Skip to main content
x
3 April 2023

Ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2021 - 2030 (kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030). Chiến lược quốc gia về BĐG, với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, thông qua sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, vai trò tham mưu của cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả của Ủy ban nhân dân (UBND) từ tỉnh đến cơ sở và sự khẳng định vươn lên của mỗi cá nhân. Do đó đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và cộng đồng, đặc biệt thực hiện quyền bình đẳng trong đời sống chính trị ngày càng được quan tâm hơn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG được các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú. Kết quả các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được trên 2.200 cuộc thu hút 250.000 lượt người tham gia; đăng tải 250 tin bài trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các phương tiện truyền thông khác; treo trên 320 băng rôn, khẩu hiệu… Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh; tham gia sinh hoạt tại thôn, khối phố, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn bản được 2.082 cuộc với 90.395 lượt người dự[1]. Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách bất BĐG tiến tới BĐG thực chất, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình tại nơi cộng đồng và trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Trên cơ sở, Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh về  thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện và truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, lồng ghép các hoạt động truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG trong hoạt động của các cấp; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình: mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng; Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 05 nhóm chống bạo lực gia đình (Toàn tỉnh có 155 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 780 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 hộ gia đình tham gia; 780 nhóm phòng chống bạo lực gia đình có khoảng 31.000 thành viên. Có 1.204/1.705  địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; 226 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với 5.650 thành viên tham gia; 05 mô hình hỗ trợ kỹ năng vì sự an toàn cho trẻ em), dịch vụ hỗ trợ thực hiện BĐG tại địa phương. Các mô hình, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên gắn với các buổi sinh hoạt thôn, bản, khối phố là nơi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và hệ thống các văn bản liên quan đến BĐG, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình... tới người dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về giới, vấn đề BĐG, bạo lực gia đình.

1

Về triển khai hoạt động Tháng hành động vì BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Sở Lao động - Thương binh xã hội phối hợp với UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 tại thành phố Lạng Sơn với Chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” với sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo, cán bộ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và phóng viên cơ quan thông tấn báo chí. Lễ phát động Tháng hành động đã mở đầu cho chiến dịch truyền thông trong toàn tỉnh về hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Tại Lễ phát động, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã trao tặng 22 phần quà cho 22 phụ nữ tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các đại biểu tham dự Lễ phát động đã cùng diễu hành qua các tuyến đường trung tâm của thành phố để truyền tải rộng rãi các thông điệp, khẩu hiệu truyền thông của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tới mọi tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên rà soát các quy định của tỉnh đối với cán bộ nữ, thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể; bố trí, sắp xếp, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ nữ sau đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo của đảng, chính quyền các cấp. Xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ từng cấp, từng ngành, từng địa phương; đồng thời, quy hoạch cán bộ nữ phải rà soát, bổ sung và điều chỉnh hàng năm. Cùng với việc tăng cường công tác cán bộ nữ, công tác phát triển đảng viên nữ cũng được các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị quan tâm nhằm tạo nguồn cán bộ nữ. Với quan điểm công tác tạo nguồn cán bộ nữ đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh.

2

Tỉnh luôn tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực kinh tế như vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp... nhờ đó phụ nữ cù        ng với nam giới ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, về việc làm và việc làm ổn định.  Năm 2022, tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật cho trên 21.740 lượt người đạt 126% so sánh với cùng kỳ năm 2021; số người lao động đăng ký tìm việc làm qua Trung tâm dịch vụ việc làm: 1.883 người; số người được giới thiệu việc làm: 1.871 người, số người nhận được việc làm là: 991 người, đạt 227% so với cùng kỳ năm 2021. Tạo việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 113,3% kế hoạch, trong đó: thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 7.000 lao động với 5.534 lao động được giải quyết việc làm bền vững, khoảng 1.500 lao động hỗ trợ thực hiện dự án vay vốn; trên 3.000 lao động được tạo việc làm mới từ chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp của tỉnh trong đó có trên 500 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan); trên 7.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh[2].

Về tình hình bạo lực gia đình, bạo lực giới trên địa bàn tỉnh: theo số liệu của cơ quan công an, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ việc bạo lực gia đình (giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2021), nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, mâu thuẫn trong hôn nhân; các hành vi bạo lực như cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục, ngược đãi, hành hạ các thành viên trong gia đình… đã xử lý hình sự 06 vụ; xử lý hành chính 18 vụ. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ bạo lực gia đình, trong đó: bạo lực thân thể 30 vụ; bạo lực tinh thần 21 vụ; bạo lực kinh tế 01 vụ; bạo lực tình dục 02 vụ. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh trong năm 2022 Tòa án hai cấp trong tỉnh đã thụ lý, giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình: thụ lý tổng số 1.335 vụ án về hôn nhân gia đình, đã giải quyết 1.202 vụ, việc; số vụ án ly hôn 1.195/1.335 vụ, trong đó do mâu thuẫn gia đình là 1.322 vụ, bạo lực gia đình 07 vụ, do ngoại tình 01 vụ, do nguyên nhân khác 05 vụ.

Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được thực hiện thường xuyên; các quy định về chế độ đi học theo quyết định của tỉnh ưu tiên, ưu đãi hơn về độ tuổi, tiền trợ cấp đối với nữ. BĐG trong lĩnh vực đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được học tập, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục, đào tạo. Thường xuyên duy trì việc giảng dạy các vấn đề về giới, BĐG lồng ghép trong các môn học liên quan trong các cơ sở giáo dục và thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục. Đẩy mạnh phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn và thân thiện.

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, vai trò tham gia, phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về BĐG. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về BĐG. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền triển khai có hiệu quả Luật BĐG, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo đảm các nguyên tắc BĐG trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách và các chương trình, đề án, dự án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp; triển khai công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và lồng ghép chỉ tiêu giới trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của ngành. Công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ bảo đảm mục tiêu BĐG; nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ phụ nữ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BĐG./.

                  ThS. Nguyễn Văn Hiệp

                                                                      Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Báo cáo số 75/BC-UBND, ngày 27/02/2023 về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2022

 

[2] Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Báo cáo số 75/BC-UBND, ngày 27/02/2023 về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2022.