Skip to main content
x
28 November 2016

     Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là những người trực tiếp đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân và là người tổ chức để nhân dân thực hiện. Muốn xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, muốn chăm lo cho dân, phát huy nội lực trong dân thì phải tổ chức, xây dựng bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực tương xứng, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đúng như Bác Hồ đã dạy "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"1. 

     Chi Lăng  là một huyện nằm ở phía nam của tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, toàn huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 19 xã, 2 thị trấn với tổng số trên 410 cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới đang được huyện triển khai và xây dựng tích cực, bộ mặt nông thôn của huyện từng bước khởi sắc. Thành quả đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Tuy nhiên ở nhiều nơi cán bộ chủ chốt cấp xã vẫn còn yếu kém, lúng túng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Chi Lăng khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Việc đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Chi Lăng, trong những năm tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: 

     Thứ nhất, cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ thành tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

     Tiêu chuẩn cán bộ có vai trò rất quan trọng đối với các khâu khác của công tác cán bộ và chi phối các khâu đó, tạo điều kiện cho các khâu được thực hiện có kết quả. Tiêu chuẩn cán bộ còn là thước đo để đánh giá cán bộ, là mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, là căn cứ để quy hoạch cán bộ. Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như làm cơ sở để thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ càng chính xác, cụ thể thì việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ càng thuận lợi mang lại hiệu quả cao, đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển. Trên cơ sở đó nâng cao chất lượng xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, gắn quy hoạch đào tạo với bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ, đảm bảo việc sắp xếp, bố trí, sử dụng  cán bộ theo quy hoạch chuyên môn, đúng năng lực sở trường công tác. 

     Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, từ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp ủy đảng cần xây dựng quy hoạch nguồn và quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, dự bị từng chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã cụ thể, đó là

     Quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã phải thật gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong công tác cán bộ. Trong đó tiêu chuẩn và đánh giá cán bộ chủ chốt cấp xã là khâu quan trọng nhất, là tiền đề cho việc bố trí, sử dụng và quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã.

     Trong quy hoạch các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm là: Một chức danh quy hoạch nhiều người và một người có thể quy hoạch nhiều chức danh. Quy hoạch phải được nhận xét, đánh giá, bổ sung và được rà soát, kiểm tra, điều chỉnh hàng năm.Quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã phải có sự đồng bộ từ trên xuống và ngược lại, làm cơ sở và động lực thúc đẩy lẫn nhau tạo nguồn cán bộ trưởng thành có tính liên tục, kế thừa và trẻ hóa.

     Quy hoạch cán bộ phải mang tính khoa học và thực tiễn, vừa tạo nguồn cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, vừa tạo động lực thức đẩy, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảm bảo sự đoàn kết nội bộ.

     Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quy hoạch cán bộ, đảm bảo vai trò lãnh đạo tập trung của ban thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn, phát huy trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị; mở rộng dân chủ trong việc phát hiện nguồn, nhân tài.

     Thực hiện công khai công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, nhất là công khai trong nội bộ đảng, chính quyền đoàn thể, các đoàn viên, hội viên nhằm tạo điều kiện cả hệ thống chính trị ở cơ sở theo dõi, giúp đỡ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt hơn. 

     Thứ ba, đổi mới việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt cấp xã. Phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã mà bố trí. Mặt khác, bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã phải đúng lúc, khi cán bộ đang phát triển đi lên, tránh đề bạt cán bộ chủ chốt cấp xã khi đã “chựng lại” hoặc có biểu hiện “xuống dốc”. Kiên quyết khắc phục tình trạng đưa cán bộ chủ chốt cấp xã bị kỷ luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương này, lĩnh vực này lại được bố trí, đảm đương nhiệm vụ tương đương hoặc cao hơn ở địa phương, lĩnh vực công tác khác. Đây là hình thức nhằm ngăn chặn bè phái trong nội bộ. Lựa chọn, bố trí phải đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở từng cơ sở. Điều đó, cần bố trí kết hợp cán bộ chủ chốt cấp xã lớn tuổi và cán bộ chủ chốt cấp xã trẻ tuổi tạo thành “ê kíp” lành mạnh để bổ sung cho nhau tạo một tập thể lãnh đạo quản lý mạnh. Quá trình bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt cấp xã, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan làm công tác cán bộ cấp huyện phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn công tác giúp họ kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục những yếu kém, hạn chế và có thêm những kinh nghiệm trong thực tiễn. 

     Thứ tư, tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

     Thực hiện tốt Nghị định số 79/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã. Tạo mọi điều kiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia quản lý cán bộ chủ chốt cấp xã ; tích cực tổ chức nhân dân giám sát, phê bình, góp ý, nhận xét, đánh giá và phát hiện những việc vi phạm của cán bộ chủ chốt cấp xã. Hàng tháng, các chức danh: Bí thư, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND, UBND phải có kế hoạch định kỳ làm việc với các ngành, đoàn thể cùng cấp để nghe phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những ý kiến đóng góp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở; chủ tịch, phó chủ tịch UBND phải có lịch tiếp dân hàng tuần. Cuối năm, cán bộ chủ chốt cấp xã ở cơ sở phải được đại diện nhân dân đánh giá, nhận xét. Phát huy vai trò của ủy ban MTTQ trong công tác giám sát cán bộ chủ chốt cấp xã ở khu dân cư. Cùng với đó phải có chính sách cụ thể về nhiều mặt nhằm đối đãi với cán bộ đúng với các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vì có chính sách đúng, hợp lý và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt sẽ khuyến khích tính tích cực, sự hăng hái, yên tâm với công việc, nâng cao trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, thu hút được nhân tài, làm cho nội bộ đoàn kết nhất trí, đồng tâm hợp lực. Ngược lại chính sách cán bộ sai, bất hợp lý sẽ tạo ra tâm trạng chán nản; kìm hãm sự sáng tạo, năng động, tính tích cực của cán bộ chủ chốt cấp xã và dẫn đến sai lầm, tiêu cực trong công tác và cuộc sống. 

     Thứ năm, đề cao việc tự học tập, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

     Việc tự học tập,  rèn luyện của bản thân cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò hết sức quan trọng, chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng những mặt còn khiếm khuyết, hạn chế và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của bản thân.

     Về học tập, mỗi cán bộ chủ chốt cấp xã phải có ý thức thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, trình độ về mọi mặt của đời sống xã hội và chuyên môn nghiệp vụ; nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết, nhất là những thông tin phục vụ cho nhiệm vụ được giao.Về tự rèn luyện, trước hết phải đặt mình trong một tổ chức của Đảng và tổ chức mình công tác; chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức và quần chúng nhân dân. Thường xuyên gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, để khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh những thiếu sót, hạn chế, phong cách, phương pháp làm việc của bản thân; gương mẫu trong tự phê bình, phê bình. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt cấp xã tự học tập, tự rèn luyện tu dưỡng và xem đây là một chế độ học tập của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, từ đó thường xuyên kiểm tra hoạt động này của cán bộ chủ chốt cấp xã.

     Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn  mới ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là vấn đề rất rộng nhưng cũng hết sức cấp bách và thiết thực, vì vậy đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

                                                                                   ThS. Trần Văn Tuân

                                                             Khoa lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh