Skip to main content
x
31 May 2024

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, ngày 29/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ban hành  Chỉ thị số 04-CT/TU, về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Ngay sau khi Chỉ thị số 04-CT/TU được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về các nội dung của Chỉ thị, tầm quan trọng của công tác nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Qua công tác triển khai, quán triệt, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã nhận thức rõ về mục tiêu, yêu cầu, nội dung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời để cụ thể hoá triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, trong đó yêu cầu người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt tại Chỉ thị số 04-CT/TU. Công tác kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai lồng ghép với với kế hoạch kiểm tra, thanh tra công tác hằng năm.

Bên cạnh đó các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhận thức rõ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với các khâu của công tác cán bộ; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng công vụ chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao; đồng thời với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ.

Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo tại Trung ương, cơ sở đào tạo nước ngoài được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tính từ năm 2021 đến hết quý I năm 2024 về đào tạo: Đã chọn cử được 9.514 cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, đạt 281% so với chỉ tiêu kế hoạch, gồm các chương trình đào tạo như: Đào tạo chuyên môn sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; Đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp, trung cấp, sơ cấp; hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị. Trung bình mỗi năm đào tạo 3.171 cán bộ, công chức, viên chức cao hơn 817 cán bộ, công chức, viên chức so với trung bình mỗi năm giai đoạn 2016 - 2020 (2.354 cán bộ, công chức, viên chức). Về bồi dưỡng: Đã chọn cử được 169.181 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, đạt 93,7% so với chỉ tiêu kế hoạch, bao gồm các nội dung, chương trình bồi dưỡng như: Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện; nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể; đối tượng kết nạp đảng, lý luận chính trị cho đảng viên mới; kiến thức quốc phòng và an ninh; kỹ năng chuyên ngành theo vị trí việc làm, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở...; bồi dưỡng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý (cấp sở, cấp huyện, cấp phòng), chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số; đại biểu HĐND các cấp; Bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài. Trung bình mỗi năm đào tạo 56.394 lượt cán bộ, công chức, viên chức, tăng 15.790 cán bộ, công chức, viên chức so với trung bình mỗi năm giai đoạn 2016-2020 (40.604 cán bộ, công chức, viên chức).(Theo Báo cáo số 525-BC/TU, ngày 23 tháng 5 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025)

12

Đạt được những kết quả tích cực như trên là bởi thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, các cơ quan, đơn vị quan tâm, lựa chọn cử cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định, bám sát mục tiêu tại Kế hoạch số 08-KH/TU, ngày 13/01/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025; chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có sự chuyển biến rõ nét; từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến nay cơ bản chuẩn hóa các bằng cấp, chứng chỉ. Quy mô, loại hình đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng và đa dạng; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cập nhật, đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho người tham gia; chú trọng phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tham mưu, phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thật sự hiệu quả; công tác đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; một số đơn vị chưa xác định đúng nhu cầu, chỉ tiêu để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; chưa quan tâm, chú trọng đến việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngành quản lý, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; một số lớp bồi dưỡng còn thiếu nguồn chiêu sinh ảnh hưởng đến công tác tổ chức lớp bồi dưỡng theo Kế hoạch...

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn nữa cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung triển khai bảo đảm đạt các chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 08-KH/TU, ngày 13/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 498/QĐ-UBND, ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, các bản mô tả công việc, khung năng lực để làm căn cứ xác định được số lượng, chất lượng, nhu cầu nâng cao năng lực thực sự của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời là cơ sở để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển phù hợp cho từng vị trí việc làm.

Thứ ba, thường xuyên, định kỳ rà soát, đánh giá tổng thể về trình độ, kỹ năng, thái độ, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của từng cán bộ, công chức, viên chức dưới sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, sát sao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và phân tích nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để phân loại đối tượng theo năng lực, giúp công tác đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu thực tiễn, đồng thời hỗ trợ quá trình xem xét, đề bạt và đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức theo năng lực và kết quả thực thi nhiệm vụ.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, học tập cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh và các trung tâm chính trị huyện, thành phố từ nguồn ngân sách của tỉnh và từ nguồn xã hội hóa.

Thứ năm, tổ chức thực hiện Đề án phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 là cơ sở đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở cấp tỉnh.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, chỉ ra những điểm mạnh để phát huy, hạn chế những tồn tại, thiếu sót để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, quan tâm thực hiện dự toán, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có chính sách hỗ trợ về kinh phí để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nhất là những người hoạt động không chuyên trách tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Lương Thị Thu Huỳnh