Skip to main content
x
29 June 2016

     Là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lạng Sơn, phía Bắc giáp với huyện Văn Quan, phía Nam giáp với Bắc Giang, phía Đông giáp với huyện Lộc Bình, phía Tây giáp với huyện Hữu Lũng, phía Đông Bắc giáp với huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Tổng diện tích toàn huyện là 706.021 km2, dân số 75.748 người. Trong đó dân số thành thị 12.281 người chiếm 19,05%, dân số nông thôn 63.467 chiếm 80,95%; mật độ dân số 106 người/km2. 

     Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 12/8/2011 của Đảng bộ tỉnh về Xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011- 2020, ngày 16/4/2012 Huyện ủy Chi Lăng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/HU lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2020 trên địa bàn huyện. Nhận thức được tầm quan trọng của yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, cán bộ đảng viên và nhân dân đã thực sự quan tâm và tham gia tích cực đối với phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Từ năm 2011 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển nông nghiệp và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện; trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,7%, sản lượng lương thực hàng năm đạt 33.979 tấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 34% trong cơ cấu kinh tế; chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản; trong trồng trọt đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng có giá trị kinh tế; nuôi trồng thủy sản phát triển khá, những giống chủ lực có giá trị kinh tế cao được mở rộng sản xuất; trong sản xuất nông nghiệp, các phương tiện, máy móc hiện đại từng bước được áp dụng, hiệu quả sản xuất được nâng lên. Xây dựng nông thôn mới bước đầu đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn. 

     Tuy nhiên tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như; sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm bị phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trên địa bàn huyện; quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, cây trồng, vật nuôi diễn ra chậm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn hạn chế; năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp; phần lớn sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; giá thành sản phẩm cao; sản phẩm hàng hóa có giá trị và thương hiệu còn ít; thu nhập của người nông dân còn thấp; hình thành các HTX, Tổ hợp tác về nông nghiệp còn hạn chế; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng nông sản còn nhiều bất cập; ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp còn xảy ra. 

     Trước tình hình thực tế trên, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự có hiệu quả. Huyện ủy, HDND, UBND huyện, các cấp các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện xác định phải tranh thủ những thời cơ thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tích cực và có hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài, cần có cách đi, bước làm phù hợp; trong đó vừa phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và có thị trường tiêu thụ, vừa phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; vừa phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người dân trên địa bàn huyện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với tổ chức lại sản xuất; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX trong việc liên kết, hợp tác cung cấp các dịch vụ cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại; sử dụng hiệu quả đất đai, phát triển sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; áp dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân. 

     Mục tiêu chung được huyện Chi Lăng đặt ra trong nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp huyện trên địa bàn trong thời gian tới đó là; Tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hình thành được vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao; xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm có lợi thế (Na Chi Lăng, Ngựa bạch Hữu Kiên, Mỳ khô Vạn Linh (cao khô), Gà Vạn Linh). Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn. 

     Phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10-12%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 30%. Nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 45-50 triệu đồng/người/ năm, tăng 1,55 lần so với năm 2015. Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%. Phấn đấu đạt 8 xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

      Phấn đấu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 14-16%. Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản duy trì mức 30%. Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2 lần so với năm 2015. Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%. Phấn đấu đạt 12 xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. 

     Để đạt được mục tiêu trên, huyện Chi Lăng cũng xác định phải đột phá về tổ chức sản xuất, đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đột phá về chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đột phá về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là đầu tư của doanh nghiệp... 

     Bằng những giải pháp cụ thể cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực từ phía người dân; việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang có những chuyển biến đáng kể, là bước đệm giúp huyện thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn huyện./.

                                                                                   Th.S Lô Thị Thu Hường

                                                                        Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật