Skip to main content
x
21 July 2016

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ là một công việc quan trọng trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ là cái gốc của mọi công việc thì huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, đặc biệt Người nhấn mạnh “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tế”. Bởi lý luận mà không gắn với thực tiễn thì chỉ là lý luận suông, không có ích gì cho cách mạng, không thể phục vụ cách mạng. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quán triệt lời dạy của Người những năm qua Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm nâng cao kiến thức về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thời gian qua Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Ngày 16/11/2009 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1319-QĐ/TU về Đề án phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2008 – 2015. 

     Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đội ngũ giảng viên nâng cao về trình độ, kỹ năng phương pháp giảng dạy, tăng cường đầu cư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy - học. Ngay sau khi Đề án được ban hành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng tiêu chuẩn. Trường tổ chức quán triệt đến tất cả cán bộ, giảng viên, viên chức và lao động trong trường nhằm triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất; phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố Lạng Sơn về việc triển khai mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo mục tiêu Đề án đề ra. Trong giai đoạn 2008 – 2015 nhà trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp mở được 215 lớp với  16.137 học viên. Trong đó các lớp đào tạo được 60 lớp, với 4.310 học viên, như: lớp Cao cấp lý luận chính trị - hành chính, Lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính, Sơ cấp lý luận chính trị, Trung cấp ngành công tác phụ nữ, chuyên ngành công tác xã hội... Các lớp bồi dưỡng được 155 lớp, với 11.827 học viên, như: lớp Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, Bồi dưỡng ngạch cán sự, Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ tri thức trẻ về xây dựng nông thôn, Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chính quyền cơ sở, Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, Bồi dưỡng theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bồi dưỡng tiếng Trung Quốc theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ diện ban thường vụ huyện ủy, thành uỷ quản lý.   

     Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong thời gian thực hiện đề án đào tạo được 01 tiến sĩ, 15 thạc sĩ. Hiện nay trường có 01 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 05 đang học cao học; 01 chuyên viên cao cấp, 11 giảng viên chính và 39 giảng viên. Do quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên, đến nay trường đã có một đội ngũ giảng viên đủ mạnh để đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đối với công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, do vậy trường đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Hiện nay có 01 nhà giảng đường 4 tầng với 4 phòng học mỗi phòng có trên 60 chỗ ngồi, 01 phòng học trên 120 chỗ ngồi; nhà hội trường rộng có sức chứa hơn 280 chỗ ngồi, có khu hiệu bộ, ký túc xá có 200 chỗ nghỉ, nhà ăn rộng rãi, sạch sẽ thoáng mát có hơn 200 chỗ ngồi, nhà tập luyện thể dục, thể thao. Nay đang thi công xây dựng 01 nhà giảng đường mới 4 tầng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 2 năm 2017. 

     Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, biên soạn tài liệu giáo trình được cán bộ, giảng viên tích cực, nhiệt tình hưởng ứng tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao. Từ năm 2009 đến nay trường đã tổ chức triển khai thực hiện 01 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu, kết quả đạt xuất sắc; 14 đề tài khoa học cấp trường, 10 đề tài khoa học cấp khoa, tất cả các đề tài đều đã được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đạt khá, giỏi. Các đề tài khoa học, tổng kết thực tiễn tập trung chủ yếu nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; năng lực lãnh đạo điều hành, quản lý của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận của cấp uỷ đảng cơ sở. Năm 2009 trường đã tổ chức biên soạn cuốn Lịch sử truyền thống Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ 60 năm xây dựng và trưởng thành nhằm khơi dậy lòng tự hào với truyền thống vẻ vang của nhà trường cho các thế hệ ván bộ, giảng viên, viên chức và lao động của trường. Để không ngừng nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, giảng viên với phương châm gắn lý luận với thực tiễn vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng nâng cao chất lượng giảng dạy, trong 8 năm qua trường đã cử 46 lượt cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở nước ngoài, 355 lượt cán bộ giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở trong tỉnh và 149 lượt cán bộ giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngoài tỉnh. Thông qua việc đi nghiên cứu thực tế, đội ngũ cán bộ, giảng viên được củng cố thêm kiến thức thực tế bổ sung cho bài giảng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhà trường đã tổ chức thành công 17 cuộc hội thảo khoa học và 04 cuộc tọa đàm cấp tỉnh, cấp trường. Lãnh đạo trường tham gia 03 cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều bài viết có chất lượng, trong đó có trên 370 bài viết tham luận của cán bộ, giảng viên nhà trường được sử dụng trong Thông tin nội bộ, Website của trường và được tham luận tại các buổi hội thảo, toạ đàm khoa học. Bên cạnh đó Trường còn phối hợp với Sở Nội vụ biên soạn nhiều tài liệu như: Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng lãnh đạo cấp phòng và tương đương;  Tài liệu Bồi dưỡng ngạch cán sự; Tài liệu Bồi dưỡng ngạch chuyên viên; Tài liệu Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; Tập bài giảng tình hình và nhiệm vụ của tỉnh Lạng Sơn... 

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó vẫn còn một số hạn chế sau: công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu của đề án chưa quyết liệt, nên một số chỉ tiêu của đề án chưa đạt được như mục tiêu. Nhà trường chưa tích cực trong công tác tham mưu thực hiện mục tiêu, kế hoạch của Đề án. Một số chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong Đề án đề ra chưa thực hiện được. Công tác quy hoạch cán bộ của cấp ủy đảng ở cơ sở chưa gắn chặt với đào tạo, bồi dưỡng; chưa xác định được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại cán bộ cho nên một số cán bộ có tư tưởng ngại học tập chờ đợi để đi học cao cấp lý luận chính trị, không muốn đi học trung cấp lý luận chính trị. Cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy và học tập còn nhiều hạn chế. 

     Để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới cần thực hiện một số phương hướng trọng tâm sau: 

     Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức chính trị cho cán bộ, công chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

     Hai là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đa dạng hóa các loại hình đào tạo lý luận gắn với thực tiễn, đào tạo cơ bản giỏi chuyên môn có kỹ năng thực hành, biết chỉ đạo và tổng kết thực tiễn; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, bám sát nghị quyết của Đảng, tình hình địa phương. 

     Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị đạo đức, coi đây là nhiệm vụ có yếu tố quyết định. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý nhà nước, kỹ năng sư phạm. 

     Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của nhà trường đảm bảo về số lượng và chất lượng. Có cơ chế luân chuyển cán bộ, đi nghiên cứu dài hạn ở cơ sở gắn giảng dạy tốt và nghiên cứu tốt. 

     Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên. 

     Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các ban xây dựng đảng, sở, ban, ngành, các huyện ủy, thành ủy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tăng cường mời thỉnh giảng lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở ban ngành. 

     Từ những kết quả tích cực đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua, tiếp tục phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt trường chuẩn, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh trong thời gian tới./.

                                                                   Tiến sĩ Nguyễn Đức Quyền

                                            Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ