều được các huyện nhận xét, đánh giá là có những đóng góp rất tích cực thông qua các công việc cụ thể như: Giảng viên đã tham gia lên các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đối tượng cán bộ cấp xã do huyện quản lý; tư vấn kiến thức chuyên môn cho cán bộ, công chức trong giải quyết khiếu nại tố cáo; tham mưu cho huyện trong việc xây dựng và thực hiện đề án "Nâng cấp cổng thông tin điện tử huyện",  tư vấn, tham mưu cho huyện xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn ...

          Sau 01 năm thực hiện kế hoạch cho thấy, việc đi NCTT dài ngày ở cơ sở giúp cho người giảng viên nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đồng thời nắm bắt được những chủ trương chính sách, đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước của địa phương được vận dụng ở cơ sở như thế nào. Qua đó giảng viên thấy được hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị tại cơ sở có những ưu điểm, khuyết điểm gì và những vướng mắc trong việc vận dụng kiến thức lý luận mà cán bộ, công chức tại cơ sở đã được trang bị khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế mà không sách vở, tài liệu nào đề cập đến...  Đây là cũng chính là hình thức học tập, học trong thực tiễn cuộc sống mà các giảng viên đi NCTT dài ngày ở cơ sở đã có được.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, thì việc đưa giảng viên đi NCTT dài ngày ở cơ cở của nhà trường vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Các chương trình giảng dạy của nhà trường cơ bản thiên về lý luận nên dẫn đến việc giảng viên gặp không ít khó khăn khi chọn nội dung nghiên cứu, có những nội dung giảng viên rất tâm huyết, nhưng trong nội dung chương trình giảng dạy không đề cập hoặc cơ sở không có nên cũng không giúp cho việc nghiên cứu đạt hiệu quả; công tác phối hợp giữa nhà trường và địa phương chưa thực sự chặt chẽ nên chưa phát huy được hiệu quả việc nghiên cứu thực tế của giảng viên. Khi đi nghiên cứu ở cơ sở , giảng viên được bố trí vị trí làm việc tại một phòng, ban của huyện nhưng vì chưa có cơ chế để huyện phân công công việc cho giảng viên trong thời gian ở cơ sở nên giảng viên không tham gia trực tiếp vào công việc mà chỉ là nghe và xem cơ sở làm, trong khi đó thời gian nghiên cứu thực tế rất dài (18 tháng) nên dễ tạo ra tâm lý chây ỳ, nhàm chán đối với giảng viên... đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà giảng viên đi NCTT cơ sở gặp phải; Nội dung kế hoạch nghiên cứu của giảng viên ở cơ sở đôi lúc có thực hiện nhưng chưa sâu, còn đại khái qua loa, theo kế hoạch hàng tháng giảng viên đi thực tế tại các xã trong huyện, nhưng thực tế việc đi xã chỉ là tham gia các đoàn công tác của huyện hoặc tham dự các cuộc họp của huyện với xã... nên rõ ràng việc nghiên cứu như vậy không phát huy hiệu quả khi nghiên cứu.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động đưa giảng viên đi NCTT dài ngày ở cơ sở trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất;  đổi mới nhận thức về công tác cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài ngày cơ sở. Phải coi đây không chỉ là yêu cầu nhiệm vụ mà còn là hoạt động thực tiễn mà nhà trường phải tham gia cùng địa phương. Việc đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở của giảng viên không chỉ là làm qua loa, chiếu lệ để cho xong mà phải xác định đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của người giảng viên. Một mặt để bổ sung kiến thức thực tiễn, củng cố các kiến thức đã được tiếp thu trong nhà trường, mặt khác là dịp để giảng viên có dịp phát huy năng lực nghiên cứu của mình từ đó có những đóng góp nhất định cho cơ sở.

          Thứ hai; để tạo điều kiện cho giảng viên của trường đi NCTT dài ngày tại cơ sở, Nhà trường cần tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các huyện ủy, thành ủy trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu trong thời gian đi NCTT của giảng viên. Các địa phương có giảng viên đến NCTT ngoài việc tạo điều kiện về chỗ làm việc cần giao nhiệm vụ cụ thể tại văn phòng Huyện ủy, HĐND,UBND, tạo điều kiện để giảng viên tham dự các Hội nghị qua đó giảng viên sẽ nắm bắt  được nhiều kỹ năng điều hành công việc ở cơ sở.

          Thứ ba; lãnh đạo trường cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện chủ trương, kế hoạch cử giảng viên đi NCTT ở cơ sở tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015- 2020. Tuy nhiên sẽ thực hiện việc bố trí lại đối tượng thực hiện kế hoạch cho khoa học hơn. Cụ thể như sau; Về đối tượng thực hiện kế hoạch, tất cả cán bộ, viên chức tham gia giảng dạy đều phải đi NCTT dài hạn ở cơ sở. Về thời gian nghiên cứu thực hiện 01 năm đối với giảng viên trẻ dưới 40 tuổi, 06 tháng đối với các giảng viên giữ chức vụ quản lý (trưởng, phó khoa phòng). Việc đi thực tế 15 ngày /năm theo quy chế giảng viên được tổ chức lại thiết thực hơn, cụ thể hơn, hữu ích hơn; gắn kết chặt chẽ giữa đi nghiên cứu thực tế với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giải quyết những vấn đề cấp thiết của khoa, của trường, việc đi nghiên cứu thực tế được cấp kinh phí theo quy định dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học

          Thứ tư; đổi mới phương pháp và nội dung NCTT dài ngày ở cơ sở của giảng viên. Giảng viên đi NCTT sẽ được thực hiện theo chuyên môn của từng khoa, chia làm 4 nội dung chính. Một là: thâm nhập, nghiên cứu thực tế công tác quản lý nhà nước và thực tiễn, kỹ năng, hoạt động áp dụng chính sách, pháp luật của chính quyền cơ sở (áp dụng đối với giảng viên giảng dạy ở khoa Nhà nước và Pháp luật, khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh). Hai là: thâm nhập, nghiên cứu thực tế nghiệp vụ công tác đảng (áp dụng đối với giảng viên giảng dạy khoa Xây dựng Đảng). Ba là: thâm nhập, nghiên cứu thực tế các vấn đề về nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân (áp dụng đối với giảng viên giảng dạy khoa Dân vận). Bốn là:  thâm nhập, nghiên cứu thực tế các vấn đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (áp dụng đối với giảng viên giảng dạy tất cả các khoa).

Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là trang bị kiến thức về lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng về công tác đảng, đoàn thể, về quản lý Nhà nước và các kiến thức bổ trợ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Lạng Sơn vững vàng về chính trị, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Để có thể thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi nhà trường phải xây dựng được một đội ngũ giảng viên vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời vừa phải có năng lực thực tiễn, kiến thức thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ "Vừa hồng, vừa chuyên" theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                        GVC, Th.S Lô Thị Thu Hường 

                                                   Phó trưởng phòng NCKH - TT - TL