Skip to main content
x
8 August 2016

     Trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ở phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, bao gồm 7 bài, thuộc các bộ môn: Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học, đây là các môn học có tính khái quát hoá, trừu tượng hoá cao, mang đậm tính đảng, tính giai cấp và mang tính định hướng chính trị sâu sắc, đòi hỏi người giảng viên khi giảng dạy phải gắn lý luận với thực tiễn, bởi sẽ không thể có một bài giảng sinh động, hấp dẫn, học viên hiểu bài khi giảng viên chỉ có lý luận suông mà không biết gắn lý luận này với thực tiễn sinh động đang diễn ra. 

     Thực tế thời gian qua, các bài giảng ở phần I.1, giảng viên đã quan tâm, chú trọng trong bám sát thực tiễn, trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo, đội ngũ giảng viên đã luôn chủ động nghiên cứu lý luận, đồng thời cập nhật, bổ sung các yếu tố thực tiễn vào bài giảng. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn mới. Vẫn còn một số bài giảng, một số nội dung trong bài giảng còn thuần về lý luận, việc liên hệ với thực tiễn chưa sâu, chưa sát nội dung, chưa sát đối tượng đào tạo dẫn đến tính thực tiễn chưa cao. 

     Việc gắn lý luận với thực tiễn còn hạn chế, làm cho tính thiết thực của lý luận bị giới hạn, tính trừu tượng của lý luận càng cao, làm cho người học khó nhớ, khó hiểu và khó vận dụng vào thực tiễn học tập và công tác. 

     Để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn trong phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây: 

     Thứ nhất: Giảng viên phải nắm vững kiến thức lý luận trong bài giảng

     Giảng viên phải nắm vững các kiến thức lý luận của từng mục, từng bài và toàn bộ nội dung mà mình đảm nhiệm. Nắm vững lý luận giúp giảng viên chọn phần lý luận của mỗi bài để gắn với thực tiễn; đồng thời cần lựa chọn loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào cho phù hợp. Không phải bất kỳ lý luận nào của bài giảng cũng cần gắn với thực tiễn, mà giảng viên phải biết lựa chọn những vấn đề lý luận quan trọng, khó hiểu, cần thiết phải làm sáng tỏ để lấy ví dụ minh họa làm cho lý luận trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục học viên. 

     Thứ hai: Giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn

     Để có được một hình ảnh thực tiễn hấp dẫn, sinh động, mang tính thời sự, tính chính xác cao, phù hợp với lý luận trong bài giảng thì người giảng viên không chỉ nắm chắc lý luận, mà cần phải có vốn kiến thức thực tiễn phong phú. Cần tìm đọc, nghiên cứu, nắm bắt các thông tin mới qua sách báo, tạp chí, mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật thường xuyên, kịp thời những tri thức cũng như diễn biến thời sự trong nước và thế giới. Đồng thời, phải tích cực nghiên cứu các tài liệu chính thống nhất là tác phẩm kinh điển, các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng... đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy chính xác cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát. 

     Thứ ba: Giảng viên cần hiểu đúng, rõ các nội dung kiến thức thực tiễn để đưa các nội dung đó vào bài giảng hợp lý

     Đời sống thực tiễn luôn phong phú sinh động, nhưng không phải yếu tố thực tiễn nào cũng đưa vào bài giảng, mà tùy theo nội dung lý luận để lựa chọn nội dung, cấp độ thực tiễn cho phù hợp.

     Khi đưa các yếu tố thực tiễn vào liên hệ, chứng minh cần sát và phù hợp với những vấn đề lý luận, mỗi yếu tố thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải có sự phân tích, chú giải để người học thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp với lí luận hay không, mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực, các yếu tố thực tiễn gắn với vấn đề lý luận nào.

     Vì vậy, cần phải hiểu đúng, rõ các nội dung kiến thức thực tiễn và đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng ở phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách phù hợp thì mới đạt được kết quả cao. 

     Thứ tư: Giảng viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phương pháp giảng dạy tích cực

     Đối với các bài của phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có đặc thù là mang tính trừu tượng và khái quát cao, luôn phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, cho nên để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Tùy từng vấn đề, từng nguyên lý, luận điểm ở từng bài cụ thể mà sử dụng các phương pháp khác nhau. Cần kết hợp phương pháp thuyết trình với các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp hỏi - đáp, tình huống, thảo luận nhóm… kiên quyết khắc phục lối dạy “độc thoại” thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học.

     Phương pháp giảng dạy nào cũng có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên vận dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp đó phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.

     Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhất là sử dụng Powerpoint, Video, hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung bài giảng gắn với tình hình thực tiễn trong và ngoài nước, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ, nắm bắt được những thông tin thiết thực, sống động, tạo nên sự hứng thú cho người học. 

     Thứ năm: Giảng viên cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế

     Để nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn thì một trong những giải pháp không thể thiếu đó chính là giảng viên phải thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính khái quát hoá cao, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng tổng kết thực tiễn.

     Bằng việc nghiên cứu khoa học, người giảng viên không chỉ nắm chắc các tri thức khoa học, nhất là tri thức chuyên môn đã được thể hiện ở trình độ nhận thức lý luận mà còn ở khả năng tiếp cận thực tiễn, cách thức giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

     Việc tăng cường nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn nhằm nắm được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương vận dụng vào trong nội dung bài giảng như một minh chứng sống, thuyết phục góp phần nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Qua nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, giảng viên tiếp thu được những kiến thức thực tiễn để đưa vào bài giảng, đồng thời qua đó kiểm nghiệm được giá trị khoa học và thực tiễn của những nguyên lý, phạm trù, quy luật, những chủ trương, đường lối của Đảng ta... mà lý luận trong nội dung bài học đã đề cập đến. 

     Các giải pháp trên đây là một tổng thể thống nhất luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Vì vậy, trong quá trình vận dụng, thực hiện cần phải bảo đảm tính đồng bộ, không được tuyệt đối hoá một giải pháp nào để nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn trong phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của nhà trường trong tình hình mới./.

                                                                                      Đồng Hương Gấm

                                                                Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh