Skip to main content
x
8 October 2022

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt, vận dụng tốt nội dung này là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà các cơ quan, đơn vị, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

1. Tư  tưởng Hồ Chí minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng giành độc lập đân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Cách đây 111 năm, ngày 5/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí lớn lao, khát vọng cháy bỏng là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1] đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Người đi tìm con đường đúng đắn, phù hợp, không cầu viện, thể hiện ý chí tự lực, tự cường, khát vọng lớn lao, tầm nhìn thời đại.

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Người trở về nước mang theo con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.

Theo con đường cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 15 ngày cuối Tháng Tám năm 1945 (từ 13 đến 28/8/1945), 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã làm nên tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”.Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm nên cuộc hồi sinh của nền độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc. Đó là một nền độc lập, tự chủ vô cùng quý giá của dân tộc giành được sau đêm trường nô lệ, đau thương và tủi nhục. Kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc được mở ra: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có trên bản đồ thế giới, với tư cách và vị thế của một quốc gia- dân tộc độc lập, có chủ quyền, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ nước nhà. Kỷ nguyên ấy được nối tiếp từ truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc ta luôn đoàn kết, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước qua bao cuộc trường chinh suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đó là thắng lợicủa phẩm cách, của ý chí tự lực, tự cường, của khát vọng độc lập tự do, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,  nhân dân ta luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc và đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[3]. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đang đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội đất nước ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy và mở rộng, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững; quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

2. Cán bộ, đảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tích cực phát huy ý chí tự lực, tự cường theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trước bối cảnh tình hình thế giới “tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”, Đảng ta xác định phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.

Trong những năm qua,Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà tỉnh Lạng Sơn giao phó, đó là thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường đã và đang góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Học tập chuyên đề năm 2021 và chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong thực hiện nhiệm vụ của mình, ở mỗi vị trí công tác, nhiều cán bộ, giảng viên của nhà trường đã khắc phục khó khăn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình và đã hoàn thành tốt nghiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên trong nhà trường đã và đang nỗ lực không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn thể hiện ý chí tự chủ, khát  vọng vươn lên hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, cán bộ, đảng viên nhà trường không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như tham gia các lớp chuẩn bị điều kiện nghiên cứu sinh, thạc sĩ, các tập huấn chuyên môn, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, các lớp chuyên viên, chuyên viên chính, lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển… Đó vừa là điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn giảng viên, vừa hoàn thiện chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.Trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cán bộ, đảng viên nhà trường luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mấy năm gần đây mặc dù bối cảnh trong nước, địa phương có nhiều thay đổi, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 cán bộ, đảng viên nhà trường vẫn luôn phát huy ý chí tự chủ, tích cực, linh hoạt trong mọi hoạt động. Trong công tác nghiên cứu khoa, giảng viên nhà trường vẫn luôn đảm bảo tiến độ, số lượng và chất lượng các bài viết, nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài khoa học cấp khoa cấp trường được đánh giá đạt chất lượng khá. Đặc biệt trong hoạt động giảng dạy, giảng viên đã chủ động, linh hoạt trong đổi mới hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang giảng dạy trực tuyến, có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp giảng dạy để chủ động thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid 19. Thông qua thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến người học, những thành tự có ý nghĩa lịch sử của dân tộc đến người học đồng thời đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Có thể nói, cán bộ, đảng viên Trường chính trị Hoàng Văn Thụ luôn phát huy truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trường thành của nhà trường trong thực hiện mọi nhiệm vụ. Đồng thời luôn thấm nhuần và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là học Bác về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường và xây dựng trường chính trị chuẩn vào những năm tới.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, Cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên

Đảng ủy, người đứng đầu cấp ủy, nhất bí thư, phó bí thư các chi bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao nhận thức,tầm quan trọng và thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Coi việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, các cấp ủy nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ Trường, của các chi bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Hai là, Đảng ủy, các chi bộ cần đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình, gắn với nhiệm vụ chính trị

Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện đồng bộ giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. "Xây" là tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; động viên cán bộ, đảng viên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị là đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đội ngũ cán bộ cho tỉnh. "Chống" là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có ngoại lệ.

Ba là, mỗi cán bộ, giảng viên cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống

Mỗi cán bộ, đảng viên nhà trường phải không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của nhà trường, phấn đấu xây dựng trường chính trị chuẩn, mỗi cán bộ giảng viên ở vị trí công tác của mình phải không ngừng tự rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa để hoàn thiện chính bản thân mình. Xây dựng cho mình tác phong làm việc tự chủ, tự lực, khoa học, luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không dựa dẫm, ỷ lại... đồng thời đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, chây lười lao động, bao biện, làm thay, nói nhiều làm ít, hiệu quả thấp. Khi mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường ý thức được trách nhiệm, chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần khẳng định bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển đi lên.

Bốn là,đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ, ở mỗi vị trí công tác cần nghiêm túc thực hiện, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đặc biệt, đối với các giảng viên, thông qua nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc vàocác nội dung giảng dạy, vào các bài viết trên các trang thông tin điện tử Website, Bản tin, các báo, tạp chí trung ương và địa phương, qua đó lan tỏa tư tưởng của Hồ Chí Minhđến người học.

Năm là, nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí, tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Học Bác ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm luôn có khát vọng vươn lên, sẵn sàng gánh vác mọi khó khăn, thử thách. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có quan điểm, tư tưởng đúng đắn, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung./.

ThS. Tạ Thị Hồng

GV. Khoa Lý luận cơ sở

 

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, tr.187.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, tr.187

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.25.