Skip to main content
x
7 November 2013

     Công tác dân vận được xem là công việc (hay còn gọi là nhiệm vụ chính trị) của các tổ chức đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải làm tròn trước Đảng và nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VI cũng chỉ rõ: “Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở phải nắm vững và làm đúng chức năng lãnh đạo của mình bằng phương pháp dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng bao biện công việc của Nhà nước, của các đoàn thể quần chúng” .

     Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, trước những vận hội và thách thức, đòi hỏi công tác vận động nhân dân phải có sự phát triển mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận hiện nay là hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phát huy vai trò công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng: “Với vị trí nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, vai trò của tổ chức cơ sở đảng rất quan trọng. Phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức này thực sự trong sạch, vững mạnh.

     Công tác dân vận có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng, củng cố và nâng cao vị trí của tổ chức cơ sở đảng, là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của Đảng. Trong những năm qua khẳng định vai trò quan trọng công tác dân vận, đảng ta ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị về công tác vận động nhân dân.

     Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986): Đại hội rút ra 4 bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, trong đó bài học đầu tiên là “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng: “Lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Hội nghị Trung ương 8 khóa VI họp từ ngày 12 đến ngày 27-3-1990 đã ra Nghị quyết 8B/TW (khóa VI) về “Đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết hội nghị Trung ương Ba khóa VII (6/1992): Về Một số nhiệm vụ đổi mới chỉnh đốn Đảng. Các mục tiêu của Nghị quyết đều đề cập đến công tác vận động quần chúng nhân dân. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994) tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa thêm quan điểm của Đảng về công tác dân vận trong giai đoạn mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) tổng kết 10 năm đổi mới, Báo cáo chính trị đã xác định rõ bốn nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (4/2001), quan điểm dân vận được thể hiện ở đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Báo cáo chính trị rút ra 4  bài học kinh nghiệm của 15 năm đổi mới (1986-2000), trong đó bài học thứ 2 là: “ Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Bài học thứ ba là: “Đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Nội dung thứ VIII của Báo cáo chính trị “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”, Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm công tác dân vận trong giai đoạn mới với cách diễn đạt “Đại đoàn kết toàn dân”. Đại hội X của Đảng (4/2006) tiếp tục khẳng lại mục tiêu, quan điểm và chủ trương lớn nhằm đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong giai đoạn mới có 4 quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày 3-6-2013, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW "Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" đã được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) thông qua.

     Để thực hiện thành công những nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác dân vận. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Đồng thời, để tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị từ nay đến năm 2015 nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng hội Đảng bộ lần thức XV, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn yêu cầu các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 08 nhiệm vụ sau:

     1. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác dân vận; tăng cường chỉ đạo, quán triệt, triển khai học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức  Hồ Chí Minh. Tuyên truyền, giáo dục về công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ... nhằm tạo ra chuyển biến mới trong nhận thức và hành động về công tác dân vận.

     2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác dân vận, thể chế hoá các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các văn bản pháp quy.

     3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Hằng năm, khi kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của cơ quan, đơn vị phải có đánh giá việc thực hiện công tác dân vận.

     4. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và phát huy dân chủ của cơ sở.

     5. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là trong công tác giải toả, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư ...

     6. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện, phát hiện những vướng mắc từ cơ sở, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

     7. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" và cách hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày dân vận của cả nước (15/10).    

     8. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn giới thiệu, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng chuyên đề về dân vận của chính quyền, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân vận.    

     Như vậy, không ngừng tăng cường công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay có vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

                                                                                                           Lương Tiến Như

                                                                                                          GV. Khoa Dân vận