Skip to main content
x
24 April 2023

Đại thắng mùa Xuân 1975 của Nhân dân Việt Nam đã trở thành một trong những chiến công chói lọi nhất, chấm dứt cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta kéo dài suốt gần 21 năm. Chiến thắng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã minh chứng cho sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn từ năm 1920 là đúng đắn, thắng lợi cũng đã chứng minh cho tinh thần, khát vọng, ý chí quật cường của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1858 những phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn vào các pháo đài phòng thủ của quân Việt Nam ở Đà Nẵng đã mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta. Năm 1884, với việc ký kết với Pháp Hiệp ước Patơnốt, nhà Nguyễn hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp, biến nước ta từ một nước phong kiến có độc lập, chủ quyền trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cuộc khai thác của thực dân Pháp đã làm cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ và cũng chính sách khai thác của thực dân Pháp đã làm thay đổi cơ cấu xã hội Việt Nam.

Trước sự xâm lược và chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, phong trào yêu nước của Nhân dân ta đã nổ ra mạnh mẽ theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Tiêu biểu có phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến như phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can lãnh đạo hay cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo.Tuy nhiên do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào yêu nước đó mặc dù diễn ra rất sôi nổi nhưng cuối cùng vẫn bị thất bại. Làm cho cách mạng nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh đất nước đó, đã đặt ra một yêu cầu mới cho dân tộc là phải tìm ra một con đường cứu nước mới, đưa dân tộc thoát khỏi kiếp lầm than, nô lệ. Khi tận mắt chứng kiến sự bóc lột cai trị hà khắc của thực dân Pháp, nỗi thống khổ của nhân dân, sự ươn hèn của quan lại triều đình và sự thất bại của phong trào cách mạng. Với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Cuộc hành trình của người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu từ ngày 05/6/1911 trên con tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville. Từ đây, Người đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề khác nhau để có thể sống và để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa và  cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[1]

1

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Mùa xuân năm 1930 đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, thay mặt Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản đảng là An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã trở thành một bước ngoặt, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc cách mạng của chúng ta đã đặt mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, thoát khỏi sự áp bức, nô lệ.

15 năm sau khi thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, lên đường kháng chiến và cuối cùng đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược và lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam.

2

Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn độc lập, nhưng cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, nhân dân ta vẫn phải tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với một kẻ thù mới, gian ác và xảo quyệt hơn rất nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Hiện nay, tình hình đã đổi mới, nhiệm vụ của ta do đó cũng có thay đổi, chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”[2]. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này chính là đế quốc Mỹ và người cũng khẳng định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ...”[3]

Thực tiễn lúc bấy giờ đã diễn ra đúng như Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định. Đế quốc Mỹ đã thay Pháp nhảy vào miền Nam, chúng âm mưu muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ hòng uy hiệp nền độc lập của cả ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo trên cơ sở giữ vững độc lập ở miền Bắc và thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 24/3) và tiếp đó là Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (21/3 - 29/3). Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", Đảng ta quyết định dốc toàn lực bao gồm các binh đoàn chủ lực, binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương để giành chính quyền trong chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Toàn bộ chính quyền địch và các đảng phái phản động bị đập tan, toàn bộ lực lượng vũ trang địch bị tiêu diệt và tan rã. Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc ở miền Nam đã toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà.

3

Có thể thấy rằng, đại thắng mùa Xuân 1975, đã khẳng định tính đúng đắn, khoa học và sáng tạo của đường lối cứu nước, con đường giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đây cũng chính là thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lói nhất. Đây là chiến dịch lớn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc suốt 30 kể từ năm 1945 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 như một minh chứng, sự khẳng định đúng đắn cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ năm 1920. Đây cũng chính là kết quả của cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của quân và dân ta. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để mỗi chúng ta ghi nhớ lại những trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, phát huy tinh thần tự hào dân tộc góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.

4
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H-2011, t.1, tr. 9

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H-2000, t.7, tr.315

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H-2000, t.7, tr.319-320