Skip to main content
x
6 April 2016

     Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông-Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên là 8.320,76 km2; có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 231,07 km; có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu đường sắt Ga Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có 01 cửa khẩu chính: Chi Ma (huyện Lộc Bình) và 09 cửa khẩu phụ; có các tuyến đường giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 3B, 31, 279. Toàn tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 226 xã, phường, thị trấn, trong đó có 5 huyện biên giới với 20 xã, 01 thị trấn biên giới. Là địa phương với kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu trong những năm qua tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 đạt 9,65%, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 34,76 triệu đồng tương đương 1.620 USD.

      Xác định là một tỉnh miền núi, biên giới với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nếu không quan tâm xây dựng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ những yêu cầu thiết thực và cấp bách từ cơ sở, nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với việc quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho cơ sở, ngày 13/02/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản: Quyết định số 36/2007/QĐ-UBND, ngày 31/12/2007 về ban hành chính sách đối với cán bộ luân chuyển; Quyết định số 1412/QĐ-UBND, ngày 29/9/2012 phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND, ngày 10/10/2013 về việc Ban hành Quy định về chế độ hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn… 

     Quán triệt nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến đồng bộ từ công tác đánh giá, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa các chức danh, đến bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ đảm bảo đúng quy trình, quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, nhằm xây dựng, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã; tạo được bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường giám sát đối với cán bộ, công chức cấp xã thuộc thẩm quyền tại nơi công tác và nơi cư trú; tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong sạch, vững mạnh. 

     Tính đến ngày 31/12/2015, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4.447 người, trong đó cán bộ 2.272 người, công chức 2.175 người. Theo Báo cáo của Tỉnh ủy số 382-BC/TU, ngày 06 tháng 08 năm 2015 sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo, hiện nay cán bộ chủ chốt về trình độ văn hóa đạt chuẩn 858 người, về trình độ chuyên môn đạt chuẩn 710 người, về trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn 1.027 người. Cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội về trình độ văn hóa đạt chuẩn 1.005 người, về trình độ chuyên môn đạt chuẩn 685 người, về trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn 760 người. Công chức cấp xã về trình độ văn hóa đạt chuẩn 1.927 nguời, trình độ chuyên môn đạt chuẩn 1.875 người, về trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn 1.022 người. 

     Những năm qua đạt được kết quả như trên là do các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đủ về số lượng, đạt chuẩn theo quy định đối với từng vị trí công tác để từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ được chú trọng, công chức cấp xã đa số được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ từ trung cấp trở lên. Chất lượng, hiệu quả quản lý đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, đúng quy định. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có lối sống lành mạnh, uy tín đối với nhân dân; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của cơ quan, đơn vị; luôn đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; tác phong, lề lối làm việc có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ được nâng lên; đa số cán bộ, công chức cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

     Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một số hạn chế sau: Chất lượng tuyển dụng công chức cấp xã còn thấp; một số cán bộ, công chức và phần lớn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng theo vị trí việc làm; tác phong, lề lối làm việc chậm đổi mới; năng lực quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ còn bất cập, hiệu quả công tác chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo kế hoạch hằng năm còn hạn chế. Ý thức tự học tập, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn và cập nhật kiến thức mới phục vụ công tác của một số cán bộ, công chức chưa được quan tâm. Một số huyện, cơ sở chưa chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ, công chức; công tác luân chuyển chủ yếu là giữa các chức danh trong các xã hoặc từ huyện về xã; một số cán bộ, công chức được luân chuyển chưa nắm bắt, theo kịp với thực tiễn hoạt động ở cơ sở dẫn đến hiệu quả công tác còn hạn chế. 

     Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực cho cấp cơ sở trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu  sau: 

     Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo, nhất là tăng cường thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phấn đấu đạt 100% các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 37-NQ/TU đã đề ra, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; thường xuyên củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay. 

     Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, gắn quy hoạch, đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ và luân chuyển cán bộ, công chức. Trong đó quan tâm rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định, đảm bảo phản ánh đúng thực chất để làm căn cứ xây dựng quy hoạch cán bộ và bố trí, sắp xếp lại công việc phù hợp với năng lực, uy tín cán bộ, công chức. Sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch và chuyên môn được đào tạo, đúng năng lực, sở trường công tác, chú trọng quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển. 

     Ba là, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức cấp xã theo đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, đúng tiêu chuẩn đối với từng chức danh, vị trí việc làm; chú trọng tuyển dụng công chức được chuẩn hóa về chuyên môn, ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, sinh viên cử tuyển có chuyên môn phù hợp về công tác tại cấp xã. Tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ, công chức các phòng, ban, ngành cấp huyện, nhất là cán bộ có trình độ về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở và rèn luyện, đào tạo cán bộ. 

     Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuẩn hóa, gắn với quy hoạch; coi trọng quy hoạch tại chỗ, chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ từ học sinh ở các xã vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn đang theo học trung học phổ thông; đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đối với cán bộ được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ mới; ưu tiên bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế đối với cán bộ, công chức cấp xã, bồi dưỡng vị trí việc làm đối với những người hoạt động không chuyên trách, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định. 

     Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cơ sở theo hướng giảm nội dung lý luận, tăng các nội dung mang tính thực tiễn, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng để phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh.

                                                                                  ThS, GVC Lăng Văn Thăng 

                                                                                  Khoa Nhà nước và Pháp luật