Skip to main content
x
14 April 2015

     Đền Kỳ Cùng nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, thuộc phường Vĩnh Trại – thành phố Lạng Sơn. Trong đền có bến đá, là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong "Trấn doanh bát cảnh", xưa Ngô Thì Sĩ gọi là Kỳ Cùng thạch độ. Đền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, văn hóa năm 1993.

     Đền được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa. Qua quá trình biến đổi của thời và tác động của lịch sử, đền đã thay việc thờ thần Giao Long bằng thờ quan Tuần Tranh, một vị quan thời nhà Trần được cử lên đánh giặc ở Lạng Sơn. Đền rất linh hiển nên mỗi khi sứ bộ đi qua đây đều sửa lễ cáo yết rồi mới sang đò.

    Trong tâm thức người dân xứ Lạng, đền Kỳ Cùng có truyền thuyết rằng: Ông là con thứ năm của vua cha Bát hải Động đình – cùng giáng dưới thời Hùng Định Vương (Hùng Triều Thập Bát), trong một gia đình ở phủ Ninh Giang (nay là Hải Dương), ông được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở đây, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, lại bị vu cáo làm điều thị phi, ông đã hóa xuống dòng sông Kỳ Cùng để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành hai ông Lốt (ông Cộc – ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Sau, nỗi oan của ông được Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (vị tướng nhà Lê) chứng minh, hóa giải. Sau khi Ông mất, nhân dân lập đền Tả Phủ (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ) thờ Ông. Cảm kích trước công ơn và tấm lòng nghĩa hiệp của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hằng năm, vào giờ Ngọ, người dân địa phương lại mở hội rước kiệu ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở đền Tả Phủ. Đến ngày 27 tháng Giêng, cũng vào giờ Ngọ, nhân dân lại làm lễ tiễn biệt, rước kiệu ông Tuần Tranh trở lại đền Kỳ Cùng. Vì thế, lễ hội đền Kỳ Cùng gắn liền với lễ hội đền Tả Phủ cùng được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội diễn ra với đủ nghi thức như những hội hè khác ở làng quê Việt Nam. Phần lễ tập trung chủ yếu vào ngày 22 và 27, còn phần hội bao gồm những nghi thức rước kiệu, các trò chơi cờ, kéo co, hát sli, hát lượn, hát quan họ… Nét đặc sắc của lễ hội đền Kỳ Cùng và Tả Phủ là việc đưa, đón, rước các vị thần thánh đi làm lễ tạ ơn và chơi hội.

    Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh thường được nhân dân gọi là Ông Lớn Tuần Tranh – vị tôn quan thứ năm trong Ngũ vị Tôn quan (Ngũ vị vương quan, ngũ vị tôn ông) – vai trò Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh là Thanh tra, giám sát nhân gian.

    Hiện nay, trong đền Kỳ Cùng có thêm gian thờ Mẫu nằm bên trái gian thờ Quan lớn, với tượng Phật quan âm đặt ở trong cùng cao nhất; phía trước là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu với ba pho tượng nữ, mầu áo sơn giống nhau, được đặt trong khánh. Cùng với đổi thay của thời gian, lịch sử, đền Kỳ Cùng cũng đã có sự thay đổi, pha trộn giữa nét truyền thống và nét hiện đại. Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, với không gian chính gồm ba cửa vòm cuốn với hai trụ gạch vuông, phía trên được đắp nổi các hoa văn, trên cùng là bộ tam khí gồm: đỉnh và lọ hoa thờ hai bên. Phía ngoài được xây dựng với kiến trúc gạch tháp chồng diêm mang tính chất gác chuông. Trong đền vẫn còn lưu giữ được các Hoành phi, Đại tự có niên đại từ thời Lê - 1784 và thời Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự như: chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ có giá trị niên đại và mỹ thuật cao.

    Lễ hội Đền Kỳ Cùng là một trong những lễ hội tiêu biểu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, được tổ chức rất cẩn thận và chu đáo, thể hiện ý nghĩa thành kính, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân, anh hùng. Qua đó, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của quê hương, đất nước, hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của đất và người xứ Lạng trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.

                                                                                                      ThS. Phạm Anh Tuấn

                                                                                                 Trưởng khoa Xây dựng Đảng