Skip to main content
x
17 October 2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng. Người nhấn mạnh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1). Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm "dân là gốc", là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường”(2). Những kết quả đạt được trong công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào những thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới đất nước.

1. Nội dung công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

-  Tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng.

Kế thừa và phát triển quan điểm của V.I. Lênin về công tác quần chúng: “Một nước mạnh là nhờ ở sự giác ngộ của quần chúng. Nước mạnh là khi nào quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hành động một cách có ý thức”(3). Trước khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh cũng xác định cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ. Chính vì vậy, yêu cầu trước hết của công tác dân vận là phải thông tin, giải thích cho quần chúng hiểu rõ về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải ra sức tuyên truyền, giáo dục, vận động, giác ngộ, nâng cao trình độ của quần chúng, làm cho quần chúng tin và theo cách mạng.

-  Phát huy và thực hành dân chủ trong quần chúng.

Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc phát huy và thực hành dân chủ trong quần chúng. Người cho rằng dân chúng rất khôn khéo, hăng hái và anh hùng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên chú ý khi ra khẩu hiệu, đặt chính sách phải dựa vào ý kiến, kinh nghiệm và nguyện vọng của dân chúng. Cùng bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của quần chúng là khâu người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. “Bàn bạc với dân” và “giải thích cho dân hiểu” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

- Tổ chức và động viên quần chúng tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Động viên và tổ chức quần chúng thi hành là quá trình khẳng định vai trò chủ động của người dân, dùng chính sức lao động của mình vào những việc làm cụ thể, nhằm đạt được kết quả. Nói một cách khác là tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân. Chăm lo phát triển kinh tế đảm bảo lợi ích thiết thực cho Nhân dân luôn là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người xác định rõ: “Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”(4). Cả cuộc đời Người đã hy sinh và phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân.

- Tạo điều kiện để người dân tham gia góp ý, phê bình, tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Góp ý, phê bình là nội dung quan trọng không thể tách rời khỏi quy trình tổ chức và thực hiện công tác dân vận, là “mắc xích” có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của công tác này. Nếu góp ý, phê bình nghiêm túc, hiệu quả là cơ sở quan trọng, đáng tin cậy trong việc đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, đó cũng là căn cứ để chúng ta thực hiện tốt công tác cán bộ.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn hiện nay

Lộc Bình là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Tổng diện tích tự nhiên là 98.642,7 ha; dân số 86.598 người, bao gồm 06 dân tộc chủ yếu cùng chung sống hoà thuận là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chỉ. Huyện có 21 đơn vị hành chính (gồm 19 xã và 02 thị trấn; có 09 xã, thị trấn khu vực I, 12 xã khu vực III) với 209 thôn bản, khu phố; có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 28,959 km; có cửa khẩu song phương Chi Ma đối diện với trấn Ái Điểm (huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc).

Trong những năm qua, với việc học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận nói riêng ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả trên các mặt: Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, Nhân dân luôn tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã phát huy dân chủ, huy động sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp. Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chấp hành những chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hồi đất thực hiện các dự án. Tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong Nhân dân khi bàn giao mặt bằng để triển khai thi công xây dựng dự án. Cụ thể có các dự án trọng điểm như: Dự án quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn; Dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18), tỉnh Lạng Sơn (Phạm vi công trình thuộc địa phận huyện Lộc Bình); Dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình; Dự án: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu định cư và dân cư Bệnh viện, huyện Lộc Bình; Dự án Hồ chứa nước Bản Lải.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế như: Việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ở một số cơ sở  chất lượng hiệu quả chưa cao; Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn hình thức, chưa quan tâm đến thông tin, báo cáo; Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp Nhân dân, phát hiện xử lý những vấn đề nảy sinh ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa được sâu sát và phương pháp giải quyết các vụ việc phát sinh tại cơ sở đôi khi còn lúng túng.

Do vậy, trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác dân vận tại huyện Lộc Bình, cần thực hiện những giải pháp sạu:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng huyện Lộc Bình đối với công tác dân vận

Trước hết, các cấp ủy Đảng phải xác định công tác dân vận là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên. Công tác dân vận sẽ là cơ hội để cấp ủy, chính quyền biết và nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân từ đó đề xuất những giải pháp xử lý phù hợp. Cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận đề xuất những giải pháp có hiệu quả về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng,... Tăng cường chỉ đạo việc củng cố, xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; nhất là, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên trong công tác vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ba là, Cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại các xã, thị trấn để đáp ứng với yêu cầu công tác trong tình hình mới; đặc biệt quan tâm củng cố, xây dựng mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên các cấp để tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức của người dân.

Thứ hai: Nâng cao nhận thức của người dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay

Trước hết để người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, giúp đỡ người dân tham gia các hoạt động theo chính sách, pháp luật. Thường xuyên cung cấp thông tin, giúp người dân hiểu rõ tình hình đất nước và tình hình địa phương, động viên họ tham gia vào các công việc chung phù hợp với điều kiện, khả năng của họ, nhất là các hoạt động vì cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.

Hai là, tập trung hình thành các tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tự giác xây dựng và tổ chức tốt các mô hình tự quản ở khu dân cư để nhắc nhở, giảm các vi phạm; xử lý nghiêm các vi phạm về an ninh trật tự tại khu dân cư, tai nạn giao thông, vi phạm về vệ sinh môi trường… công khai trên trang thông tin điện tử của xã để người dân biết, phê phán các hành vi sai trái và giám sát, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc. Huy động đông đảo người dân, hội viên, đoàn viên các đoàn thể tham gia giải quyết, hoà giải các vụ việc ngay tại cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tiêu cực, thiếu dân chủ do nguyên nhân chủ quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về dân tộc, từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật tự giác của người dân trong quá trình thực hiện.

Bốn là, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong đồng bào các dân tộc, làm người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật, tham gia tích cực các phong trào thi đua, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước, vì cộng đồng và chính vì lợi ích của bản thân đồng bào dân tộc mình.

Thứ ba:  Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân

Đẩy mạnh công tác vận động đồng bào các dân tộc của huyện tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, đảm bảo an sinh xã hội. Cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp; đặc biệt, giải quyết những vấn đề cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quan tâm đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, đầu tư cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đi đôi với giải quyết việc làm. Căn cứ vào các nội dung triển khai áp dụng của các Chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương, lồng ghép các nguồn vốn, tăng cường đào tạo nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân, nhất là lực lượng thanh niên; mở các cơ sở đào tạo nghề đến các địa phương cho các hội, nhóm; những đối tượng trong tuổi lao động có việc làm ổn định; kết hợp với vay vốn tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, ngành nghề theo điều kiện và khả năng thực tiễn.

Lộc Bình là một trong những huyện của tỉnh có nhiều dự án lớn được thực hiện. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo các cấp lãnh đạo cần làm tốt công tác dân vận đối với người dân, thực hiện giải quyết triệt để tranh chấp, bất đồng, nhất là đơn thư khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến những nơi thờ tự, chùa hoặc yếu tố tôn giáo ở cơ sở. Phải cẩn thận nghiên cứu, giải quyết hài hòa, “thấu tình, đạt lý”, tránh trường hợp gây hoang mang, mất lòng tin trong nhân dân. Phải thật sự thận trọng, không để vấn đề giải quyết trở nên phức tạp gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Thứ tư: Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động người dân tin tưởng vào Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của đất nước cũng tạo ra cho Lộc Bình những thuận lợi và không ít thách thức đặt ra. Để khắc phục những mặt còn tồn tại các cấp ủy đảng, chính quyền cần đổi mới nội dung, phương thức vận động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đảm bảo những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là một trong những giải pháp cơ bản của công tác vận động quần chúng trong giai đoạn mới, cần phải có nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp.

Trước hết về nội dung công tác dân vận cần chú trọng một số vấn đề cơ bản, như: Tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong đồng bào các dân tộc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phải gần dân, trọng dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân hiện nay; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng Mặt trận và đoàn thể trong việc thu hút, tập hợp Nhân dân tham gia vào các hoạt động tại địa phương.

Trong tình hình mới hiện nay, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc; đặc biệt, tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước; giáo dục ý thức pháp luật và bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từng bước đổi mới về nội dung tuyên truyền, chủ yếu giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhận rõ những thành tựu kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh trong thời gian qua, nhất là những chuyển biến lớn về đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, giáo dục ý thức, trách nhiệm, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Thứ năm: Thực hiện tốt công tác cán bộ và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc.

Trước hết, để có lực lượng cán bộ đủ, đúng đủ tiêu chuẩn các cấp ủy đảng phải xây dựng nguồn, quy hoạch, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ vừa có trình độ, năng lực, vừa có kinh nghiệm, kỹ năng vận động quần chúng, gương mẫu, có uy tín để giới thiệu, bố trí vào những vị trí việc làm phù hợp.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải có quan điểm chính trị vững vàng, lập trường kiên định, lòng tự tôn dân tộc, không đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích chung. Thường xuyên tổ chức tập huấn để trang bị kiến thức về công tác dân vận và có hiểu biết về truyền thống, văn hóa, đặc điểm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Củng cố, tăng cường lòng tin của người dân với tổ chức đảng, chính quyền.

Ba là, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác dân vận phải tập trung khảo sát, đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước. Ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, có chú ý đến tính đặc thù của cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bốn là, Quan tâm đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc tại địa phương. Đây là những người có trình độ, hiểu biết rộng, công tác, sinh hoạt gần gũi với người dân; đặc biệt là lực lượng nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nếp ăn ở, sinh hoạt của dân tộc mình.

Tin tưởng và hy vọng rằng, với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng để công tác dân vận trên địa bàn tỉnh nói chung, công tác dân vận trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng sẽ ngày càng khởi sắc./.

ThS.Chu Minh Tâm

Khoa Lý luận cơ sở

 

Trích dẫn tài liệu tham khảo:

(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 6, tr.234.

(2)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,

tập 2, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.201

(3)V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ Mácxcơva, tr.23

(4)Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.435