Skip to main content
x
9 June 2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Cho nên, vai trò của người thầy dù ở thời đại nào, môi trường nào cũng quan trọng, đặc biệt với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh càng phải nhận thức rõ được trọng trách cao cả của mình.

Việc đào tạo, bồi dưỡng ra những học viên, cán bộ giỏi đã khó thì việc xây dựng được đội ngũ những người thầy, những người giảng viên giỏi càng khó hơn nhiều lần. Bởi ở người giảng viên cần hội tụ rất nhiều yếu tố để có thể được thừa nhận là giảng viên giỏi, đặc biệt là những giảng viên giảng dạy lý luận chính trị như những yếu tố về trình độ chuyên môn; kỹ năng, phương pháp sư phạm; phong cách giảng dạy; kinh nghiệm giảng dạy; khả năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn…

Đội ngũ giảng viên trong hệ thống các Trường Chính trị tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương nói chung và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn nói riêng là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà. Để làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng, góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ tốt cho tỉnh Lạng Sơn thì nhà trường cũng cần phải đào tạo, bồi dưỡng xây dựng cho được đội ngũ giảng viên có chất lượng cao về mọi mặt.

Thực tế cho thấy không dễ để giảng viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có thể làm tốt ngay nhiệm vụ giảng dạy từ những lần đầu lên lớp. Bởi việc giảng dạy các bộ môn lý luận chính trị không chỉ cần có kiến thức chuyên ngành sâu mà còn phải có kiến thức liên ngành, kiến thức tự nhiên, xã hội, thực tiễn phong phú. Có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có tinh thần cách mạng, ý thức đạo đức cách mạng, có phong cách sư phạm chuẩn mực, phương pháp giảng dạy nhuần nhuyễn, sáng tạo… Để có được những yếu tố đó không chỉ cần có sự nỗ lực của bản thân đội ngũ giảng viên mà   cần có cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên.

Trong những năm qua, Nhà trường đã hết sức quan tâm tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường như việc ưu tiên chọn cử những giảng viên có ý thức rèn luyện phấn đấu tốt, có chiều hướng và khả năng phát triển tốt để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường và chọn cử giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện.

Để nâng cao kiến thực thực tiễn cho giảng viên hàng năm nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan tìm hiểu thực tế, hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa… tạo điều kiện cho các khoa phòng, cá nhân đi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại cơ sở ở trong và ngoài tỉnh. Với những việc làm tích cực đó chất lượng giảng viên nhà trường nói chung và đội ngũ giảng viên của khoa Nhà nước và pháp luật nói riêng đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì đội ngũ giảng viên nhà trường cũng còn tồn tại những hạn chế như chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của một số giảng viên còn hạn chế, chưa gắn kết với những diễn biến của tình hình quốc tế, trong nước và thực tế ở địa phương, cơ sở; kiến thức thực tế chậm được bổ sung, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tư duy lý luận và thực tiễn còn khá cứng nhắc; còn có giảng viên chưa chủ động tích cực đổi mới phương pháp trong giảng dạy nên chất lượng giảng dạy chưa cao; trong thực tiễn công tác, trong  mối quan hệ với cơ quan, đơn vị, một số giảng viên khi đến công tác tại cơ sở còn chưa thực sự bắt nhịp được với cơ sở, chưa tạo được mối quan hệ gắn bó với học viên, cơ sở phối hợp đào tạo…

Một vấn đề hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là bản thân đội ngũ giảng viên phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của họ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Do đó, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên về vị trí, vai trò của giảng viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Động viên, khích lệ, định hướng cho đội ngũ giảng trong khoa tích cực rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn. Để thực hiện được mục tiêu đó, qua nghiên cứu tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên. Nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng là một trong những yếu tố hàng đầu đối với giáo viên lý luận chính trị. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị trên thế giới. Là cán bộ làm công tác tuyên truyền giáo dục của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị đội ngũ này càng phải vững vàng, tự tin. Để nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức của cán bộ giảng dạy cần phải quan tâm đến các vấn đề sau:

- Về chính trị tư tưởng, phải luôn luôn quan tâm, bồi dưỡng, rèn luyện giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Điều này hết sức quan trọng, vì chỉ trên cơ sở giữ vững bản chất giai cấp công nhân đội ngũ giảng viên mới có thể tạo cho mình một nền tảng tư tưởng vững chắc. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân phải được thể hiện bằng sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ trên cơ sở trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào lý tưởng cách mạng này mới có thể củng cố cho mình niềm tin, vững vàng về chính trị, tư tưởng. Điều này không chỉ giúp cho giảng viên đứng vững trên vị trí của mình mà còn là điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mặt khác, phẩm chất chính trị, tư tưởng của giảng viên dạy lý luận chính trị là sự rèn luyện để có sự nhạy cảm về chính trị, sự sắc sảo khoa học trong việc nhận định, phân tích những sự kiện, hiện tượng đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống xã hội. Điều này hết sức cần thiết và quan trọng đối với công tác giáo dục lý luận chính trị. Mỗi giảng viên lý luận chính trị thực chất là một cán bộ tuyên truyền của Đảng. Chính vì vậy, khi thực hiện tuyên truyền, để định hướng đúng đắn cho người nghe đòi hỏi người tuyên truyền không những phải vững vàng về lý tưởng, về lý luận mà còn có sự nhạy cảm về chính trị cùng với đầu óc phân tích sắc sảo, tổng hợp khoa học chính xác các sự kiện hiện tượng đang diễn ra trong nước cũng như trên thế giới… Trong bối cảnh hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, điều này lại hết sức cần thiết.

- Về phẩm chất đạo đức, về phẩm chất này được thể hiện trên các mặt sau: Trước hết, sự thể hiện của phẩm chất đạo đức đó là sự say mê, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đây chính là điều cơ bản vì không thể nói đến phẩm chất đạo đức chung chung mà phải được biểu hiện bằng sự cống hiến, bằng hiệu quả trong công tác. Hiệu quả, năng suất lao động chính là thước đo phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi người. Mặt khác, phẩm chất đạo đức của người giáo viên phải được thể hiện như Bác Hồ đã dạy, đó là: phải trở thành khuôn mẫu về mọi mặt đạo đức, tư tưởng cũng như lề lối làm việc. Đây là yếu tố cơ bản không thể thiếu đối với người thầy. Bởi vì muốn là người làm công tác giáo dục thì trước hết phải trở thành khuôn mẫu cho người khác noi theo. Mực thước về mặt đạo đức sẽ luôn vững vàng về tư tưởng, không bị tác động bởi những ảnh hưởng tiêu cực đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, thậm chí cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ thực tiễn trong công tác giáo dục nói chung, công tác giáo đào tạo, bồi dưỡng lý luận nói riêng, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX nhấn mạnh chống các biểu tiêu cực trong giảng dạy và học tập. Lề lối làm việc, theo Bác, cũng chính là tác phong, phương pháp làm việc khoa học. Đây chính là một biểu hiện trong đạo đức mới. Để tạo cho học viên có được tác phong chững chạc, phong cách làm việc khoa học, thái độ mực thước, người dạy phải trở thành khuôn mẫu điển hình. Tác phong, lề lối làm việc trong giáo dục được thể hiện trên nhiều mặt, từ tác phong trong sinh hoạt, tác phong giảng dạy, tư duy, trong quan hệ đối xử… Tất cả những điều này phải trở thành mẫu mực ở người thầy. Đối với học viên của trường chính trị và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị, họ đến trường không chỉ tiếp thu những kiến thức về lý luận chính trị mà như Bác Hồ nói, đây là nơi tu dưỡng rèn luyện đạo đức, chính trị, tư tưởng. Vì vậy, để đạt được kết quả đó, bản thân những người thầy phải trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tư tưởng và phong cách làm việc.

Hai là, không ngừng nâng cao tri thức và năng lực chuyên môn. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, bên cạnh với việc rèn luyện đạo đức chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn là một yêu cầu hết sức quan trọng. Vì chỉ trên cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn của người giáo viên mới có thể nâng cao được chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Từ đội ngũ giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện cho thấy còn những hạn chế nhất định về năng lực chuyên môn. Do đó, để nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ này cần chú trọng một số công tác sau:

- Không ngừng bổ sung, nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học, những tri thức ngoài chuyên ngành cho giảng viên. Điều này được đặt ra như một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên trường chính trị và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Thực tế cho thấy, hầu hết các giảng viên của trường chính trị và các trung tâm chính trị huyện mới được đào tạo, bồi dưỡng qua các chuyên ngành khoa học chính trị, thậm chí có nhiều giảng viên không đào tạo đúng chuyên ngành, do vậy, thiếu các kiến thức cơ bản các kiến thức của các ngành khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên. Đây chính là những khiếm khuyết để qua đó bổ sung những kiến thức khoa học khác cho giảng viên thông qua các đợt tập huấn, thông qua sự nỗ lực tự học của giảng viên, bên cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Lãnh đạo trường động viên, khuyến khích giảng viên trong trường theo học các chương trình nghiên cứu sinh trong nước, ngoài nước, chương trình cao học do Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học quốc gia và các trường đại học trong nước đào tạo, ngoài ra, nhà trường tăng cường tuyển chọn, bổ sung những giảng viên trẻ có trình độ học vấn cao về công tác tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

- Cần thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ giảng viên theo quy định của Đảng và Nhà nước và quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng với việc bổ sung đội ngũ giảng viên, căn cứ vào điều kiện và khả năng hiện có, cần tích cực cử giảng viên đi đào tạo, dự các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Động viên, khuyến khích giảng viên tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, chịu khó nghiên cứu, tích luỹ tri thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức dự giờ, thao giảng, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, cán bộ nghiên cứu tham gia vào các sinh hoạt chính trị, tham dự các Hội nghị sơ kết, tổng kết của tỉnh của các ngành, địa phương để nắm bắt tình hình.

Cần chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên những kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục, về lý luận dạy học, trên cơ sở đó hoàn thiện về phương pháp dạy học. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy, việc bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về giáo dục học, về phương pháp giảng dạy cho đội ngũ này là hết sức cần thiết. Vì chỉ trên cơ sở nắm vững những nguyên tắc cơ bản của khoa học giáo dục và những phương pháp sư phạm chủ yếu giảng viên mới có thể giảng dạy một cách khoa học. Thực hiện yêu cầu trên, trường và các trung tâm đều có thể tổ chức những lớp bồi dưỡng ngắn ngày, thông qua đó tổ chức những buổi thao giảng tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giảng viên. Chỉ trên cơ sở này mới nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường cũng như các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

- Tăng cường bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên. Trong giảng dạy lý luận điều này hết sức quan trọng, vì chỉ trên cơ sở có vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú, giảng viên mới có thể có được những bài giảng sinh động với hiệu quả cao. Lý luận chính trị cũng như các khoa học cụ thể khác phải được gắn liền với thực tiễn. Từ thực tiễn sẽ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, đồng thời từ thực tiễn, với những kinh nghiệm quý báu sẽ cung cấp cho người học khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn cao hơn. Muốn học viên có thể nắm vững những vấn đề lý luận một cách sâu sắc và vận dụng chúng một cách có hiệu quả trong thực tiễn, đòi hỏi giảng viên phải giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Muốn có kinh nghiệm thực tiễn phong phú phải bằng nhiều con đường khác nhau có thể thường xuyên đưa giảng viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế. Ngoài ra để nâng cao vốn kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên có thể tăng cường những cán bộ có trình độ học vấn cao, có kỹ năng sư phạm và trải qua công tác thực tế về làm giảng viên.v.v.. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất đối với giảng viên trường chính trị vẫn là vẫn phải tự bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy thông qua việc cử giảng viên về tham gia công tác trực tiếp với các phong trào ở địa phương. Với biện pháp này, có thể thực hiện bằng hai hình thức, có thể thông qua cấp uỷ địa phương cử giảng viên xuống nghiên cứu thực tế ở địa phương dài hạn, hoặc cử giảng viên xuống nghiên cứu thực tế thông qua những chuyên đề cụ thể với thời gian ngắn.

Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vừa là thực hiện nhiệm vụ của giảng viên của khoa vừa là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giảng viên của khoa Nhà nước và pháp luật. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần quan tâm đến một số giải pháp cơ bản sau:

- Thường xuyên quan tâm, tuyên truyền thay đổi nhận thức, thái độ của giảng viên về hoạt động nghiên cứu khoa học. Chuyển từ quan điểm “phải nghiên cứu khoa học” thành “được nghiên cứu khoa học”. Làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học thành hành động tự giác, thành nhu cầu của mỗi giảng viên nói chung và giảng viên của khoa Nhà nước và pháp luật nói riêng.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng viết tin bài cho giảng viên của khoa. Qua đó giúp đội ngũ giảng viên của khoa hình thành kỹ năng viết tin, bài.

- Xây dựng, hình thành văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên. Đọc chính là một giải pháp quan trng để nâng cao khả năng viết tin, bài, phương pháp nghiên cứu khoa học cho giảng viên. Đối với giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thì việc đọc rất quan trong nhất là đối với những sách, báo, tạp chí chuyên ngành.

Khuyến khích, động viên giảng viên nghiên cứu khoa học bằng việc mở rộng nội dung tin, bài trên trang Thông tin điện tử, Bản tin, Hội thảo khoa học hoặc đặt hàng các bài viết, đề tài khoa học đối với giảng viên. Việc thẩm định và góp ý cần hướng tới việc hoàn thiện tin, bài viết cho giảng viên.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường như công tác quản lý hoạt động Trang thông tin điện tử; Bản tin; đề tài nghiên cứu khoa học; hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng viết tin, bài và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học .

Khuyến khích giảng viên làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường và viết sáng kiến kinh nghiệm có giá trị thực tiễn, có thể áp dụng ngay vào thực tế ở nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động nghiên cứu, giảng dạy

Thực hiện nghiêm các quy định về các tiêu chí nghiên cứu khoa học trong công tác thi đua khen thưởng, phân loại, bình xét hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với cán bộ, giảng viên./.

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước và pháp luật