Skip to main content
x
16 August 2016

     Huyện Cao Lộc có 23 đơn vị hành chính, trong đó có 21 xã và 02 thị trấn (thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng), có trên 75 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Đường sắt ga Đồng Đăng. Các xã biên giới đó là: Xã Bảo Lâm, Thanh Lòa, Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn. Các xã cơ bản có những điểm chung về điều kiện tự nhiên, thành phần dân tộc, cụ thể: Xã Bảo Lâm có diện tích tự nhiên là 4.059,38 ha, có 10 thôn với 727 hộ dân với 3.215 nhân khẩu, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 12,1 km. Xã Cao Lâu có diện tích tự nhiên là 5.633,81 ha, có 14 thôn với 747 hộ dân với 3.493 nhân khẩu, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 16,1 km. Xã Mẫu Sơn có diện tích là 2.302, 43 ha, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 5 km, với 6 thôn bản, 120 hộ với 593 nhân khẩu.  Xã Thanh Lòa  có diện tích tự nhiên là 3.764 ha, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 13,2 km, có 6 thôn bản, hơn 500 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu.  Xã Xuất Lễ có diện tích là 7.045,69 ha, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 26,1 km, có 15 thôn bản, có 1.165 hộ với 5.734 nhân khẩu. 

     Thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn, trong những năm qua các xã biên giới của huyện Cao Lộc được bố trí cán bộ, công chức không quá 23 người đảm bảo theo quy định của Trung ương và tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay tổng số cán bộ, công chức của 5 xã biên giới huyện Cao Lộc có 106 người. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức các xã biên giới trên địa bàn huyện Cao Lộc đều có trình độ trung học cơ sở trở lên; trình độ chuyên môn, kỹ thuật: Trung cấp; trình độ lý luận chính trị: Trung cấp. Cụ thể như sau: 

     - Trình độ học vấn: Trung học cơ sở: 19/106 người, chiếm 22%; Trung học phổ thông: 87/106 người, chiếm 78% 

     - Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ: 01/106 người, chiếm 0,9%; Đại học, Cao đẳng: 27/106 người, chiếm 25,3%; Trung cấp: 73/106 người, chiếm 69%; Chưa qua đào tạo: 5/106 người, chiếm 4,7% 

     - Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp: 49/106 người, chiếm 46%; Sơ cấp: 34/106 người, chiếm 32%; Chưa qua đào tạo: 23/106 người, chiếm 22% 

     - Quản lý nhà nước chính quyền cơ sở: Đã qua bồi dưỡng: 80/106 người, chiếm 75,5%; Chưa qua bồi dưỡng: 26/106 người, chiếm 24,5% 

     Đa số cán bộ, công chức các xã biên giới của huyện Cao Lộc nhiệm kỳ 2011 – 2016 có độ tuổi trung bình từ 35 đến 50 tuổi, độ tuổi dưới 35 và trên 50 chiếm tỷ lệ không lớn. Với số liệu như trên có thể khẳng định cán bộ, công chức các xã biên giới rất thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. 

     Trong công tác chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân các xã biên giới, ngay từ đầu nhiệm kỳ Uỷ ban nhân dân các xã biên giới đã ban hành Quy chế làm việc nhiệm kỳ 2011-2016 và triển khai thực hiện theo quy chế đã ban hành; phân công trách nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ủy ban nhân dân. Đồng thời, xây dựng chương trình công tác hàng năm để chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân các xã biên giới được thực hiện nghiêm túc, đã quán triệt và triển khai thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Thực hiện tốt quy chế làm việc với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, việc coi trọng phát huy dân chủ nội bộ được vận dụng đúng đắn, chế độ giao ban xử lý công việc hàng tháng được chấp hành nghiêm túc. 

     Quan tâm công tác xây dựng lực lượng dân quân biên giới, đẩy mạnh công tác quản lý đường biên mốc giới, đảm bảo giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. 

     Chỉ đạo các thôn, bản kết nghĩa bản - bản giữa thôn, bản của xã biên giới, huyện Cao Lộc với các bản tại địa phương tương ứng của nước bạn Trung Quốc. 

     Xây dựng kế hoạch công tác giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục, thể thao, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. 

     Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được Uỷ ban nhân dân xã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện trong suốt nhiệm kỳ, do đó các văn bản Pháp luật, các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, của cơ quan quản lý cấp trên đều được tuyên truyền sâu rộng và phổ biến kịp thời đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. 

     Trong công tác ban hành các chính sách và quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân các xã biên giới, thì từ năm 2011 đến nay Uỷ ban nhân dân các xã biên giới bình quân mỗi xã ban hành được trên 1.700 văn bản để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Các văn bản đã thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế các xã biên giới tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyên đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng từ 4.000.000 đồng (năm 2011) đến 10.000.000 đồng/người/năm (năm 2015). Thu ngân sách trên địa bàn các xã biên giới đảm bảo theo quy định. Song thu ngân sách cũng phụ thuộc vào điều kiện từng xã, như xã Bảo Lâm thu đạt 15 tỷ trong 5 năm qua, xã Mẫu Sơn chỉ thu trên cơ sở ngân sách được giao. Diện tích gieo trồng hàng năm đều được trồng, cấy hết diện tích đạt 100%. Năng suất, sản lượng lương thực có hạt hàng năm đều tăng. Năm 2015, sản lượng lương thực mỗi xã đạt khoảng 226,3 tấn, mức bình quân lương thực đầu người làm nông nghiệp đạt khoảng 160kg/năm. Các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã biên giới chủ yếu là do nguồn vốn Chương trình 135 và Chương trình 120 của Chính phủ dành cho việc xây dựng trạm y tế quân dân y kết hợp, xây dựng nhà văn hoá, trụ sở các xã, xây dựng trường học. Đồng thời còn hỗ trợ các xã biên giới kinh phí xây dựng đường tuần tra biên giới và trong việc lực lượng dân quân thường trực tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. Về kinh phí mỗi xã được nhà nước phân bổ 500.000.000 đồng trong đó 400.000.000 đồng/xã để xây dựng kéo điện, làm đường giao thông, hỗ trợ xây trụ sở, trường học còn lại 100.000.000 đồng/xã để hỗ trợ tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới. 

     Đồng thời các xã biên giới của huyện Cao Lộc có vị trí hết sức quan trọng về bảo vệ an ninh biên giới, vì vậy mỗi xã có một tiểu dội dân quân thường trực cùng với lực lượng chuyên trách bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. Trong những năm qua các xã từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hàng năm, thường xuyên chăm lo đầy đủ các lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên. Hàng năm tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm kết quả đạt đơn vị khá, các lực lượng dân quân đạt khá giỏi từ 75 đến 80%; công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu giao, duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; cuộc diễn tập khu vực phòng thủ hàng năm đảm bảo số lượng và chất lượng. Tiềm lực về quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. 

     Bên cạnh đó thực hiện các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chính quyền các xã biên giới của huyện Cao Lộc đã xây dựng và thực hiện đề án cải cách hành chính theo mô hình "một cửa", "một cửa liên thông".  Hàng năm thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để đề xuất ban hành thêm các thủ tục hành chính mới phù hợp và loại bỏ các văn bản chồng chéo, không còn phù hợp. Thực hiện phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết công việc. 

     Đối với về giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, Uỷ ban nhân dân 5 xã biên giới tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn; phân công cán bộ tiếp công dân để tham mưu và thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Trong kỳ Uỷ ban nhân dân 5 xã biên giới đã tiếp 185 lượt người; trong kỳ đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, cụ thể như sau: 

     Tổng số đơn xử lý trong kỳ: 119 đơn; Trong đó đơn có nội dung đất đai 88 đơn; đơn có nội dung khác 31 đơn. Kết quả giải quyết đơn có nội dung đất đai: 88 đơn; Trong đó hoà giải thành: 30 vụ việc; hòa giải không thành: 28 vụ việc; trả lời bằng công văn: 21 vụ việc; nguyên đơn xin rút đơn 09 đơn. Đơn có nội dung khác đã giải quyết xong 31 đơn. Tuy nhiên trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở các xã cũng có những tính chất khác nhau, như xã Mẫu Sơn trong 5 năm từ 2011 - 2016 kết quả chỉ có 3 vụ việc tranh chấp đất rừng, nhưng đã tổ chức hoà giải thành, không có đơn thư vượt cấp. Xã Bảo Lâm trong giai đoạn 2011 - 2016 tiếp 375 lượt công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo 54 đơn, đã giải quyết được 44 đơn, đạt 96%, số còn lại chuyển cấp trên giải quyết. 

     Trong thời gian qua cán bộ và nhân dân các dân tộc các xã biên giới của huyện Cao Lộc đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua nhiều khó khăn thử thách đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đại hội Đảng, Nghị quyết Hội đồng nhân dân đề ra. Nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, thu ngân sách trên địa bàn và huy động các nguồn vốn cho sự phát triển ngày càng tăng, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, quốc phòng – an ninh ổn định và giữ vững. Hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản thường xuyên được củng cố, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được nâng lên. 

     Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi khi chưa kịp thời, sự quản lý điều hành của chính quyền có lúc còn thiếu kiên quyết, việc đổi mới phương thức hoạt động cũng còn chậm. Công tác phối kết hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng còn nhiều hạn chế. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chưa cao. Việc kiểm tra, đôn đốc chưa được chủ động và thường xuyên. Điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên, có xã thiếu đất canh tác, như xã Mẫu Sơn, xã Thanh Loà. Tỷ lệ hộ nghèo, số người lao động chưa có việc làm còn cao, còn hiện tượng người dân sang bên Trung Quốc làm thuê; trật tự an toàn xã hội, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma tuý còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu có xã còn chưa tuân thủ theo pháp luật, vẫn theo tập quán. Chẳng hạn như thôn Bản Pjàng (có 294 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao) đóng trên địa bàn xã Xuất Lễ, nhưng về đăng ký hộ khẩu, thụ hưởng các chính sách lại thuộc xã Mẫu Sơn quản lý, nên rất khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn./.

                                                                                Lăng Văn Thăng - Hoàng Xuân Yến

                                                                                       Khoa Nhà nước và Pháp luật