Skip to main content
x
3 October 2016

    Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi nhà trường thực hiện Đề án xây dựng và phát triển Trường giai đoạn 2008 - 2015, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và sự quyết tâm cố gắng của cả tập thể Lãnh đạo trường và đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, lực lượng cán bộ giảng dạy, quản lý và phục vụ nói chung trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ được tuyển chọn, bổ sung, nâng cao cả về mặt số lượng và chất lượng, từng bước đảm đương trọng trách đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay.

      Đến hết năm 2015, tổng số giảng viên nhà trường là 39 đồng chí. Số giảng viên trẻ dưới 40 tuổi là 27 đồng chí chiếm 69,2% như vậy, số giảng viên trẻ nhà trường chiếm tỉ lệ cao trong tổng số giảng viên của trường. 

     Về cơ cấu trong số 27 giảng viên trẻ có 7 đồng chí nam và 20 đồng chí nữ. Tất cả giảng viên trẻ đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 14 đồng chí đã có học vị Thạc sĩ ( chiếm 52%). Như vậy, số giảng viên có bằng thạc sĩ đã đạt chỉ tiêu đề ra theo Đề án phát triển trường giai đoạn 2008 – 2015. Đội ngũ này đã tham gia giảng dạy ở nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, có một số đồng chí đã đảm nhiệm công tác giảng dạy ở tất cả các loại hình lớp do nhà trường đảm nhiệm. Về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng giảng dạy trong thời gian qua. 

     Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong những năm tới thì một nội dung quan trọng cần phải được tiếp tục thực hiện đó là nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên nhà trường trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ. 

     Với thực tế nhà trường hiện nay và yêu cầu của Trung ương, của Học viện đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, việc nâng ngạch giảng viên chính, giảng viên cao cấp đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong những năm tới thì đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường trong thời gian tới cần phải đạt được chỉ tiêu trên 90% có học vị Thạc sĩ trong đó có từ 10 – 15% có học vị Tiến sĩ. 

     Để đạt được chỉ tiêu trên cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản như sau: 

     Giải pháp đầu tiên để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trẻ là công tác tuyển dụng.

     Công tác tuyển dụng cần đảm bảo tuyển được những giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của nhà trường. Chỉ tuyển những người thực sự có năng lực, triển vọng phát triển tốt để trở thành giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.

     Số lượng tuyển dụng cần bám sát với nhu cầu giảng dạy của nhà trường đảm bảo giảng viên được lên lớp đủ giờ chuẩn giảng dạy. Tránh tình trạng có chuyên ngành thì quá nhiều, chuyên ngành thì quá ít. 

     Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên trẻ về vị trí, vai trò của giảng viên trẻ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Từ đó động viên, khích lệ, định hướng đội ngũ này tích cực rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy của bản thân về mọi mặt. Đặc biệt là đối với những giảng viên trẻ chưa phải là đảng viên phải tập trung, nỗ lực phấn đấu để trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ngay trong những năm đầu được tuyển dụng. 

     Thứ ba, nhà trường cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể để giảng viên trẻ sớm học tập nâng cao trình độ chuyên môn (thạc sĩ, tiến sĩ). Bởi càng sớm học tập nâng cao trình độ giảng viên càng có nhiều thời gian để tích lũy kiến thức lý luận, hình thành tư duy, phương pháp làm việc khoa học và tri thức thực tiễn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức của bản thân. 

     Thứ tư, các giảng viên trẻ chủ động đăng ký đi thi, học nâng cao trình độ chuyên môn phải đảm bảo chuyên ngành học đúng với chuyên ngành giảng dạy hoặc phục vụ trực tiếp cho chuyên ngành giảng dạy và thực hiện đúng nội dung, loại hình học tập theo quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên đã được nhà trường phê duyệt. 

     Thứ năm, các khoa chuyên môn cần thường xuyên tổ chức tọa đàm, trao đổi về các nội dung chuyên môn, những vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội trong và ngoài nước có liên quan đến nội dung giảng dạy của khoa. 

     Thứ sáu, trong việc chọn cử giảng viên tham gia các lớp Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn và Hội thảo khoa học do các đơn vị khác tổ chức… nhà trường nên tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên trẻ được tham dự nhiều hơn, nhất là các cuộc Hội thảo khoa học liên quan đến chuyên môn giảng dạy. Nên bố trí, chọn cử đi tập huấn, bồi dưỡng, tham gia hội thảo khoa học có cả giảng viên trẻ và giảng viên có kinh nghiệm cùng tham gia. 

                                                                                    ThS. Hoàng Minh Tuấn

                                                                                      Phó Trưởng phòng NCKH-TT-TL