Skip to main content
x
22 April 2016

     Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên Trường chính trị Hoàng Văn Thụ. Nghiên cứu khoa học có hiệu quả sẽ giúp giảng viên nâng cao trình độ, kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự làm việc, nâng cao chất lượng giảng dạy và công tác chuyên môn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của giảng viên. 

     Ý thức được vai trò trách nhiệm đó, từ năm 2009 đến nay, khoa Nhà nước và Pháp luật đã thực hiện được 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, Năm 2015 giảng viên trong khoa viết và được đăng 12 bài tham luận gửi đăng hội thảo cấp trường, 06 bài hội thảo cấp khoa và 01 bài báo được đăng trong tạp chí trung ương và 03 bài báo đăng báo địa phương. Nội dung các đề tài nghiên cứu, các bài báo, bài tham luận tập trung nghiên cứu, phân tích các nội dung kiến thức, các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của khoa. Từ đó có những giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của khoa. Năm 2014 khoa thực hiện được số giờ nghiên cứu khoa học là 1443 giờ, vượt 853 giờ; năm 2015 thực hiện được 1469 giờ, vượt 644 giờ. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều được nghiệm thu đạt từ loại khá trở lên, sau khi nghiệm thu, kết quả nghiên cứu của đề tài được giảng viên trong khoa vận dụng và lựa chọn áp dụng cụ thể vào từng bài giảng của mình. 

     Trong quá trình thực hiện việc nghiên cứu, mỗi giảng viên đã được trực tiếp làm việc với cơ sở, với nhân dân và chính quyền các cấp trong tỉnh về các vấn đề mà nội dung đề tài hướng tới, vì thế mỗi giảng viên khi nghiên cứu, bên cạnh những kiến thức thu được phục vụ đề tài còn nhận thấy được nhiều vấn đề và nội dung khác hữu ích cho các chuyên đề mà giảng viên đảm nhận lên lớp. 

     Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp cho giảng viên trong khoa có phương pháp tiếp cận, nghiên cứu vấn đề rõ ràng hơn. Tạo cho mỗi giảng viên sự chủ động tìm tòi nghiên cứu vấn đề, tác phong, tư duy khoa học hơn trong mọi công việc. Tạo ra cách thức và phương pháp làm việc nhóm, làm việc tập thể cũng như kết quả của tập thể trong mọi công việc, từ trước đến nay vẫn còn hạn chế, chưa được mỗi giảng viên khai thác, sử dụng triệt để hiệu quả. 

     Các bài giảng của giảng viên sau khi lên lớp đã được học viên cho ý kiến phản hồi là: bài giảng dễ hiểu, lôgic, gắn lý luận với thực tiễn, vấn đề được nghiên cứu sâu… Có được kết quả đó là sự nỗ lực không nhỏ của mỗi giảng viên trong việc nghiên cứu khoa học nghiêm túc và vận dụng để đưa vào mỗi bài giảng của mình.

      Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả nghiên cứu khoa học của khoa vẫn còn một số hạn chế và bất cập, như là một số giảng viên coi trọng việc giảng dạy và có phần coi nhẹ hoạt động nghiên cứu. Số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu chưa đồng đều, chưa đa dạng về nội dung nghiên cứu, chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu, vẫn còn có giảng viên cho rằng làm cho đủ giờ khoa học để tính thi đua chứ chưa coi đó làm một nhiệm vụ song hành với việc giảng dạy. Vì thế, nhiều công trình nghiên cứu vẫn còn hạn chế về chất lượng. Các giải pháp của đề tài đưa ra sau khi được nghiệm thu song khi áp dụng vào chuyên môn lại không phù hợp do tính cập nhật và phổ biến chưa kịp thời như: tại thời điểm nghiên cứu có thể có văn bản còn hiệu lực nhưng khi đưa vào áp dụng thì các văn bản đó đã được thay thế, hoặc bổ sung sửa đổi dẫn đến không áp dụng được hoặc có áp dụng nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn… 

     Với tư cách là một giảng viên trong khoa, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cho công tác nghiên cứu khoa học, viết tin bài của giảng viên để công tác nghiên cứu khoa học và viết tin bài được hiệu quả và thực sự trở thành phong trào thi đua nghiên cứu khoa học của toàn giảng viên trong nhà trường: 

     Thứ nhất: Ban biên tập website cần định hướng các chủ đề, nội dung theo quý…. Lãnh đạo khoa thường xuyên nhắc nhở giảng viên, cũng như khuyến khích động viên mỗi giảng viên trong khoa thường xuyên viết tin, bài gửi báo, tạp chí… 

     Thứ hai: Có sự phân công người giúp đỡ các giảng viên chưa có kinh nghiệm trong việc làm đề tài nghiên cứu khoa học và viết tham luận, viết tin bài… Hiện nay Khoa Nhà nước pháp luật đang triển khai thực hiện. Giao cho một giảng viên giúp đỡ thẩm định tin bài, bài tham luận của các giảng viên trong khoa trước khi gửi ban biên tập, giao cho các chủ nhiệm đề tài đã được nghiệm thu có trách nhiệm hướng dẫn các chủ nhiệm đề tài mới làm lần đầu về quy trình, thủ tục, … 

     Thứ ba: Mỗi giảng viên cần có thái độ nhận thức đúng đắn về việc nghiên cứu khoa học, cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và vai trò to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của giảng viên. Vì thế mỗi giảng viên trong khoa ngoài giờ lên lớp cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc nghiên cứu khoa học. Số giờ chuẩn tuy không phải là ít nhưng đây không phải là lý do biện minh cho việc không có thời gian nghiên cứu khoa học. Bởi việc lên lớp, hoàn thành định mức giờ chuẩn còn phải đảm bảo chất lượng bài giảng gắn lý luận với thực tiễn, chứ không đơn thuần chỉ là lên lớp cho đủ giờ chuẩn. Để làm được việc đó thì nghiên cứu khoa học cần được giảng viên làm tốt hơn, thường xuyên hơn, các bài nghiên cứu, các bài tham luận cần gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn…

      Thứ tư: Giảng viên trẻ cần mạnh dạn, tự tin hơn trong nghiên cứu khoa học, mạnh dạn đứng ra làm chủ nhiệm đề tài. Loại bỏ tư tưởng còn trẻ chưa có kinh nghiệm, ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ… 

     Thứ năm: Cần lựa chọn các nội dung còn ít người nghiên cứu, các nội dung nghiên cứu ở các xã vùng sâu, xa, các địa bàn còn khó khăn. Từ đó mới tìm tòi và khám phá được nhiều vấn đề mà thực trạng hiện nay còn tồn tại để đưa ra các giải pháp khả thi trong việc tổng kết nghiên cứu đề tài… 

     Trên đây là một số các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học của khoa Nhà nước và pháp luật nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

                                                                                    Ths. Nguyễn Thị Thuý Hằng

                                                                                     Khoa Nhà nước và pháp luật