Skip to main content
x
13 June 2016

     Ngày 21-4-2014, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG Về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Với 6 phần học, chương trình trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở những kiến thức cơ bản và cần thiết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số nội dung của khoa học hành chính và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; từ đó góp phần củng cố niềm tin của học viên vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý của cán bộ ở cơ sở. 

     Theo khung Chương trình Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thời gian toàn khóa học là 6 tháng với tổng số tiết là 1056 tiết, trong đó học lý thuyết là 496 tiết (46,97 %), thảo luận là 136 tiết (12,88 %), thời gian tự học tự nghiên cứu là  424 tiết (40,15 %). 

     Thảo luận là hình thức tổ chức cho người học trao đổi, tranh luận các vấn đề học tập, để tự rút ra được các kết luận theo yêu cầu bài học. Việc dành tới 136 tiết thảo luận (12,88 %) trong tổng số 1056 tiết toàn khóa học đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của vấn đề thảo luận. 

     Thảo luận được thực hiện có hiệu quả không chỉ góp phần giúp học viên mở rộng và nâng cao nhận thức vấn đề; khắc phục tính ỷ lại, sự tiếp thu một cách thụ động và kích thích phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu đặc biệt là tư duy sáng tạo của học viên; tăng cường sự trao đổi về kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn giữa giảng viên và học viên, góp phần nâng cao kỹ năng thuyết trình của học viên, … 

     Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số giảng viên chưa đầu tư thời gian cho các buổi thảo luận, câu hỏi thảo luận chỉ dừng lại ở một số câu hỏi trong sách giáo trình, phương pháp trong buổi thảo luận chỉ dừng lại ở phương pháp thuyết trình, thảo luận nhóm hoặc hỏi - đáp mà chưa có sự kết hợp linh hoạt với các phương pháp khác… Một bộ phận không nhỏ học viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thảo luận và cho rằng: buổi thảo luận chỉ để tóm lược lại nội dung cơ bản của bài thông qua các câu hỏi có trong giáo trình nên không cảm thấy hứng thú và chưa phát huy tính tích cực học tập, một số học viên còn ỷ lại vào giảng viên và các học viên khác… Chính vì vậy, chất lượng thảo luận chưa cao, chưa phát huy được hết ý nghĩa, tác dụng mà thảo luận đem lại. 

      Để nâng cao chất lượng thảo luận, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau: 

      Thứ nhất, Giảng viên cần đầu tư nhiều thời gian hơn nữa cho các buổi thảo luận

     Thực tế cho thấy rằng: theo kế hoạch phân công bài giảng của một số khoa chuyên môn, có trường hợp giảng viên không lên lớp bài đó nhưng vẫn phải tiến hành chủ trì thảo luận nội dung của bài học. Trong trường hợp này, giảng viên phụ trách giờ thảo luận cần đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ nội dung bài học (đặc biệt là với những bài không thuộc chuyên môn) và liên hệ với giảng viên giảng dạy bài học đó nhằm nắm vững bản chất của vấn đề, những vấn đề có liên quan đến nội dung bài học, nội dung câu hỏi thảo luận mà giảng viên giao cho học viên. Có như vậy, giảng viên phụ trách thảo luận mới có thể hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc của học viên hoặc có thể gợi mở, làm sâu sắc thêm nội dung câu thảo luận. 

     Thứ hai, Lựa chọn nội dung thảo luận cho phù hợp.

     Đây là yếu tố quan trọng nhất để thay đổi tư duy, nhận thức về buổi thảo luận của học viên, kích thích tính tích cực, tự giác học tập của người học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng thảo luận.

     Trong quá trình giảng dạy tại các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, một số giảng viên thường dùng những câu hỏi có ở cuối nội dung mỗi bài học để học viên  tiến hành thảo luận trên lớp. Đặc điểm của những câu hỏi này là chỉ dừng lại ở mức độ như: trình bày phương hướng, trình bày quan điểm, nêu những nhiệm vụ,….Những câu hỏi dạng này không phát huy tính tích cực học tập, khả năng tư duy của học viên. Bởi vậy, học viên cảm thấy nhàm chán, ỷ lại vào giáo trình, ỷ lại vào một số học viên tích cực của lớp.

     Vấn đề đặt ra là một số giảng viên cần phải thay đổi cách lựa chọn nội dung thảo luận: thay vì sử dụng câu hỏi có trong giáo trình, giảng viên có thể dùng những câu hỏi có nội dung mang tính thời sự hoặc câu hỏi có nội dung gợi ra sự tranh luận nhằm thu hút sự chú ý, phát huy tính tích cực của học viên, khắc phục sự nhàm chán, đơn điệu của giờ thảo luận. Tuy nhiên, những câu hỏi đó phải rõ ràng, ngắn gọn, phù hợp với nội dung của bài học, phù hợp với học viên. 

     Thứ ba, Trong trường hợp giảng viên phụ trách thảo luận thấy cần bổ sung thêm những câu hỏi thảo luận (mang tính chất gợi mở, cần đến sự suy luận của học viên) để làm sâu sắc thêm nội dung bài học thì giảng viên nên gửi câu hỏi trước cho học viên. Mục đích của việc làm này: học viên có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra được nhiều ý kiến trả lời từ đó góp phần khắc phục thời gian "chết" trong thảo luận, nâng cao chất lượng thảo luận và số lượng vấn đề tiến hành thảo luận sẽ được nhiều hơn. 

     Thứ tư, Thời gian của một buổi thảo luận chỉ có hạn, trong khi đó vấn đề thảo luận thì nhiều vì vậy giảng viên cần phân bổ thời gian cho mỗi nội dung thảo luận hợp lý, tránh tình trạng hết thời gian mà chưa thảo luận hết nội dung. 

     Thứ năm, Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực thích hợp, có hiệu quả.

     Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thảo luận.

     Nếu giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với nội dung và mục tiêu thảo luận sẽ góp phần củng cố, định hướng và phát triển tư duy người học trong ba lĩnh vực: kiến thức, kỹ năng (thực hành và ứng dụng), thái độ và tinh thần trách nhiệm trong việc học tập, học viên sẽ chủ động tham gia vào quá trình đào tạo. Tuy nhiên, để có thể kết hợp các phương pháp dạy học tích cực một cách hài hòa, hợp lý, giảng viên cần nắm chắc những đặc điểm, nội dung, cách thức tiến hành, những điểm cần lưu ý khi sử dụng các phương pháp này. 

     Thứ sáu, Dự giờ, học hỏi kinh nghiệm của giảng viên khác.

     Học hỏi kinh nghiệm thảo luận của giảng viên khác là cách tốt nhất để "gắn lý luận với thực tiễn", để nắm chắc quy trình, cách thức tổ chức thảo luận và rút ra kinh nghiệm thảo luận cho bản thân.

     Thảo luận là một trong những hình thức được sử dụng trong học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Nếu được quan tâm và đầu tư chu đáo, công phu, hình thức thảo luận cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu của chương trình là trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và một số đối tượng khác những kiến thức cơ bản và cần thiết về lý luận chính trị - hành chính; củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

                                                                                                   Vũ Thị Hậu

                                                                                  Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng