Skip to main content
x
6 April 2016

     Khoa Nhà nước và Pháp luật hiện có 8 giảng viên trong đó: Nữ 05 đồng chí, nam 03 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: 04 đồng chí có trình độ đại học, 04 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 04 đồng chí trình độ cao cấp lý luận chính trị; 02 đồng chí trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính; có 02 đồng chí là giảng viên chính. Khoa có nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Đào tạo tiền công vụ đối với công chức dự bị; bồi dưỡng chuyên viên và các chức danh tương đương. Trong chương Trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính khoa nhà nước và  pháp luật được phân công giảng dạy phần III. Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN; những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước. Tổng số tiết là 222 tiết trong đó số tiết học  học lý thuyết, đánh giá kết quả là 94 tiết; thảo luận là 32 tiết; tự học, tự nghiên cứu là 96 tiết. Ngoài những nội dung trên khoa còn phối hợp với các khoa trong trường thực hiện giảng dạy một số bài liên quan. Việc gắn lý luận với thực tiễn luôn là yêu cầu cần thiết hiện nay, làm thế nào để  một bài giảng có chất lượng, đạt hiệu quả đó là việc vận dụng những kiến thức thực tế vào từng bài giảng, phù hợp với nội dung chương trình. Sau đây xin đưa ra một vài suy nghĩ để giảng dạy có hiệu quả phần III trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

     Thứ nhất, cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới nhất để truyền đạt cho học viên, để học viên nghiên cứu và vận dụng những kiến thức đó vào quá trình công tác. Ví dụ: Khi giảng dạy bài Quản lý đất đai, địa giới hành chính và xây dựng ở cơ sở giảng viên phải truyền đạt và cung cấp những nội dung cơ bản của Luật Đất đai 2013; những văn bản hướng dẫn thực hiện luật Đất đai năm 2013; Những điểm mới của Luật đất đai năm 2013 so với Luật Đất đai năm 2003. Ví dụ như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng (trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận ghi tên một người). Nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ theo quy định nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2014 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất phù hợp với quy hoạch sử dụng sẽ được cấp giấy chứng nhận.

     Thứ hai, nội dung liên hệ thực tiễn phải trung thực, có thể vận dụng vào công tác của học viên ở cơ sở. Ví dụ, khi giảng quản lý nhà nước về đất đai, giảng viên có thể đưa ra các mô hình quản lý và sử dụng đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ các nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường như: trồng cây Thạch Đen ở huyện Tràng Định, Cây Na ở huyện Chi Lăng, cây Hồi ở huyện Văn Quan. Qua những ví dụ thực tiễn, học viên sẽ thấy sự cần thiết trong vai trò của mình là tuyên truyền, giúp đỡ người dân trong xác định sử dụng quỹ đất của địa phương có hiệu quả theo quy hoạch, kế hoạch của cấp trên.

     Thứ ba, nội dung liên hệ thực tiễn cần đảm bảo tính chính xác, có cơ sở khoa học. Liên hệ thực tiễn phải phù hợp với nội dung bài giảng. Nội dung liên hệ thực tiễn được lấy từ nhiều nguồn, nhưng cũng có những nguồn thông tin không chính xác, không được kiểm chứng do đó khi học viên biết được nguồn không chính xác, họ sẽ mất niềm tin, hiệu quả giảng dạy sẽ rất thấp. Ví dụ, ngay các con số thống kê về sử dụng đất đai không đúng quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng thẩm quyền, diện tích sử dụng đất sai mục đích, trong cùng một thời điểm ở nhiều tài liệu khác nhau đã có sự khác nhau, người giảng viên cần lấy số liệu nào đảm bảo độ chính xác về mặt pháp lý để cung cấp cho người học.

     Thứ tư,  nội dung liên hệ thực tiễn phải có tính định hướng, động viên người học, đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và địa phương, không bôi đen, tô hồng sự việc, hiện tượng và làm ảnh hưởng đến mục tiêu dạy học, ảnh hưởng đến tư tưởng tâm lý học viên. Thực tế cho thấy, nhiều hiện tượng thực tế mang tính tiêu cực có thật, ảnh hưởng đến niềm tin, công tác tư tưởng của học viên, nếu giảng viên khai thác quá sâu, chú ý quá nhiều sẽ gây hiện tượng bi quan, chán nản, mất niềm tin, liên hệ thực tế như vậy sẽ phản giáo dục đối với học viên. Nếu như cần phải đề cập, giảng viên phải khéo léo định hướng tư tưởng cho người học. Làm người học có tâm lý thoải mái để tiếp thu kiến thức bài giảng có hiệu quả.

     Thứ năm, nội dung liên hệ thực tiễn phải đa dạng, phong phú sống động, có thể có hình ảnh, tư liệu minh họa mới hấp dẫn người học. Ví dụ, khi giảng bài Quản lý hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế ở cơ sở. Giảng viên đưa ra được những hình ảnh, tư liệu về những địa phương thực hiện tốt nếp sống văn hóa như: việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội trang trọng tiết kiệm, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh. Đồng thời đưa ra các hình ảnh, tư liệu về những địa phương quản lý các hoạt động văn hóa chưa tốt như: lễ hội kéo dài, đốt vàng mã, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... Nội dung liên hệ thực tế cần đảm bảo tính mới, cập nhật, không quá cũ, lạc hậu. Trong giảng dạy, do tính ổn định của giáo trình, bản thân kiến thức cũng có nguy cơ lạc hậu, nếu giảng viên không cập nhật những thực tế mới sẽ không thuyết phục được người học. Thực tế cho thấy nếu đưa những ví dụ thực tế lạc hậu học viên sẽ thấy nhàm chán, không hứng thú học tập vì họ chỉ muốn nghe những thông tin mới, kiến thức mà mình chưa biết. Việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy của mỗi giảng viên sẻ nâng cao chất lượng bài giảng đáp ứng nhu cầu của học viên đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị giảng dạy học tập của trường ./.

                                                                                           Hoàng Xuân Yến

                                                                                GV. Khoa Nhà nước & pháp luật