Skip to main content
x
22 February 2016

     Chùa Bắc Nga tên chữ là “Tiên nga tự” hay còn gọi là “Chùa tiên nga”. Chùa thờ tiên, thờ phật, là một di tích văn hoá có từ thế kỷ XVI và được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2002. Chùa thuộc địa phận thôn Bắc Nga xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, Chùa còn giữ được 05 tượng đất cổ, 06 bức hoành phi, 01 đôi câu đối, 04 bát hương cổ, 21 bảng gỗ khắc chữ Hán nho, 02 trống… rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng. 

     Lễ hội Chùa Bắc Nga diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm, là một trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Cao Lộc, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến với lễ hội nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi giải trí, ngắm phong cảnh và thưởng thức các món ăn đặc sắc nơi đây. 

     Lễ hội chùa Bắc Nga được chia làm hai phần. Phần Lễ được chuẩn bị rất chu đáo, gồm các lễ vật như mâm xôi, gà, lợn quay, mâm ngũ quả để tổ chức dâng hương cầu khấn xin âm dương, trình Thánh, trình Tiên cầu cho dân làng được tài lộc, sức khỏe mùa màng bội thu, mọi người đều được an lành, hạnh phúc và xin phép Thánh, Tiên cho dân làng được mở hội an vui trên địa bàn. Phần Hội với nhiều các trò chơi dân gian phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa riêng của vùng đất này, các trò chơi như múa sư tử, múa võ dân tộc, tung còn, nhảy bao, hát dân ca, hát Sli, hát Lượn, hát Then diễn ra trong lễ hội. Ngày hội còn là ngày để mọi người dân phô diện những bộ quần áo dân tộc Tày, Nùng, Dao sặc sỡ với những trang trí hoa văn thật tinh tế do chính bàn tay họ làm ra. Các hoạt động lễ hội có tính chất cộng đồng cao, sự giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng thôn bản được nâng cao rõ rệt, mọi người đến tham dự lễ hội gặp gỡ nhau làm tăng thêm mối giao lưu tình cảm, đoàn kết tin tưởng lạc quan vào một tương lai tốt đẹp, ước mong có một cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành. 

     Những năm qua, việc tổ chức lễ hội Chùa Bắc Nga diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định và đúng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của địa phương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã Gia Cát nói riêng và của huyện Cao Lộc nói chung. Đồng thời, thu hút được đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội.

                                                                                              ThS. Phạm Anh Tuấn

                                                                                         Trưởng khoa Xây dựng Đảng