Skip to main content
x
16 February 2016

     Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông-Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên là 8.320,76 km2; có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 231,07 km. Có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu đường sắt Ga Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có 01 cửa khẩu chính: Chi Ma (huyện Lộc Bình) và 09 cửa khẩu phụ; có các tuyến đường giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 3B, 31, 279. 

     Xác định là một tỉnh miền núi, biên giới với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu do vậy cần tập trung cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nên ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", nhằm tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án, ngày 20/8/2010 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về tăng cường lãnh đạo triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" ngày 20/01/2011 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020". Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án và xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Các xã, phường, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo, phân công các thành viên theo dõi, phụ trách địa bàn. Đã tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị, cấp phát tài liệu sổ tay, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình, kế hoạch của tỉnh đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã tổ chức được hơn 100 hội nghị, tuyên truyền được 157 buổi lồng ghép, phát trên 3.000 sổ tay với trên 350.000 lượt người được phổ biến; các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền được trên 500 tin bài. 

     Theo Báo cáo số 22-BC/TU, ngày 18/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 20/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo việc triển khai Đề án  "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Khi bắt đầu thực hiện Đề án, ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Qua điều tra, khảo sát có 349.528 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, nhu cầu học nghề giai đoạn 2010- 2015 là mỗi năm đào tạo cho trên 15.000 người, cả giai đoạn 2010 - 2020 nhu cầu cần đào tạo khoảng 77.523 người và đào tạo cán bộ công chức cấp xã cho khoảng 14.500 người. Công tác đào tạo tập trung ở một số nghề nông nghiệp như: Trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, nuôi và phòng, trị bệnh gà thả vườn, chăn nuôi lợn thịt, trồng rừng kinh tế, trồng quýt, trồng hồi. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, vận dụng vào sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp hoặc tự tạo việc làm, do vậy có trên 70% lao động học việc có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh. Thành lập được một số dịch vụ nấu ăn tại các xã, thị trấn trong tỉnh đem lại nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự cố gắng của các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng số lao động nông thôn được đào tạo trong giai đoạn đến hết năm 2015 là 43.323 người, đạt 55,88% so với mục tiêu Đề án đề ra. 

     Đồng thời công tác xã hội hoá dạy nghề được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tham gia dạy nghề, hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở dạy nghề (trong đó có 01 cơ sở dạy nghề ngoài công lập là Trung tâm dạy nghề Tùng Linh). Một số cơ sở dạy nghề đã thực hiện xã hội hoá theo hình thức liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm đào tạo theo nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra doanh nghiệp trên địa bàn còn tổ chức đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp như: Trung tâm thương mại Bắc Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Long, Doanh nghiệp tư nhân Tín Lộc…qua đó đã giúp cho doanh nghiệp có đội ngũ người lao động cơ bản tay nghề được nâng lên đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. 

     Để có một đội ngũ cán bộ công chức cấp xã chuẩn hoá theo quy định trong cả giai đoạn đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo trình độ đại học cao đẳng, trung cấp hệ vừa làm vừa học và các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận cho 11.143 lượt cán bộ, công chức cấp xã, đạt 77,9% so với mục tiêu của đề án đặt ra đến hết năm 2020.  Do vậy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau khi được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, lý luận chính trị đã nâng cao nhận thức, hình thành kỹ năng làm việc đáp ứng theo từng vị trí công tác, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. 

     Sau 05 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhận thức và tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề của các cấp uỷ Đảng chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được chú trọng đổi mới theo hướng đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội. Số lao động nông thôn đăng ký học nghề ngày càng cao, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn gắn công tác đào tạo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã tập trung bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định đối với từng chức danh cấp xã, bước đầu tổ chức được các lớp nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ công chức cấp xã từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

                                                                                                 Hà Thị Hải Yến

                                                                                                 Phó Hiệu trưởng