Skip to main content
x
9 June 2022

1. Giáo dục chính trị tư tưởng trong công tác “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng to lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu để Đảng luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đó là vì từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn coi công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ trung tâm, then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chú ý tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 20/6/1988, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”nêu rõ một trong những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng là đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, phải “…Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cả về nội dung và hình thức, tổ chức và phương pháp, con người và phương tiện [1]

Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 26/6/1992 của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII)“Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”nhấn mạnh: “Thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về lý luận, quan điểm, đường lối…Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống trường Đảng tập trung và tại chức và các trường học”[2].

Đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết số 10-NQ/TW,  ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) “ Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”đã đề ra nhiều biện pháp để tiếp tục củng cố, chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ, trong đó nêu rõ: “Đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định cụ thể chế độ học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên”[3].

Để tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, Ngày 16/1/2012 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ tư là nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên…. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, …[4].

So với các Nghị quyết về xây dựng Đảng trước đây, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật lần đầu tiên Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống với 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, Đảng ta đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp đầu tiên là  nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình:“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương…Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”[5].

Đặc biệt, ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW“Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Kết luận số 21-KL/TW được ban hành với mục tiêu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu trên, Kết luận số 21-KL/TW của Đảng ta đã nêu lên 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó giải pháp đầu tiên là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”[6].

Những quan điểm nêu trên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu, phản ánh tính chất thường xuyên và cấp bách, có ý nghĩa quyết định của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

2. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Theo Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Tỉnh ủy Lạng Sơn Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức và lao động là 49 đồng chí, trong đó: Nam 22 đồng chí, Nữ 27 đồng chí; biên chế 47 và 02 hợp đồng lao động.

- Về trình độ:

+ Trình độ chuyên môn: 43 đồng chí có trình độ đại học trở lên (trong đó có 35 đồng chí trình độ thạc sỹ).

+ Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 26 đồng chí; Trung cấp 10 đồng chí; 02 đồng chí đang học chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 04 đồng chí đang học hoàn thiện kiến thức để cấp bằng Cao cấp lý luận chính trị.

+ Kiến thức quản lý nhà nước: đã bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 05 đồng chí; ngạch chuyên viên chính 23 đồng chí; ngạch chuyên viên 13 đồng chí.

- Về ngạch công chức, viên chức: 21 giảng viên chính và tương đương; 16 giảng viên.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, qua đó góp phần quan trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, nhà trường luôn quan tâm đến công tác chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Không chỉ chú trọng tăng cường đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nhà trường còn tăng cường bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, kỹ năng quản lý, kiến thức thực tiễn và nâng cao trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 2021, Nhà trường đã quyết định cử viên chức tham gia lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở do Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức (01 đồng chí); cử viên chức tham gia Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 12 (02 đồng chí). 02 đồng chí tiếp tục theo học chương trình đào tạo cao học; 02 đồng chí tham gia chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 09 đồng chí hoàn thành chương trình hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị.

Vì vậy, đội ngũ giảng viên nhà trường luôn có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tâm huyết với nghề, có nhiều sáng tạo trong soạn giảng và giảng bài, luôn gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, kết hợp hài hòa các phương pháp truyền đạt như phương pháp thuyết trình, vấn đáp, diễn giải, nêu vấn đề... . Các bài giảng của giảng viên được thống nhất từ việc xác định mục đích, yêu cầu, trọng tâm, trọng điểm nội dung; phương pháp và thời gian giảng dạy từng phần trong bài. 

Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên trong học tập, nghiên cứu; đổi mới nội dung, chương trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước và địa phương; thay đổi hình thức học tập, đánh giá kết quả học tập của học viên, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên; thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động giảng dạy; duy trì và nâng cao chất lượng thao giảng cấp khoa, cấp trường, hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị hằng năm; duy trì, đổi mới và nâng cao hiệu quả việc lấy phiếu phản hồi ý kiến của học viên đối với bài giảng của giảng viên; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật học tập của học viên thông qua cơ chế đánh giá, khen thưởng, kỷ luật.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập đã được đầu tư, nâng cấp hiện đại hơn, đồng bộ hơn.

Chính vì vậy, chất lượng giảng dạy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ qua các năm đã được nâng cao, cụ thể:

- Tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá và giỏi, xuất sắc năm sau cao hơn năm trước:Từ chỗ không có học viên nào đạt kết quả học tập xuất sắc thì đến năm học 2018 – 2019 đã có 03 học viên và năm 2019 – 2020 có 02 học viên. Tỷ lệ học viên xếp loại giỏi tăng từ 11,48 % (năm 2016) tăng lên 24,25 % (năm 2020). Tỷ lệ học viên xếp loại khá tăng từ 59,63 % (năm 2016) tăng lên 72,08 %. Tỷ lệ học viên xếp loại trung bình giảm mạnh từ 28,89 % (năm 2016) xuống còn 3,49 % (năm 2020).

- Sự phản hồi ý kiến của học viên về chất lượng bài giảng của giảng viên nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực.Sự hài lòng của học viên đối với nội dung bài giảng và phương pháp giảng dạy, tác phong sư phạm của giảng viên theo các tiêu chí cụ thể từ năm 2016 đến năm 2020 liên tục tăng và luôn đạt trên 99 %;  sự hứng khởi học tập của học viên đối với bài giảng của giảng viên ngày một nâng lên (từ 98,7 % năm 2016 tăng lên 99,77 % năm 2020). Đặc biệt, khi đánh giá về hiệu quả bài giảng, hai tiêu chí:mức độ nắm kiến thức qua bài giảng của học viên và khả năng vận dụng kiến thức của bài giảng vào thực tiễn của học viên đã được chính bản thân học viên nhìn nhận và đánh giá rất cao (trên 99 %) một lần nữa khẳng định chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới.

- Tỷ lệ giảng viên đạt giảng viên giỏi cấp khoa, cấp trường tăng; Năm 2020, 2021: 100% giảng viên tham gia thao giảng cấp khoa đều đạt giỏi trở lên, 100 % giảng viên tham gia thao giảng cấp trường đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi cấp trường”. Năm 2021, chọn cử 02 giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành lần thứ VII. Kết quả 2/2 giảng viên tham gia đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”.

- Tỷ lệ học viên đạt danh hiệu “Học viên học giỏi lý luận chính trị” và được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giảng dạy của nhà trường còn tồn tại những hạn chế nhất định, như: phương pháp giảng dạy tại một số buổi của một số giảng viên còn nặng về lý thuyết nên chưa phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên; sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn ở một số bài giảng chưa tốt, chưa nhiều. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giảng dạy của nhà trường có lúc chưa kịp thời. Việc lấy phiếu phản hồi ý kiến từ người học vẫn còn hạn chế…

Từ thực trạng nêu trên, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và góp phần tham gia tích cực có hiệu quả vào công tác Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, theo cá nhân tôi Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trên cơ sở thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Trước hết, mỗi giảng viên phải không ngừng rèn luyện, trau đồi để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng;  luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn, không ngừng trau dồi kiến thức thực tiễn và kiến thức liên ngành. Giảng viên cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Mỗi giảng viên chủ động, tích cực tham gia hoạt động dự giờ, thao giảng các cấp, tăng cường kỹ năng sử dụng thành thục, linh hoạt các phương tiện và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của bài giảng; xây dựng phong cách giảng dạy phù hợp.

- Nhà trường tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để giảng viên rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, gắn lý luận với thực tiễn. Nhà trường cần tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giảng viên nghiên cứu thực tế tại cơ sở, tiếp tục đưa giảng viên đi biệt phái có thời hạn ở cơ sở, giúp giảng viên nắm bắt kiến thức thực tiễn đang diễn ra, đặt biệt là các vấn đề mới nảy sinh, qua đó định hướng cho người học hướng giải quyết các vấn đề hiệu quả. Khuyến khích, phát huy tính tích cực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Đây là cơ sở để trau dồi phương pháp, kiến thức giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

- Nhà trường cần tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý chuyên môn như: Thông qua bài giảng, dự giờ, thao giảng hàng năm để nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên, gắn hoạt động kiểm tra với đánh giá chất lượng bài giảng. Đây vừa là hoạt động sinh hoạt chuyên môn vừa là cơ hội để các giảng viên học hỏi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm và kỹ năng ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng của mỗi giảng viên.

- Nhà trường cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết, nhằm phát huy tối đa năng lực, hiệu quả làm việc của giảng viên.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, rất mong nhận được sự tham gia góp ý của các đồng chí để bài tham luận được hoàn thiện hơn./.

ThS. Vũ Thị Hậu

Phòng QLĐT & NCKH

 

[1] Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20/6/1988, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”.

[2] Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 26/6/1992 của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII)“Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”.

[3] . Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) “ Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

[4] Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

[5] Nghị quyết số 04/-NQ/TW, ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

[6]Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.