Skip to main content
x
25 April 2016

     Khoa Dân vận là một trong bốn khoa giảng dạy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Hiện nay, khoa có 06 giảng viên, trong đó có 02 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 04 đồng chí có trình độ cử nhân và 01 giảng viên công tác tại phòng tham gia giảng dạy tại khoa. Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, khoa Dân vận được phân công giảng dạy phần V gồm: V1 Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và V.3 Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Trong khuôn khổ bài viết, bản thân tôi xin đưa ra một vài suy nghĩ để nâng cao chất lượng giảng dạy phần học V.1 một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở ở khoa Dân vận Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. 

     Phần học V.1 là phần học quan trọng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Phần học này có 9 chuyên đề (trong đó 7 chuyên đề do khoa Dân vận đảm nhận và 02 chuyên đề do khoa Nhà nước và pháp luật phối hợp đảm nhận). Đây là phần học có tính chất đặc thù, kiến thức tổng hợp nhằm trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và một số đối tượng khác những kiến thức cơ bản và cần thiết về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, từ đó giúp học viên liên hệ, vận dụng để giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra như: kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng xử lý điểm nóng chính trị - xã hội, kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ ở cơ sở; kỹ năng điều hành công sở…, trên cơ sở đó củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ lãnh đạo cấp cơ sở. 

     Phần học này nhằm cung cấp cho người học những tri thức lý luận cơ bản trong việc rèn luyện, nâng cao và hình thành các kỹ năng cần thiết của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Bởi thực tế và thói quen xưa nay của nhiều cán bộ cấp cơ sở là chỉ làm việc bằng kinh nghiệm mà ít theo khoa học, vì vậy hiệu quả công việc thường không cao. Nếu người cán bộ không thay đổi phương pháp làm việc thì khó đảm đương được nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Ngược lại, nếu được trang bị đầy đủ tri thức lý luận, nắm vững và vận dụng tốt tri thức của phần học này sẽ giúp cho người cán bộ đạt được kết quả tốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đảm nhiệm bất kỳ công việc nào mà Đảng và nhân dân giao phó. Đây là một phần học rất cần đối với người cán bộ cơ sở, phần học cần thiết phải gắn lý luận với thực tiễn trong cả hoạt động giảng dạy của giảng viên và việc học của học viên. 

     Để giảng dạy tốt phần học V.1, giảng viên ngoài việc nắm chắc nội dung giáo trình còn phải có kiến thức lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực (triết học, chủ nghĩa hội khoa học, Nhà nước – pháp luật, khoa học hành chính, kinh tế - chính trị, xây dựng Đảng...). Đồng thời phải thường xuyên cập nhật và vận  dụng nhuần nhuyễn các quan điểm mới trong các nghị quyết của Đảng, các quy định mới của pháp luật, các tình huống, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý và gắn các nội dung đó vào từng bài giảng cụ thể. Vậy, khi giảng phần học này người giảng viên cần phải soạn và giảng dạy như thế nào? cần phải phối hợp với người học ra sao? cần lấy những ví dụ, những bài tập tình huống nào để chứng minh, để người học hiểu, nắm vững bài học và vận dụng trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hiệu quả nhất? Đây chính là vấn đề đặt ra đối với giảng viên giảng dạy phần học V.1. 

     Thực tiễn cho thấy, đây không phải là phần học lý luận đơn thuần mà là phần học hướng dẫn “thực hành”, mỗi chuyên đề, mỗi tình huống đều gắn với thực tế, đều phải liên hệ vào công việc cụ thể. Bởi vậy, để giảng dạy tốt phần học V.1: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở người giảng viên thực hiện tốt  một số nội dung, giải pháp sau: 

     Một là, người giảng viên có phông kiến thức tổng hợp, sâu rộng làm nền tảng, có kinh nghiệm (kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác tham mưu, từng trải trong cuộc sống, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý) đó là cơ sở để phân tích, giảng dạy từng bài học, từng tình huống cụ thể trong lãnh đạo, quản lý. Điều này xuất phát từ nội dung kiến thức mang tính đặc thù, mang tính tổng hợp của phần học. 

     Hai là, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp nêu ý kiến lên bảng, thảo luận nhóm, tình huống, sáng lọc, phỏng vấn nhanh và sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại (máy tính, máy chiếu Projector). Nếu việc trang bị tri thức lý luận song song với việc phát huy được tính tích cực của người học thì bài học sẽ thể hiện được sự gắn bó, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn một cách hiệu quả. 

     Ba là, giảng viên cần đầu tư thời gian soạn giáo án một cách cẩn thận, chi tiết, bởi vì đây là khâu quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một bài giảng. Giáo án xác định đúng mục tiêu bài giảng và đối tượng giảng; xây dựng kế hoạch bài giảng một cách chi tiết đảm bảo 05 bước cơ bản theo mẫu giáo án do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định. Trong kế hoạch chi tiết phải xác định rõ kết cấu nội dung, phân chia thời gian, xác định phương pháp và phương tiện dạy học phù hợp. 

     Bốn là, giảng viên cần lấy được các ví dụ phù hợp mang tính điển hình và đặc biệt xây dựng một số tình huống và phương án giải quyết tình huống trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Việc xây dựng các tình huống phải phù hợp với nội dung kiến thức của từng chuyên đề trong phần học và cùng người học trao đổi giải quyết các bài tập tình huống, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận góp phần gây hứng thú cho cả người giảng và người học. Qua đó, giảng viên giảng dạy phải xây dựng các bài tập tình huống về ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; tình huống và phương án xử lý tình huống trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, trong thu thập và xử lý thông tin; xử lý các tình huống về điểm nóng chính trị - xã hội, trong đánh giá và sử dụng cán bộ… 

     Năm là, giảng viên thường xuyên rút kinh nghiệm sau khi giảng bài. Để nâng cao chất lượng bài giảng, sau mỗi lần lên lớp, giảng viên dành thời gian suy nghĩ, tìm ra những điểm hạn chế trong giáo án để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bài giảng. Bên cạnh đó, trước khi giảng bài cho lớp tiếp theo cần phải nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, chính sách, quy định mới... có liên quan đến nội dung bài giảng để cập nhật kịp thời vào giáo án. Rút kinh nghiệm quá trình giảng bài trên lớp để có phong cách giảng dạy, thực hiện các bước lên lớp và sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học ngày càng tốt hơn. 

     Như vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị là một vấn đề hết sức quan trọng, trở thành yêu cầu tất yếu, mang tính quyết định trong giai đoạn hiện nay. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy phần học góp phần tạo nên thành công chung trong quá trình dạy học. Là một giảng viên được nhà trường phân công giảng dạy tại khoa Dân vận, tôi có một số suy nghĩ trên đây xin được trao đổi cùng đồng nghiệp, mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy phần học này ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ./.

                                                                                                   Nguyễn Văn Hiệp

                                                                                                  GV - khoa Dân vận