Skip to main content
x
30 November 2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đó là: một thứ vi trùng rất độc, gây ra trăm thứ bệnh nguy hiểm cho con người và cho xã hội. Con người do mang chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm, như bị mắc lâm trọng bệnh: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh hiếu danh; bệnh hữu danh vô thực; bệnh cận thị; bệnh xu nịnh, a dua; bệnh kéo bè, kéo cánh. Mười căn bệnh trên là những biểu hiện chính của chủ nghĩa cá nhân, ở mỗi nơi, mỗi lúc nó biểu hiện ra bằng các khuyết điểm cụ thể khác nhau, ngăn cản sự tiến bộ và phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng và toàn xã hội. 

Có thể nói, con ngư­ời cá nhân và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, biết kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích là cá nhân-tập thể-xã hội sẽ không ngừng thúc đẩyxã hội phát triển. Đảng ta đã xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, việc tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân hay coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh nhiều tàn dư lạc hậu của chế độ xã hội cũ chưa bị xóa bỏ hoàn toàn, trong khi những cái mới, cái tiến bộ, văn minh của chế độ xã hội mới chưa thực sự trở thành yếu tố bao trùm, chi phối đời sống tinh thần của quốc gia-dân tộc. Mặt khác, trong tâm lý của một số bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại, đan xen nhiều đặc điểm tâm lý phức tạp. Đó là tâm lý tiểu nông manh mún, vụn vặt của con người thời phong kiến; tâm lý quan liêu, bảo thủ của con người thời bao cấp; tâm lý cơ hội, thực dụng, ích kỷ của con người thời kinh tế thị trường. Các đặc trưng tâm lý đó chính là những bất cập, hạn chế từ đó dẫn đến những thái độ, hành vi, việc làm mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa-một điều rất xa lạ với chuẩn mực nhân cách của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

  Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự tác động mạnh mẽ những mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự chống phá, mua chuộc của các thế lực bên ngoài, cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện,một số  cơ chế chính sách chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu theo yêu cầu… nên những căn bệnh được Hồ Chí Minh chỉ ra ở trên có thể được biểu hiện ở những hình thức khác nhau. Về cơ bản nó biểu hiện ở những góc độ như: Phai nhạt về lý tưởng, cơ hội; tham nhũng, tham ô, hối lộ, lãng phí; quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, coi thường quần chúng; lợi dụng địa vị, chức quyền, dung túng, bao che cho người thân làm ăn phi pháp, chiếm đoạt tài sản bất chính; nịnh hót cấp trên, doạ nạt cấp dưới, thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ trì trệ; phô trương, hình thức, chạy theo thành tích, báo cáo sai sự thật; chạy danh, chạy lợi, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; địa phương, cơ quan, đơn vị cục bộ, bè phái; ngại khó, ngại khổ, tranh công, đổ lỗi, lợi mình, hại người; “dĩ hoà vi quý”, “gió chiều nào, che chiều ấy” thủ tiêu tinh thần và ý trí đấu tranh.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn với khát vọng vươn lên phấn đấu thực hiện thành công Đề án xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới, Đảng uỷ, lãnh đạo nhà  Trường và toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà Trường không ngừng kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện của căn bệnh này trong nhà trường. Đấu tranh chống lại từng biểu hiện cụ thể của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân đang có những dấu hiệu như:lãng phí (thời gian, điện nước, văn phòng phẩm); tư tưởng (“dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, ngại đấu tranh, ngại phê bình);bệnh chây lười trong công việc “nước đến chân mới nhảy”... ở một số cán bộ, giảng viên trong nhà trường.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng uỷ, tập thể nhà Trường luôn phát huy cao tinh thần Đại đoàn kết theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ủy đã triển khai học tập nghị quyết trung ương 8 (khóa XII) đến 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng và viết bài thu hoạch có chất lượng, đúng quy định; thường xuyên triển khai, phổ biến, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh, Đảng ủy khối tới 100% cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ. Toàn Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu chấp hành nghiêm túc, đoàn kết thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà Trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và chất lượng phục vụ. Kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt nam, Đảng ủy trường đã xây dựng kế hoạch tọa đàm kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng Sản Việt nam (3/2/1930 - 3/2/2022), hoàn thành và đưa vào sử dụng “Phòng tuyên truyền giáo dục” từ ngày 3/2/2020 cho đến nay. Đảng ủy trường đã tổ chức khen thưởng và biểu dương những tập thể và nhiều cá nhânĐiển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công. Khát vọng vươn lên xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới của tập thể cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là một khát vọng chính đáng trong quá trình phát triển đất nước không ngừng hội nhập và vươn xa.

Để xây dựng và thành công Đề án Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới theo tôi cần phải thực hiện tốt hơn nữa một số những nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, đảng uỷ phải kịp thời nắm bắt được tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên trong nhà Trường. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có lối tư duy độc lập và diễn biến trong tư duy có sự khác biệt và khá phức tạp. Qua đó cần phát hiện và điều chỉnh kịp thời với những biểu hiện hoặc có dấu hiệu lệch chuẩn, sai trái. Đồng thời cũng thường xuyên có những hình thức biểu dương những cá nhân, tập thể dám đấu tranh, dám lên án, bảo vệ cái đúng và lên án cái sai. Đảng uỷ cần chỉ đạo đến các Chi bộ trực thuộc phải không ngừng đổi mới hình thức sinh hoạt, tạo bầu không khí sinh hoạt trong Đảng phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ trong các hoạt động chuyên môn nhiều hơn…

Thứ hai, mỗi cán bộ, giảng viên của nhà Trường cần không ngừng "Tự soi, tự sửa”. Tức là mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Tự soi, tự sửa khó nhưng không phải không làm được.

Như kết luận Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII khẳng định: sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, kết luận đã nêu: phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”. Tự soi, tự sửa khó nhưng không phải là không làm được và đó chính là việc cần phải làm sớm. Bằng không, khi đểtổ chức phải soi và phải sửa thì e rằng, lúc đó, “Bệnh đã trở nên trầm trọng”.

Thứ ba, phát huy tinh thần Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hiện nay, Đảng ủy, lãnh đạo Trường, lãnh đạo các khoa, phòng và toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tiếp tục,không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng, trong đó chú trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy tụ, phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của bí thư và phó bí thư trong từng chi bộ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhận thức được tầm quan trọng của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn không ngừng học tập nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ; bổ sung, trau dồi thêm kiến thức thực tiễn; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao ý thức cách mạng trong từng trang giáo án; rèn luyện kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp; Tích cực nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến hay, giải pháp tốt mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của Nnà Trường…

Đảng uỷ nhà Trường quán triệt toàn trường phải không ngừng tập hợp sức mạnh Đại đoàn kết của tập thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong nhà Trường làm nguồn sức mạnh và là động lực chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tiếp tục không ngừng nâng cao nhận thức và thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tự soi và tự sửa đồng thời kiên quyết chống căn "Bệnh chủ nghĩa cá nhân" hướng tới xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới.Vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo cho tỉnh nhà, sự phát triển của kinh tế xã hội, sự nghiệp cách mạng của Đảng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phát huy tinh thần Đại đoàn kết trong tập thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong nhà trường luôn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

 

ThS. Lý Minh Thu

GVC. Khoa Lý luận cơ sở