Skip to main content
x
19 September 2022

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung rất quan trọng, nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện đổi mới đất nước, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cũng là nội dung quan trọng đã được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và cũng là tư tưởng chủ đạo của Văn kiện.

Để thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tại tỉnh Lạng Sơn đã có 207 điểm cầu từ cấp tỉnh đến các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và điểm cầu các xã, thị trấn. Nội dung cơ bản về sự hình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc một số nhiệm vụ trọng tâm được chuyển tải đến toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện.

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị, cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên; cần cụ thể hóa và đưa nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong cán bộ, đảng viên vào nghị quyết, kế hoạch công tác của đơn vị, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.

Thực hiện nội dung  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, chi bộ Xây dựng Đảng đã xây dựng kế hoạch học tập chuyên đề “Trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, khát vọng cống hiến xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh”. Để thực hiện được các nội dung học tập về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, gắn với thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên không chỉ nắm được cơ bản các nội dung, mà còn phải xây dựng kế hoạch thực hiện một cách có hiệu quả.

1. Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng dân tộc

Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc, khát vọng độc lập, tự do và hoài bão cứu nước cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba vòng quanh thế giới đi đến nhiều nước, nhiều châu lục để tìm đường cứu nước, cứu dân. Năm 1911, Người đã đến nước Pháp nơi có thực dân đang áp bức người dân Việt Nam để hiểu cho rõ những gì ẩn đằng sau các từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái, để rồi trở về giúp đồng bào Việt Nam. Khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo Lê-nin và Quốc tế thứ ba, tin vào thắng lợi của cách mạng vô sản. Với ý chí tự lực, tự cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là trước hết phải giành độc lập dân tộc rồi đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng muốn thành công rất cần sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhưng muốn nhân dân thế giới ủng hộ và giúp mình, thì trước hết mình phải tự cứu mình đã.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi, Người đã chủ động, sáng tạo trong việc thành lập Ðảng Cộng sản ở Việt Nam, đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đảng của dân tộc Việt Nam; nêu cao tinh thần dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc đứng lên làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một Ðảng cách mạng non trẻ, đã lãnh đạo cách mạng thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thắng lợi xưa nay chưa từng thấy. Thắng lợi ấy là nhờ ý chí tự lực, tự cường và lòng khát khao độc lập tự do của dân tộc mà Hồ Chí Minh là biểu tượng để chúng ta học tập và làm theo.

Mục tiêu chí tự lực, tự cường và lòng khát khao độc lập tự do của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa; chỉ có xã hội chủ nghĩa mới thể hiện sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước, của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo thực hiện dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ. Làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, có nhà ở.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay và trong tương lai. Bởi vì, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn, sức mạnh to lớn, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Ðặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chúng ta đang đối mặt với những thách thức không nhỏ cả trong nước và trên thế giới.

Nội dung học tập về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng dân tộc đó là:

 - Nghiên cứu, học tập nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Khát vọng phát triển đất nước” là cụm từ được đề cập đến nhiều lần trong Văn kiện của Đại hội. Ngay tại chủ đề Đại hội, khát vọng phát triển đất nước được khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

- Nhận thức rõ mục tiêu tổng quát được xác định tại Văn kiện. “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...”.

- Tìm hiểu kỹ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Văn kiện xác định. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; phát triển con người toàn diện và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Văn kiện Đại hội đã đề ra.

2. Giảng viên khoa xây dựng Đảng thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc  

Khoa xây dựng đảng, trực thuộc Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ; với tổng số đảng viên là 11 đồng chí, trong đó 08 đồng trí trực tiếp giảng dạy tại khoa, 03 đồng chí là giảng viên kiêm chức. Nữ 06 đồng chí; nam 05 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: 100% có trình độ từ đại học trở lên trong đó thạc sĩ 11 đồng chí (chiếm 100%); lý luận chính trị: 10/11 cao cấp lý luận chính trị đồng chí (chiếm 90,9%); Kiến thức quản lý nhà nước: bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 01 đồng chí (chiếm 0,1%); bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 10/11 đồng chí (chiếm 90,9%). Đội ngũ giảng viên giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, năng lực cơ bản đồng đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường và thực tiễn đặt ra.

Về nội dung giảng dạy: Khoa thực hiện giảng dạy nội dung theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQGHCM ngày 21/01/2021 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Ban hành chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (Hệ trung cấp lý luận chính trị) và Hướng dẫn số 101-HD/HVCTQGHCM ngày 16/3/2021 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (Hệ Trung cấp lý luận chính trị) và Quyết định số 29-QĐ/TCT, ngày 24/3/2022 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về việc ban hành bộ Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

Về chất lượng giảng dạy: Để giảng dạy có chất lượng nội dung các bài, giảng viên cần nắm vững các kiến thức như: Nắm vững quan điểm của Mác-Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản một cách sâu sắc, đó là phải hiểu đúng, phải phân tích rõ, từ đó bảo vệ, sáng tạo, phát triển và đưa các quan điểm đó vào trong đời sống thực tiễn. Cần tập trung nghiên cứu để hiểu sâu sắc Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của từng phần học. Việc nghiên cứu để nắm rõ nội dung có nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả vận dụng Nghị quyết vào bài giảng. Chú trọng đến những điểm mới, nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; về tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước đến năm 2045...

Về thực hiện ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc, giảng viên trong khoa quyết tâm phấn đấu thực hiện:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc đến đội ngũ giảng viên

Về phẩm chất chính trị người giảng viên: Giảng viên khoa Xây dựng Đảng giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức đặc biệt được nhấn mạnh, vì trong cơ chế thị trường ngày càng có nhiều hiện tượng tiêu cực có thể tác động xấu đến đạo đức của giảng viên. Đạo đức của giảng viên phải được giữ gìn và củng cố ngay trong hoạt động giảng dạy, trong giao tiếp giữa giảng viên và học viên, giữa giảng viên với nhau và giữa giảng viên với cơ sở giảng dạy như Trung tâm chính trị huyện.  

Về đạo đức, lối sống: Giảng viên của khoa phải giữ gìn đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của giảng viên; ý thức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; sự tín nhiệm trong đồng nghiệp, học viên và nhân dân; tinh thần đoàn kết, tính trung thực trong công tác; quan hệ, hợp tác với đồng nghiệp; thái độ phục vụ nhân dân và học viên.

Tư cách người giảng viên: đó là lòng yêu nghề; tính bao dung và không vụ lợi; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và quy chế của trường; giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng học viên, đối xử công bằng với, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học viên; không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho học viên học tập.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên phải có khát vọng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy

Giảng viên tham gia giảng dạy tại khoa phải có trình độ sau đại học, tức là phải đạt yêu cầu ở mức độ nhất định về học hàm, học vị, bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực giảng dạy; yêu cầu về ngạch, bậc để bảo  đảm chất lượng giảng dạy cho mỗi loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Giảng viên phải đạt trình độ thạc sỹ các chuyên ngành giảng dạy ở khoa Xây dựng Đảng.

Về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, giảng viên có thâm niên công tác, nhất là đã từng công tác ở các cơ quan, ngành, địa phương, có kiến thức thực tế. Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kiến thức thực tiễn góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý thuyết. Mặt khác, từ vấn đề thực tiễn cùng với kiến thức lý luận mới giúp học viên nhìn nhận toàn diện vấn đề, gợi mở cho học viên những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết. Nếu thiếu những kiến thức thực tiễn, thì bài giảng rất dễ đi vào lý thuyết thuần túy, tẻ nhạt, không đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo của trường.

Thứ ba, quyết tâm thực hiện đề án trường chính trị chuẩn theo quy định của Trung ương, của tỉnh

Thực hiện Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26/9/2019 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay”. Khi thực hiện quy hoạch cán bộ ở khoa tính đến độ tuổi, thì việc đi học tiến sĩ cũng gắn với độ tuổi và gắn với từng giảng viên cụ thể, giảng viên đi học tiến sĩ nhất định phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy hoạch tại thời điểm hiện tại và quy hoạch những năm tiếp theo.

Trên đây là một số nội dung cơ bản mà giảng viên khoa Xây dựng Đảng thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc gắn với nhiệm vụ của nhà trường, cũng như nhiệm vụ của bản thân.  Từ thực tiễn và kiến thức lý luận, cũng như quá trình công tác, giảng dạy tôi cũng đã nghiên cứu nội dung học tập cũng như những quy định về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc đề ra tại Đại hội Đảng khóa XIII, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường và của khoa, góp phần xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phát triển phồn vinh, hạnh phúc trong thời gian tới./.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995, tập 2, tr. 267;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 12,  tr. 510  

(3) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tr.190, HN, 2021, taapj1, tập 2.

ThS. Triệu Văn Du

                                                           Khoa Xây dựng Đảng