Skip to main content
x
14 October 2015

     Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2014,  đã thông qua Luật Hộ tịch. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Luật gồm có 7 chương với 77 điều, quy định những nội dung liên quan đến hộ tịch quản lý hộ tịch. So với Nghị định số158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Về đăng ký và quản lý hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật trước đây thì Luật Hộ tịch năm 2014 bao quát hơn, quy định đầy đủ các vấn đề về hộ tịch hơn. 

     Để giúp bạn đọc nắm bắt kịp thời một số điểm mới của Luật Hộ tịch năm 2014, sau đây xin nêu lên một số điểm mới cơ bản của Luật Hộ tịch. 

     1. Quy định về các nội dung đăng ký hộ tịch

     Luật Hộ tịch năm 2014, đã quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn các nội dung đăng ký hộ tịch; đã phân định rõ sự kiện nào là Xác nhận vào Sổ hộ tịch, sự kiện nào là Ghi vào Sổ hộ tịch. Theo đó:

     1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch là xác nhận các sự kiện hộ tịch sau: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; Khai tử.

     2. Ghi vào Sổ hộ tịch là việc ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Thay đổi quốc tịch;Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

     3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

     4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật. 

     2. Quy định về thẩm quyền đăng ký hộ tịch

     Theo Luật Hộ tịch thì thẩm quyền đăng ký các sự kiện hộ tịch được thực hiện ở 02 cấp (cấp huyện và cấp xã), kể từ ngày 01/01/2016, cụ thể:

     1. Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký các trường hợp hộ tịch sau:

     a) Đăng ký Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Khai tử ; Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi ; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

     b) Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Thay đổi quốc tịch;Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

     c) Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

     d) Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.

     2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đăng ký các trường hợp hộ tịch sau:

     a) Đăng ký các sự kiện hộ tịch: khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, khai tử, bổ sung thông tin hộ tịch có yếu tố nước ngoài;

     b) Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Thay đổi quốc tịch, xác định cha, mẹ, con, xác định lại giới tính, nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi,ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn, công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự có yếu tố nước ngoài;

     c) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;

     d) Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. 

     3. Thủ tục đăng ký hộ tịch đơn giản, cắt giảm tối đa các giấy tờ không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho người có quyền lựa chọn nơi đăng ký và phương thức đăng ký các sự kiện hộ tịch:

     Theo đó, Luật quy định chỉ cấp 02 loại bản chính Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn, còn các sự kiện hộ tịch khác sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký người yêu cầu đăng ký hộ tịch được cấp Trích lục hộ tịch tương ứng với từng sự kiện hộ tịch đã đăng ký. Bản chính trích lục hộ tịch được chứng thực bản sao.

     Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Theo quy định của Luật, cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống và có quyền lựa chọn phương thức đăng ký như nộp hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép. 

     4. Quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh:

     Theo quy dịnh của Luật Hộ tịch: Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh không lặp lại ở người khác và đây cũng là một trong những nội dung cơ bản trong Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh, cơ sở dữ liệu hộ điện tử hộ tịch và Cơ sở dữ liệu về dân cư. Số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. 

     5. Quy định rõ việc miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước. 

     6. Quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: đây là một bước đột phá của Luật Hộ tịch để hướng đến Chính phủ điện tử. Theo quy định của Luật thì Cơ sở dữ liệu hộ tịch là tài sản quốc gia, lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mọi cá nhân đã đăng ký, làm cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, phục vụ yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch.

     Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu ngành, được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được lập để lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến; được kết nối để cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

     7. Trong Luật Hộ tịch quy định Giá trị của Sổ hộ tịch được lập, giấy tờ hộ tịch được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực:

     Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị làm căn cứ chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân, tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

    Giấy tờ hộ tịch đã cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng.

                                                                                      ThS Lăng Văn Thăng

                                                                    Giảng viên chính Khoa Nhà nước và Pháp luật