Skip to main content
x
9 June 2022

Đất nước gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh nghiệp gặp khó khăn, chuỗi sản xuất có nguy cơ đứt gãy, thu nhập của người lao động bị giảm sút. Từ đây tinh thần sẻ chia, đùm bọc của toàn dân tiếp tục được khơi dậy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp chính quyền địa phương, cơ sở đã tổ chức các hoạt động kêu gọi xã hội chung tay với nhiều hình thức phong phú tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân góp phần cổ vũ các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm thêm sáng kiến triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Các tầng lớp xã hội tích cực hưởng ứng, đóng góp vật chất ủng hộ tuyến đầu chống dịch, mua vắc xin, vật tư y tế, hỗ trợ người bị cách ly y tế chăm sóc sức khỏe. Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư đã gây nhiều thiệt hại về người và của, các thế lực thù địch vu khống rằngnguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thể chế chính trị của Việt Nam.  Họ cho rằng, đó là hệ lụy của chính thể độc đảng cai trị ở Việt Nam. Đây là cái nhìn phiến diện của những kẻ cố tình không hiểu tình hình Việt Nam, đi ngược lại quyền và lợi ích dân tộc; cố tình bóp méo xuyên tạc sự thật, phủ nhận những thành quả phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với nhân dân, biện hộ cho những ý đồ đen tối của họ. Với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng, sự ưu việt của hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành điểm sáng được bạn bè quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao.

Các thế lực thù địch cũng ra sức tung tin giả mạo nhằm tạo ra những hỗn loạn trong cộng đồng, gây đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân như thị trường khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến. Thông tin thất thiệt này nhanh chóng được một số đối tượng khác chia sẻ, bình luận lây lan trong cộng đồng nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, tiêu cực, bức xúc làm bất an lòng dân, bất ổn xã hội nhất là tại các “điểm nóng” của dịch bệnh. Không chỉ xuyên tạc các thế lực thù địch còn bịa đặt rằng “chính quyền sẽ bỏ mặc người dân”, “mạnh ai người ấy sống”, chính quyền không còn khả năng chăm lo cho đời sống nhân dân, các dịch vụ y tế quá tải; từ đó kích động người dân không tin chính quyền, không chấp hành các quy định về giãn cách, cách ly, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát tình hình, truy vết nguồn dịch. Thực tiễn đời sống xã hội cho thấy sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm sự vận hành của thị trường và hệ thống chuỗi cung ứng, bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm liên tục đến tận tay người tiêu dùng chính. Đây là những bằng chứng sinh động, thuyết phục, hoàn toàn khác với những luận điệu mà các thế lực phản động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá bình luận.

Các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam không đủ nguồn lực dập dịch, phải kêu gọi sự đóng góp của nhân dân về thực chất là bòn rút của nhân dân, tìm mọi cách để xuyên tạc chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn của đất nước ta dưới các chiêu bài “thật giả lẫn lộn” nhằm lừa gạt dư luận, lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin. Các phần tử chống đối phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong phòng, chống dịch bệnh, chăm lo đời sống nhân dân. Đây hoàn toàn là những điều bịa đặt vu cáo, phủ nhận sự chung sức đồng lòng của các tng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong các đợt phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với các gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hỗ trợ kịp thời để họ vượt qua khó khăn Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là những quy định mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của đất nước để giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức phản bác, chống phá xuyên tạc về tính ưu việt của chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những khó khăn, trong đời sống xã hội để chống phá họ lợi dụng chính những đau thương, mất mát không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải gánh chịu trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 để xuyên tạc, chống phá. Đó là những thủ đoạn không thể chấp nhận được xét cả về phương diện chính trị, kinh tế và đạo đức, cần vạch trần, bác bỏ.

Như vậy, bản chất của âm mưu thủ đoạn và chiêu trò chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch với mưu đồ gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc tâm lý lo âu, hoang mang, gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, nhằm làm suy giảm quyết tâm chính trị và sự đồng thuận chống dịch trong cộng đồng. Họ không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc tình hình, phủ nhận một cách vô căn cứ những biện pháp, kết quả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 mà còn mưu toan tác động vào niềm tin của nhân dân, cho rằng chính quyền không còn đủ sức chăm lo cho nhân dân, gây mất ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ thực tiễn các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc quyết liệt, triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp nhân dân khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, khẳng định sự thật về tính ưu việt của chính sách, phản bác lại những luận điu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch  COVID-19” với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 26.000 tỷ đồng. Thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho thấy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chính quyền các cấp đã coi việc chăm lo đời sống cho nhân dân lao động là việc làm thường xuyên, thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ kịp thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống, đồng thời phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chi trả hỗ trợ với tổng kinh phí là 41.372.151.268 đồng trong đó giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.017 đơn vị với 35.237 người lao động với tổng số tiền là 3.226.835.862 đồng. Giải quyết hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 04 đơn vị với 204 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tạm dừng đóng, số tiền tạm dừng đóng: 212.137.406 đồng. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đối với 02 doanh nghiệp Công ty TNHH Bảo Long, Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật, tổng số tiền hỗ trợ là 405.000.000 đồng với 135 lao động được hỗ trợ. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Có 04 huyện, thành phố phê duyệt hỗ trợ cho 788 người lao động trong đó có 287 người nghỉ từ 15 ngày đến dưới 30 ngày và 501 người nghỉ từ 30 ngày trở lên; 22 lao động đang mang thai; 289 trẻ em dưới 06 tuổi là 2.702.095.000 đồng.

Tỉnh Lạng Sơn cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt hỗ trợ đối với 27 viên chức hoạt động nghệ thuật là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên hạng IV, số kinh phí hỗ trợ là 100.170.000 đồng; 40 hướng dẫn viên du lịch, số kinh phí hỗ trợ là 148.400.000 đồng.Tổng kinh phí hỗ trợ: 248.570.000 đồng.Toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 10.875 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng kinh phí hỗ trợ: 16.312.500.000 đồng.

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là 58.673.799.144 đồng, giảm mức đóng cho 20.155 người lao động.Chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phê duyệt và chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 56.074.550.000 đồng với 23.657 người lao động.Hơn ai hết, những người dân trên địa bàn được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đều hiểu rằng chính quyền và cả hệ thống chính trị đang sát cánh, đồng hành và nỗ lực chăm lo cho đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh phức tạp và chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân, tiến hành đồng bộ quyết liệt, linh hoạt sáng tạo các giải pháp bằng sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân là vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất để chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Do vậy những chiêu trò chống phá xuyên tạc về chính sách hỗ trợ nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của tỉnh Lạng Sơn có thâm độc và tinh vi đến đâu thì sự tin tưởng, đồng thuận của người dân đối với chính quyền sẽ đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, đồng thời xua tan những nghi ngờ, băn khoăn trong cộng đồng, củng cố vững chắc niềm tin và quyết tâm chiến thắng đại dịch./.

                                                            ThS. Dương Thị Quý

                                                            Phòng QLĐT&NCKH