Skip to main content
x
27 March 2014

     Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội do giai cấp công nhân, người lao động tự nguyện thành lập. Công đoàn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và theo quy định của Hiến pháp, Pháp luật, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Công đoàn cơ sở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Các hoạt động công đoàn của Nhà trường được tổ chức hoạt động một cách dân chủ trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường. Hiện Công đoàn nhà trường có  59 đoàn viên. Ban Chấp hành Công đoàn gồm 07 đồng chí, trong đó 03 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà trường, đây là điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các hoạt động công đoàn cũng như phát huy được tinh thần dân chủ trong đoàn viên công đoàn về xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các phong trào hoạt động công đoàn luôn được các đoàn viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình và tự giác. Công đoàn cơ sở phát huy được sức mạnh dân chủ của các tổ chức đoàn thể như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: Dân chủ cơ sở thực chất là vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

     Để thực hiện dân chủ của cơ quan Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, mỗi cán bộ, viên chức và lao động (đoàn viên công đoàn) được đảm bảo thực hiện các quyền: Quyền được biết, được thông tin: Đó là những việc phải thông báo công khai để cán bộ, viên chức và lao động biết, gồm các chủ trương, chính sách, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch, dự toán quyết toán, chế độ, nội quy, quy chế làm việc, các thông tin, báo cáo kết quả hoạt động của cơ quan. Quyền được bàn và quyết định trực tiếp: Đối với các nội dung như Nghị quyết hội nghị hoặc cuộc họp toàn thể cán bộ, viên chức và lao động cơ quan, chủ trương và mức đóng góp các đợt huy động đóng góp tự nguyện, quy chế chi tiêu nội bộ, những vấn đề nội bộ cơ quan có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật. Quyền kiểm tra, giám sát: Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, dự toán thu chi, chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, viên chức và lao động, thực hiện nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, viên chức, lao động và học viên theo quy định của pháp luật.

     Thực hiện dân chủ của cơ quan Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Công đoàn cơ sở Nhà trường có các nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai nội dung các Quy chế, quy định, kế hoạch đến toàn thể cán bộ, viên chức và lao động trong Nhà trường về việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường. Phối hợp với Lãnh đạo Nhà trường tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức và lao động trong Nhà trường phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghĩa vụ công dân, cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của cán bộ, viên chức và lao động; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của cán bộ, viên chức và lao động. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của cán bộ, viên chức và lao động thông qua Ban Thanh tra nhân dân. Tổ chức vận động cán bộ, giảng viên và lao động tham gia phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, viên chức và lao động; tham gia quản lý Nhà trường, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

     Thực hiện dân chủ là mọi quyết định của nhà trường phù hợp thực tiễn, vừa đúng luật pháp vừa mang tính thuyết phục. Cụ thể là các Quy chế, quy định của Nhà trường cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi; những vấn đề thường ngày, tùy theo tính chất và qui mô ảnh hưởng mà tham khảo với những thành viên liên quan trước khi quyết định. Làm được như vậy, sẽ tập hợp được những sáng kiến của tập thể, nhận được đầy đủ thông tin kể cả những ý kiến phản biện để ra quyết định đúng, tăng thêm sức mạnh của công tác quản lý, tập thể thống nhất ý chí, nhiệm vụ hoàn thành một cách dễ dàng.

     Trong năm 2013, Công đoàn cơ sở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã tham gia xây dựng nhà trường thực sự là khối đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, phát động phong trào thi đua, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, hoạt động từ thiện… Do có nhiều thành tích nên Công đoàn Nhà trường năm 2013 đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở “Vững mạnh xuất sắc”, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2013”, tập thể công đoàn đạt giải nhì trong cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng”. Có được kết quả đó là do mỗi đoàn viên công đoàn thực hiện tốt vai trò dân chủ ở cơ sở trong các hoạt động của Nhà trường./.

                                                                                         

                                                                                           ThS. GVC Vy Thị Lê

                                                                                Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật