Skip to main content
x
28 October 2015

     Phường Chi Lăng Thành phố Lạng Sơn, với diện tích là 412,4 ha, có 12 khối, dân số trên 14 nghìn nhân khẩu, 3.300 hộ. Trong những năm qua, trực tiếp đồng chí Phó chủ tịch UBND phường Chi Lăng, đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và thường xuyên từ phường đến các khối với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng khối, từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến giáo dục pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật, lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật với phong trào vận động quần chúng tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. 

     Các nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn phường về thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 20/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân từ nay đến năm 2020. Từ đầu năm 2015 đến nay, tổ chức được 02 buổi tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp. Phổ biến được 18 buổi về các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành; các văn bản Luật được Quốc hội ban hành trong năm 2014-2015 và các văn bản của Cấp ủy, HĐND, UBND các cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Phối hợp với Sở Tư pháp và phòng Tư pháp thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án: “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”; “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”. Quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-01-2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật của phường hiện nay có trên 40 đầu sách, báo, tạp chí về pháp luật và các thông tin liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật, có 12 ngăn sách pháp luật, được đặt tại nhà văn hoá các khối, đảm bảo đầu sách mới, thông tin kịp thời và có sự luân chuyển giữa ngăn sách pháp luật các khối với nhau. 

     Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động của nhân dân trên địa bàn phường, nhân dân chấp hành pháp luật một cách tự giác, làm theo pháp luật, góp phần hạn chế, xoá bỏ các thói quen xấu, các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị doan, sống không theo pháp luật, giảm bớt được một số tệ nạn xã hội. Nhân dân trong phường đã từng bước xây dựng nếp sống văn minh như việc cưới hỏi, ma chay, lễ hội. Làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không chỉ từng bước chủ động tự tìm hiểu pháp luật mà còn tự giác đóng góp các ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình trong quá trình thực hiện pháp luật; tham gia giám sát hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, thực hiện quyền bình đằng giới và nâng cao vị trí của mình trong gia đình và xã hội. 

     Tuy nhiên, với đặc thù trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, phong tục tập quán còn lạc hậu, tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn, các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn còn nhiều... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa ngang tầm với việc quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ và rộng khắp, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội với nhân dân, chưa huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác này. Mặt khác, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật của phường hầu hết là kiêm nhiệm nên từng nơi, từng lúc việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền cũng như việc tham gia các buổi, đợt triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân còn hạn chế, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chưa quán triệt các văn bản luật mới ban hành cho cán bộ, đảng viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được kịp thời. Điều kiện về kinh phí cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn thấp. Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật đã được cấp trên quan tâm, xây dựng nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng chưa cao, số lượng người đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật còn hạn chế. 

     Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Một là: Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong phường đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thực tiễn cho thấy những thành công cũng như hạn chế đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đều xuất phát từ nhận thức của người dân. Vì thế, cần làm tốt công tác giáo dục, làm rõ vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Công tác này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên liên tục.

     Hai là: Phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của phường. Phải thường xuyên kiện toàn, bảo đảm đủ thành phần, có quy chế làm việc rõ ràng để hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thường xuyên tham mưu, hướng dẫn các ban ngành đoàn thể, các đơn vị triển khai các kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp nội dung và tình hình mới.

     Ba là: Tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của phường. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

     Bốn là: Cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành với phường, nâng cao trách nhiệm của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội CCB, Hội nông dân.... trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ đoàn viên, hội viên.

     Năm là: Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình, nhận thức của các đối tượng được tuyên truyền. Trong đó cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người dân đối với pháp luật. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ vai trò của pháp luật trong cuộc sống để nhân dân hiểu và tôn trọng pháp luật và chấp hành đúng pháp luật. Cần tăng cường nâng cao hiệu quả của Tủ sách pháp luật ở phường và ngăn sách pháp luật ở khối, để cán bộ và nhân dân thường xuyên cập nhật các thông tin, nội dung mới của các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện và áp dụng thống nhất luật trong đời sống xã hội.

                                                                                            Ths. Nguyễn Thị Thuý Hằng

                                                                                          GV: Khoa Nhà nước và Pháp luật