Skip to main content
x
19 September 2022

Bắc Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 85 km, có diện tích tự nhiên là 69.941,4 ha, dân số toàn huyện có 71.967 người, gồm có 5 dân tộc chính cùng sinh sống (Tày, Nùng, Dao, Kinh, H’Mông). Huyện có 17 xã và 01 thị trấn, có 155 thôn, khối phố; tình hình phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,37%.  100% số xã có đường giao thông ô tô đi lại được bốn mùa, 96,91% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn vững mạnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong những năm qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường các mặt hàng nông, lâm sản không ổn định, giá vật tư, con giống tăng, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào thi đua trọng tâm và xuyên suốt của Hội. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện Bắc Sơn luôn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả đến cán bộ hội viên; có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc phát động, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; trong công tác chỉ đạo ngày càng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở, quan tâm lựa chọn xây dựng điển hình và biểu dương các điển hình tiên tiến. Các nội dung, chương trình thi đua ngày càng thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân. Gắn phong trào thi đua yêu nước của hội, với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, hàng năm Hội Nông dân đều kiểm tra, đánh giá, bình xét, phân loại và biểu dương, khen thưởng kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trực tiếp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm theo hướng an toàn. Từ kết quả đó đã khuyến khích, động viên, hỗ trợ thực hiện phong trào ngày càng tốt hơn. 

1

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hàng năm 100% các cơ sở và huyện phối hợp các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, tổ chức được 304 lớp tập huấn cho 24.770 lượt hội viên nông dân tham gia và tổ chức trên 50 buổi hội thảo đầu bờ thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, nội dung tập trung kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc lá, sử dụng các loại phân bón có hiệu quả, kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây có múi...Sau khi dự các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, một số hộ nông dân đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặt khác, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Hội Nông dân đang quản lý 58 tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư với 2.140 thành viên, với tổng dư nợ là 97.113 triệu đồng. Quy mô Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên hợp lý hơn, nếu như các năm trước bình quân một tổ chưa đến 20 thành viên, số dư nợ dưới 10 triệu đồng/thành viên, thì nay quy mô Tổ bình quân có 36 thành viên, dư nợ bình quân 1.648 triệu đồng/tổ; 45,272 triệu đồng/hộ được thực hiện với 14 chương trình vay. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh, huyện được các cấp Hội triển khai cho vay với số vốn là 7.120 triệu đồng, cho 200 hộ vay với 25 dự án. Hội viên nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân chủ động đầu tư phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và chính quyền với nhiều biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đề ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; do vậy phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên tăng bình quân hàng năm. So với giai đoạn 2010 - 2015, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm tăng gấp 2 lần. Từ phong trào đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như hộ ông Triệu Tiến Dung, xã Vạn Thủy với mô hình trồng quế mỗi năm cho thu nhập từ 350 triệu đồng; ông Dương Công Sáu, xã Bắc Quỳnh với mô hình chăn nuôi, dịch vụ mỗi năm cho thu nhập từ 300 triệu đồng; hộ ông Dương Hữu Vương, xã Bắc Quỳnh với mô hình kinh tế vườn mỗi năm cho thu nhập từ 250 triệu đồng; ông Dương Công Binh xã Long Đống mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập 300 triệu đồng; bà Hoàng Thị Hảo xã Long Đống mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập gần 300 triệu đồng; ông Phan Văn Chiến xã Vũ Lễ mô hình kinh doanh và trồng cây đào cảnh cho thu nhập 600 triệu đồng, ông Phạm Bá Ánh thị trấn Bắc Sơn mô hình sản xuất bánh phở cho thu nhập 500 triệu đồng, ông Đỗ Văn Minh xã Nhất Hòa mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập 250 triệu đồng...

2

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu...để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ; một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng. Điển hình như cánh đồng mẫu trồng lúa nếp cái hoa vàng; mô hình trồng cây dược liệu; mô hình trồng cây gai; mô hình trồng cây thuốc lá…Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.  Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 40 mô hình tiêu biểu về phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích trên 170 ha tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Tân Lập, Bắc Quỳnh; vùng trồng quế diện tích trên 1.000 ha tại các xã: Vạn Thủy, Tân Tri; phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Chiêu Vũ, Long Đống…; phát triển cá tại các xã: Bắc Quỳnh, Vũ Lăng, Trấn Yên, Đồng Ý, nuôi thỏ tại các xã: Tân Lập, thị trấn Bắc Sơn, trồng cây dược liệu tại các xã: Hưng Vũ, Trấn Yên, Long Đống…Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

3

Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 76 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác, trên 5.200 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều mô hình trồng cây đào cảnh, đươc các hộ nông dân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa đào cảnh đem lại thu nhập đến 350 đến 400 triệu đồng/năm... Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là những mô hình kinh tế hoạt động tích cực, có hiệu quả. Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Có thể nói 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có sự tiến bộ vượt bậc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình, tiên tiến - họ là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân nhìn chung chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, vẫn còn một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương mình để phát triển sản xuất, chưa có khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn lúng túng và thiếu nguồn lực.  Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu

Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được và tiếp tục thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ở địa phương. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau: 

Một là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất.

Hai là, đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Ba là, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá lớn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Bốn là, tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với từng vùng. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Hằng năm, tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo.

Năm là, gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

Sáu là, tăng cường các hoạt động dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội chỉ đạo phong trào và nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, điều hành các trang trại, gia trại của các hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn.

Bảy là, tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…tạo điều kiện cho phong trào phát triển./. 

ThS. Nguyễn Thị Hương

                                                              Khoa Xây dưng Đảng