Skip to main content
x
6 May 2016

     Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường, tháng 9 năm 1998 Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã có văn bản trình Thường trực Tỉnh ủy về việc Xuất bản Nội san: "Giáo dục lý luận". Đến tháng 11 năm 1998 Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí cho Trường Chính trị tỉnh được xuất bản Nội san "Giáo dục lý luận". Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường (20/11/1949-20/11/1999), Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã xuất bản Nội san số đầu tiên. Đến năm 2010, Nội san "Giáo dục lý luận" được đổi tên là Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. 

     Từ khi xuất bản số đầu tiên đến năm 2009 việc xuất bản bị ngắt quãng nhưng đến năm 2010 Bản tin được duy trì, có tính hệ thống, được đưa vào quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học và trở thành tiêu chí thi đua đối với cán bộ, giảng viên. Từ năm 2010 đến nay nhà trường đã xuất bản được 9 số với 104 bài viết, 35 tin và 121 ảnh minh họa của cán bộ, giảng viên. Bản tin ngày càng phát huy vai trò là kênh thông tin hữu ích, là nơi học tập và trao đổi kiến thức chuyên môn của giảng viên. Bản tin của nhà trường đã thể hiện được sự phong phú về nội dung với những bài viết gắn với thực tiễn. Nhiều tin, bài viết được đầu tư công phu có chất lượng, là nguồn tài liệu để cán bộ, giảng viên tham khảo và vận dụng vào công tác quản lý và giảng dạy của mình. Qua đó, đã thể hiện được thái độ, năng lực, phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường. 

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chất lượng Bản tin còn tồn tại một số hạn chế như: Về nội dung các chuyên mục đề cập trong Bản tin còn chưa thực sự cân đối và toàn diện, kết cấu, hình thức chưa khoa học, các bài viết liên quan đến kiến thức chuyên môn còn ít, thiếu những bài viết có tính chuyên môn sâu. Việc viết bài chưa trở thành động lực thực sự của nghiên cứu khoa học, vì vậy một số bài viết mang tính chất đối phó (viết cho đủ giờ nghiên cứu khoa học), số lượng nhiều nhưng chất lượng một số bài viết còn nặng tính lý luận, chưa gắn với thực tiễn, chưa bắt kịp tính thời sự của đời sống xã hội... nên chưa đáp ứng được yêu cầu tổng kết thực tiễn, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. 

     Bênh cạnh đó, đa số cán bộ, giảng viên luôn tuân thủ quy định về thời gian thì còn một số cán bộ, giảng viên nộp bài trễ hạn, có khi còn không tham gia viết bài. 

     Những hạn chế đó phần nào làm giảm khả năng ứng dụng thực tiễn và  việc xuất bản Bản tin của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những mặt còn hạn chế, nâng cao chất lượng Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau: 

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò, ý nghĩa của Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

     Đối với giải pháp này thì vai trò của lãnh đạo các khoa, phòng là rất quan trọng. Lãnh đạo các khoa, phòng cần quan tâm hơn nữa đến số lượng và chất lượng bài viết của cán bộ giảng viên của khoa. Thông qua các kỳ sinh hoạt chuyên môn, các buổi họp khoa, phòng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò, ý nghĩa của Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn; thường xuyên thống kê, tổng hợp các bài viết của giảng viên để có sự nhắc nhở, đôn đốc kịp thời 

     Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện Quy trình quản lý và phát hành Bản tin.

     Hiện nay, Trường đã có quy chế hoạt nghiên cứu khoa học, quy chế tổ chức và hoạt động Trang thông tin điện tử... còn đối với Bản tin chưa có quy chế hoạt động vì vậy để đảm bảo số lượng, chất lượng bài viết thì việc phát hành bản tin rất cần được hệ thống hóa, quy định chi tiết, thống nhất thành một quy trình khoa học. Từ những việc như lập kế hoạch phát hành Bản tin hàng năm; thông báo kế hoạch thực hiện từng số trong năm; công tác đặt tin bài; công tác thu thập, gửi tin bài; công tác biên tập, thiết kế makét, in ấn, phát hành, lưu trữ… cần được tính toán cụ thể, khoa học. 

     Thứ ba, phát huy vai trò và trách nhiệm của Ban biên tập Bản tin.

     Ban biên tập của Bản tin hiện nay gồm có 7 đồng chí, trong đó có 6/7 đồng chí là Lãnh đạo trường và Lãnh đạo các khoa, phòng vì vậy có kinh nghiệm về lý luận, thực tiễn và đảm bảo về chất lượng thẩm định tin, bài đăng Bản tin. Tuy nhiên với khối lượng công việc nhiều nên hoạt động của Ban biên tập còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới Ban biên tập cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc định hướng chủ đề của Bản tin trong từng số, xây dựng Ma két một cách hợp lý, khoa học, khắc phục những khó khăn trong quá trình hoạt động đặc biệt là áp lực về thời gian. 

     Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động.

     Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xuất bản Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn, nhất là khâu thiết kế ma két đảm bảo kỹ thuật và mỹ thuật. 

     Thứ năm, mở rộng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các Trung tâm Chính trị huyện và thành phố, các sở ban ngành trong tỉnh, Trường Chính trị các tỉnh để nâng cao chất lượng Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

     Để nâng cao chất lượng, hiệu quả Bản tin, nhà trường cần có thông báo, thư mời đặt bài ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố; lãnh đạo các sở ban, ngành trong tỉnh để có nhiều bài viết phong phú về thực tiễn, góp phần giúp giảng viên thu thập thông tin bổ sung vào bài giảng của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở các Trường Chính trị tỉnh bạn để chia sẻ kinh nghiệm trong việc viết bài và xuất bản bản tin để nâng cao chất lượng Bản tin của nhà trường. 

     Từ ý nghĩa vai trò của Bản tin, việc nâng cao chất lượng bài viết là yêu cầu có tính cấp thiết. Với sự tham gia tích cực, năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, giảng viên, Ban Biên tập…Bản tin Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục không ngừng phát huy vai trò, giá trị của nó cùng với quá trình phát triển của Nhà trường trong hiện tại và tương lai.

                                                                              Nguyễn Thị Ngọc Ánh

                                                                GV Phòng Nghiên cứu Khoa học - TT - TL