Skip to main content
x
9 June 2022

Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng và động lực tinh thần để phát triển xã hội. Đạo đức là gốc của mỗi con người. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Đảng luôn quan tâm đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Do vậy, phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

1. Một số biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay

Thứ nhất, sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay có những biểu hiện sau:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên học viên không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Biểu hiện này thể hiện rõ ở tất cả các lớp trung cấp lý luận chính trị đều có biểu hiện cụ thể như một số cán bộ đảng viên đang học bỏ dở, một số lấy lý do ốm hoặc bận công việc gia đình, công việc cơ quan nên chủ động xin phép giảng viên vào muộn hoặc nghỉ học. Tình trạng này diễn ra nhiều hơn khi học tập trực tuyến do đường truyền mạng yếu học viên đa số đăng nhập không bật cam, khi giảng viên yêu cầu bật cam thì bị lỗi mạng hoặc bị nghẽn nên giảng viên rất khó quản lý học viên. Điều này càng thấy rõ tình trạng ngại học lý luận chính trị của cán bộ đảng viên thể hiện rõ.

Hai là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, học viên không chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Một số cán bộ, đảng viên trong khi sinh hoạt chi bộ nhận được ý kiến nhận xét góp ý khắc phục sửa chữa khuyết điểm không tán thành, không cầu thị ý kiến đồng chí đồng nghiệp đóng góp còn tỏ thái độ phật ý. Sau cuộc họp nói xấu đưa quan điểm cá nhân lên các trang mạng xã hội.

Ba là,  một số cán bộ, đảng viên, học viên còn mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội, zalo, fecbook còn tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên khi đọc những bài viết trên các trang mạng xã hội không chú ý, không đọc hết bài đã like và chia sẻ những thông tin cho là đúng nhưng mà không hề biết các thế lực thù địch có chèn một vài từ ngữ vào cuối bài mang tính chất phản động, chống phá đảng, chống nhà nước với những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc lịch sử, thực tế đất nước, bôi nhọ Đảng, chế độ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

 Thứ hai, suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên học viên đã và đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, có xu hướng lan rộng biểu hiện như sau:

Một là, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ trong cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tệ tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí của công không giảm cụ thể trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị, chương trình hành động, kết luận và 11 quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các đơn vị liên quan để thực hiện công tác nội chính và phòng chống tham nhũng đối với 15 bị can, đưa ra xét xử 06 vụ, 12 bị cáo, trong đó có 09 bị cáo phạm tội tham nhũng[1]. Một số cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm lộ bí mật nhà nước cụ thể một số vụ điển hình như kỳ thi nâng ngạch công chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Hai là, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện nhận hối lộ, tham nhũng dẫn đến tình trạng bị vi phạm kỷ luật của Đảng. Cụ thể khi có dấu hiệu vi phạm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 08 tổ chức và 25 đảng viên, giải quyết tố cáo 02 tổ chức đảng và 98 đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật 07 đảng viên. Làm mất uy tín của Đảng, thất thoát suy thoái nguồn nhân lực của nhà nước.

Sự suy thoái về đạo đức biểu hiện ở lối sống cơ hội, buông thả ngày càng nhiều. Trong thái độ với công việc được giao, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm còn phổ biến. Tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật. Đạo đức nghề nghiệp không được đề cao, kể cả trong những lĩnh vực rất nhạy cảm, như giáo dục, y tế; giáo dục nhân cách con người không được quan tâm đúng mức. Lối sống thực dụng, sự toan tính vụ lợi, ích kỷ đang tác động trực tiếp đến quan hệ đạo đức trong gia đình, đến nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Lạng Sơn

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng.

Những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức của đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay.

Các tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chưa chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối, làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài do hội nhập kinh tế quốc tế, do cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 nên tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên.

3. Giải pháp phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay

Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần triển khai thực hiện, đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp.

Nhóm giải pháp chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp, tạo niềm tin trong nhân dân. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng. Phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh công tác tư tưởng của Đảng. Nâng cao chất lượng bộ máy, cán bộ làm công tác tư tưởng các cấp. Quan tâm đến cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay. Tăng cường chỉ đạo, định hướng hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần khẳng định giá trị đạo đức và nhân cách con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.

Làm tốt hơn việc tuyên truyền, nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống,... Tập trung chấn chỉnh quản lý thông tin trên mạng xã hội, zalo, facebook và blog cá nhân.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, để việc làm theo gương Bác hiệu quả, thiết thực. Phát huy vai trò chủ động, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, tồn tại, khuyết điểm đã chỉ ra; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, nhất là những nội dung trong nghị quyết Đại hội XIII đưa ra.

Về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình và tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Lấy đánh giá cán bộ làm tiền đề.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm

Nhóm giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tập trung mọi nguồn lực, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, phấn đấu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về số lượng và chất lượng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất nội tại, rõ ràng về thứ bậc, chính xác, minh bạch và dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính khả thi cao. Cải cách cơ bản quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm vừa tăng về số lượng, vừa nâng cao chất lượng văn bản; phát huy dân chủ, huy động rộng rãi trí tuệ.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, tập trung hoàn thiện chế độ pháp lý về sở hữu nhằm thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực xã hội và thực hiện chính sách xã hội, coi trọng việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm thể chế hóa các chính sách về công bằng xã hội trong tiếp cận và thụ hưởng các loại dịch vụ công, cứu trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo... Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, an ninh quốc gia. Trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục thể chế hóa một cách cụ thể, nhất quán nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rõ ràng, sự phối hợp và kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhóm giải pháp phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội

Một là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân. Bên cạnh phản biện của các cấp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cần tạo nên những diễn đàn trao đổi trên báo chí, thông tin đại chúng nhằm thu hút sự tham gia thảo luận đóng góp ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách có liên quan, tác động đến đông đảo nhân dân. Để phản biện xã hội phát huy được vai trò tích cực, đòi hỏi phải có định hướng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bám sát mục tiêu của phản biện xã hội. Tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả nơi công tác và nơi cư trú.

Hai là, phát huy vai trò của dư luận xã hội. Vận dụng dư luận xã hội là để phát huy các chức năng đánh giá, điều chỉnh các quan hệ xã hội, giáo dục, giám sát, tư vấn - phản biện và giải tỏa tâm lý xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tăng cường cơ chế giám sát về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là từ tổ chức đảng. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định, các thiết chế bảo đảm việc phòng ngừa và khắc phục sự suy thoái trong Đảng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành và thực thi nghiêm quy định về trách nhiệm và nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp trong tự phê bình và phê bình; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ba là, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Quy hoạch hệ thống báo chí cân đối, đồng bộ, hợp lý. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ chính sách về báo chí. Đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo cán bộ báo chí. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và khoa học về thông tin - báo chí.

 Nhóm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài

Một là, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thông qua các thành viên của nhóm 35 bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chống các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch trên các trạng mạng xã hội zalo, facebook một cách hiệu quả. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tăng cường củng cố trận địa tư tưởng của Đảng. Bên cạnh nhóm ngăn chặn hiệu quả những kênh thông tin bất hợp pháp. Cần tăng cường tuyên truyền những kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước trên các phương tin thông tin đại chúng để thực hiện tốt phương châm kết hợp “chống” và “xây”, trong đó xác định chống quyết liệt và xây tích cực./.

        ThS. Triệu Thị Huệ

       Khoa Xây dựng Đảng

 

1 Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, tr. 103