Skip to main content
x
14 October 2013

    Việc sử dụng giáo án điện tử trong quá trình giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã được áp dụng vài năm gần đây. Nhà trường đặc biệt quan tâm vấn đề này, luôn tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên có đầy đủ phương tiện đưa giáo án điện tử vào giảng dạy. Tuy nhiên, việc sử dụng giáo án điện tử bên cạnh thành công bước đầu, vẫn còn một số tồn tại và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

vb

          Thí sinh sử dụng giáo án điện tử trong Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2013.

     Trong thời gian qua, việc giảng dạy bằng giáo án điện tử ở nhà trường nhìn chung đã mang lại hiệu quả khá cao, nhiều giảng viên đã xây dựng giáo án điện tử khá tốt làm cho quá trình dạy và học thực sự hấp dẫn, hiệu quả, góp phần cải tiến và thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với xu thế chung của thời đại.

     Đa số đội ngũ giảng viên cho rằng việc sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy ở trường là cần thiết, dạy bằng giáo án điện tử sẽ “khoẻ hơn” so với dạy bằng phương pháp truyền thống. Bởi công nghệ thông tin với những tính năng vượt trội cho phép thay đổi các phương pháp dạy học truyền thống trước đây bằng các phương pháp dạy học tích cực như: hỏi đáp, nêu vấn đề, làm việc nhóm… giúp học viên hiểu bài sâu, phát triển năng lực tư duy và khả năng sử dụng công cụ lao động trí tuệ mới, hình thành và phát triển nhân cách người lao động hiện đại.

     Việc xây dựng giáo án điện tử trong giảng dạy là người giảng viên dạy dựa chủ yếu trên máy tính xách tay và máy chiếu (projector) phối hợp với các phương pháp giảng dạy tích cực đem lại hiệu quả rất cao. Khi sử dụng giáo án điện tử giảng viên có thể thực hiện một tiết dạy sinh động, hấp dẫn và hiệu quả. Các hiệu ứng hoạt hình, âm thanh, phim trong giáo án điện tử không chỉ giúp giảng viên có thể thực hiện được đầy đủ các mục tiêu dạy học mà còn giúp cho học viên rèn luyện các kỹ năng quan sát và cảm nhận một sự kiện, sự việc, học viên sẽ ghi nhớ lâu hơn. Chính những hình ảnh, đoạn phim sống động kết hợp với lời giảng của giảng viên giúp học viên có nhận thức đầy đủ, khách quan về thế giới xung quanh, khơi gợi hứng thú học tập, tìm hiểu của học viên. Ngoài ra, giảng viên còn tiết kiệm thời gian viết, vẽ trên lớp. Nếu mỗi tiết học thông thường, giảng viên phải dành một lượng thời gian để treo tranh ảnh, thao tác các hoạt động thí nghiệm thì trong tiết học có sử dụng giáo án điện tử, những chuyện đó chỉ cần một thao tác nhấp chuột. Đồng thời, giảng viên được giảm nhẹ việc thuyết giảng, có điều kiện tăng cường đối thoại, thảo luận với học viên, qua đó học viên được thu hút, kích thích khám phá tri thức qua thông tin thu nhận được, có điều kiện quan sát vấn đề, chủ động nêu câu hỏi để hỏi giảng viên, giúp cho giờ học thêm hứng thú, có hiệu quả. Giáo án điện tử được sử dụng đã góp phần lôi cuốn và đáp ứng được tâm lý thích vừa được học, được nghe, được nhìn của học viên.

     Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc sử dụng giáo án điện tử thường gặp phải một số hạn chế, bất cập: Nhiều giảng viên tận dụng sự được phép giảng dạy bằng giáo án điện tử đã không ngần ngại tải về các giáo án đã được làm sẵn để sử dụng, vì vậy giảng viên không hiểu hết về bài giảng, truyền đạt cho học viên sẽ trở nên thụ động. Đó là chưa kể đến việc gặp những trục trặc kỹ thuật trong khi sử dụng như mất điện, lỗi máy tính, thiết bị thiếu đồng bộ… Có giảng viên lại quá lạm dụng giáo án điện tử, lạm dụng chạy chữ trên màn hình, nặng về trình chiếu. Hoặc có nhiều giảng viên chưa hiểu về bản chất của giáo án điện tử, quy trình thiết kế và sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy do đó có nhiều ý kiến khen, che chưa đồng thuận trong việc sử dụng giáo án điện tử. Vì vậy, hiệu quả của việc sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy chưa cao.

     Những hạn chế trên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:

     Một là, trình độ, năng lực nhận thức của giảng viên về các phần mềm để soạn giáo án điện tử còn hạn chế, thường áp dụng một cách máy móc, thiếu sáng tạo khi giảng dạy hoặc quá lạm dụng mà chưa chú ý tới việc phối hợp các phương pháp dạy học khác một cách hợp lí.

     Hai là, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện hiện nay còn thiếu và chưa đồng bộ, khiến cho việc áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

     Ba là, trình độ học viên còn thấp, lâu nay lại vốn quen với lối học “đọc-chép”, nay học theo hình thức mới vừa nghe, vừa xem, nhất là có các hình ảnh minh họa hấp dẫn nên học viên quên chép hay không biết ghi như thế nào. Trong khi đó trình độ tiếp nhận của học viên không phải như nhau, nhất là học viên ở các lớp tại chức, đa phần là đối tượng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, chưa có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, nên khi giảng dạy bằng giáo án điện tử sẽ khiến học viên bị cuốn theo cái hay, cái mới lạ của công nghệ hơn là tiếp nhận thông tin cốt lõi của bài giảng.

     Sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy hiện nay là xu thế tất yếu nhằm ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên cần căn cứ vào đặc thù từng môn học, từng tiết học, từng vùng, đối tượng học viên và điều kiện cơ sở vật chất cụ thể để tìm phương pháp giảng dạy kết hợp giữa truyền thống và hiện đại có hiệu quả. Tránh việc sử dụng giáo án điện tử theo phong trào, vừa tốn kém mà không mang lại hiệu quả.

     Vì vậy, để có thể sử dụng giáo án điện tử hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, đối với nhà trường: Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy bằng giáo án điện tử để nâng cao chất lượng dạy và học. Xây dựng các lớp học có hệ thống âm thanh, thiết bị trình chiếu, máy tính, máy chiếu (projector) lắp cố định… tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng giáo án điện tử vào giảng dạy của giảng viên; Tổ chức buổi tập huấn chuyên đề về ứng dụng giáo án điện tử vào giảng dạy giúp giảng viên nâng cao trình độ, kinh nghiệm, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia tin học và đồng nghiệp; Tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học cấp trường về vấn đề này để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa các giảng viên trong nhà trường.

     Đối với đội ngũ giảng viên: Cần được trang bị những kiến thức cơ bản về tin học, các phần mềm hỗ trợ thiết kế giáo án điện tử tích cực; Giảng viên cần tiếp tục trang bị cơ sở lí luận cần thiết để có được nhận thức đúng đắn về bản chất cũng như về ưu, nhược điểm của giáo án điện tử để từ đó có thể vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả./.

                                                                              Hoàng Thị Như Quỳnh

                                                           GV. Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh