Skip to main content
x
9 June 2022

Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước khẳng định, xác lập và ngày càng nâng cao vị thế, vai trò lãnh đạo và uy tín của mình bằng trí tuệ, năng lực, bản lĩnh để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn thách thức, giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, cho đất nước. Có được những thành quả đó nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó bản thân Đảng không ngừng tự đổi mới và tự chỉnh đốn là biện pháp thường xuyên và cốt lõi.

1. Vai trò của xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung trọng tâm xuyên suốt trong học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam với cương vị lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, Đảng phải xứng danh là người lãnh đạo, phải là một Đảng trí tuệ, đạo đức, văn minh. Muốn như vậy, một trong những biện pháp cơ bản là Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, một mặt, khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, đảng viên trong bất kỳ môi trường xã hội nào luôn chịu sự tác động của những cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Để loại bỏ cái xấu, cái dở cần phải rèn luyện thường xuyên, trong đó biện pháp quan trọng là đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng là để cán bộ, đảng viên khi gặp khó khăn thì củng cố quan điểm, lập tr­ường, tư tưởng, bình tĩnh sáng suốt, không bi quan, không chủ quan, tự mãn. Chỉnh đốn, xây dựng Đảng là để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng mạnh lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như­ thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[1].

Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, căn cứ vào đặc điểm, bối cảnh, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có nhiệm vụ trọng tâm khác nhau. Nếu như trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ hoạch định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; thống nhất tư tưởng và hành động, chống ngả nghiêng, dao động trước khó khăn; củng cố lòng tin, nâng cao ý chí, tăng cường quyết tâm kháng chiến..., thì trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ để Đảng đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới; đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực,... trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế càng sâu rộng lại càng xuất hiện những vấn đề mới, những khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để đủ sức lãnh đạo cách mạng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và chế độ.

Tất cả những vấn đề lý luận và thực tiễn trên cho thấy, việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung, kết hợp xây dựng với chỉnh đốn Đảng nói riêng là hết sức quan trọng, cấp bách, tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện một cách hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm giữa “xây” và “chống” nhằm tiếp tục tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

2. Nhận thức về xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các thời kỳ cách mạng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung được Đảng ta đặc biệt quan tâm ngay từ những buổi đầu thành lập. Tư duy, nhận thức về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng được phát triển từng bước qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, khi nhiệm vụ chính trị đã có những thay đổi.

 

 

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

Năm 1939, Đảng tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, xác định mục tiêu, phương châm trong công tác xây dựng Đảng, đó là phải: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”[2]. Năm 1945, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành Đảng cầm quyền. Những vấn đề về nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền sớm được bộc lộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo chấn chỉnh những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị cao trong bộ máy chính quyền non trẻ.

Đặc biệt, năm 1947, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là tác phẩm rất quan trọng, có tính chất kinh điển về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lần đầu tiên Người dùng cụm từ “việc chỉnh đốn Đảng”, xác định 12 chuẩn mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, định danh, đúc kết, nhắc nhở: “Muốn cho Đảng được vững bền. Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”[3]. Tác phẩm cũng xác định phận sự của người cán bộ, đảng viên. Về tự phê bình và phê bình, Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”[4]. Đồng thời Người chỉ ra nhiều thứ bệnh đối với cán bộ, đảng viên, trong đó chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên của mọi căn bệnh, Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[5]vì vậy, Người yêu cầu trong chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.

Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, Đảng ta lại mở cuộc chỉnh Đảng. Tháng 5-1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản.”[6]

Trong cuộc cải cách ruộng đất (thời kỳ 1954 -1957) bên cạnh những kết quả đạt được thì đáng tiếc trong tổ chức thực hiện đã có những sai lầm cả về tư duy và phương pháp, có biểu hiện tả khuynh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ… Sau đó Trung ương Đảng đã đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh sửa sai, đồng thời các lãnh đạo cao nhất trong Ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật nghiêm. Chính với dũng khí đó mà Đảng ta đã lấy lại lòng tin của Nhân dân và tiếp tục lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi trên mọi mặt trận.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi nhân dân cả hai miền Nam Bắc đều thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ to lớn đó là hậu phương và tiền tuyến lớn thì Đảng ta lại mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng với mục đích: “làm cho tất cả hiểu rõ hơn trách nhiệm làm chủ của mình, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa”.

Trước khi đi xa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại tác phẩm Di chúc cho Đảng, cho dân tộc. Trong những điều mà Bác trăn trở, công tác Xây dựng Đảng vẫn luôn là điều mà Bác đặc biệt quan tâm. Trong đó, Bác khẳng định cần phải tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng- giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ. Phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc. Và nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền là hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.

Thời kỳ đất nước được thống nhất và cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những việc làm thường xuyên, liên tục Đảng không ngừng tự chỉnh đốn nội bộ, mở nhiều đợt xây dựng, chỉnh đốn sâu rộng.

Năm 1991, sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Từ các Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa VI) năm 1989, Đảng ta đã có chủ trương, nghị quyết nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trước tác động to lớn từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới.

Hội nghị Trung ương 3 (tháng 6-1992) đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, trong đó, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể xem thường, đó là: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng”.

Đến năm 1999, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999, Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét trong công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.

Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng,... Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI, XII, XIII đã ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đây là những dấu mốc rất quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

3. Nội dung quan điểm của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Một là, đảng nhấn mạnh hai nội dung “xây” và “chống” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là hai mặt có mối quan hệ mật thiết; phải kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Đảng ta cho rằng, hai mặt “xây” và “chống” là hai mặt cơ bản trong công tác xây dựng Đảng, có quan hệ mật thiết và phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Theo đó, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”; trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất.

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, đã phát triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII nhấn mạnh, “phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; “kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên”.

Hai là, từng bước bổ sung, phát triển các thành tố trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó mỗi mặt có vị trí, vai trò riêng, bổ trợ, tác động lẫn nhau.

Thời kỳ 1986 - 2011, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta xác định là quá trình thống nhất, được thực hiện trên ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba mặt ấy gắn liền với nhau, có mối quan hệ, tác động lẫn nhau, trong đó xây dựng Đảng về chính trị có vai trò quyết định.

Đến Đại hội XII của Đảng, Đảng đã bổ sung thành tố “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Đây là một điểm mới, điểm nhấn của Đại hội XII. Xây dựng Đảng về đạo đức có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, được đặt ngang hàng, có mối liên hệ, tác động đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục bổ sung thành tố “cán bộ”, tạo thành hệ mục tiêu gồm năm thành tố của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gồm: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò riêng, tác động, bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đại hội XIII nhấn mạnh, trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”

Ba là, về phương pháp Đảng không chỉ thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Qua các nghị quyết về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng đã không ngừng bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bốn là, gắn xây dựng và chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”nhấn mạnh: Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Năm là, xây dựng và chỉnh đốn Đảng muốn hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, đã kế thừa nội dung của những hội nghị trước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, bổ sung điểm mới đó là việc mở rộng phạm vi không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kết luận chỉ rõ mục tiêu phải “Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”[7]./.

ThS. Nguyễn Thị Hương

Khoa Xây dựng Đảng

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5,  tr. 261

[2]. Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 624

[3].  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 290

[4].  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.272, tr.295

[5] . Hồ Chí Minh: Sđd, tập 7, tr.415

[6]. Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 25-2-1961, của Bộ Chính trị, “Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân”

[7] . Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.