Skip to main content
x
9 June 2022

1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức thời gian qua

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn noi chung và ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đổi mới. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức và báo cáo viên được nâng lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy Lạng Sơn chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chậm, có nội dung chưa phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu thực tiễn của địa bàn cơ sở; phương pháp giảng dạy vẫn nặng về lý thuyết, chưa phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học; có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm Quy chế đào tạo, bồi dưỡng; công tác quản lý chương trình, đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng chưa vận dụng được kiến thức để nâng cao hiệu quả công tác; công tác tham mưu, phối hợp giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các huyện uỷ, thành uỷ, sở, ban, ngành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế”[1]. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh về lý luận chính trị, bồi dưỡng theo ngạch, chức danh và một số nội dung khác. Những hạn chế nêu trên cũng là những hạn chế ở trường, ngoài ra trong thực tế với vai trò là Trường Chính trị bản thân tôi thấy việc kết hợp giảng dạy lý luận chính trị với định hướng tư tưởng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch ở mt số bài giảng còn chưa sâu, chưa bám sát với thực tiễn tình hình trong nước, quốc tế, việc luận giải cho người học nhiều khi chỉ đơn thuần là đưa ra quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà chưa làm rõ được cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế để thu hút và khẳng định được tính khoa học, thực tiễn của hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Về nguyên nhân của hạn chế nêu trên cũng đã được Tỉnh ủy chỉ ra là: “Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, thiếu chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn cho từng chức danh quy hoạch; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn ngại học tập, chưa tập trung nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn; chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; quy định về tiêu chuẩn, trình độ đối với các chức danh cán bộ có nội dung chưa đồng bộ; một bộ phận giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh chưa thường xuyên”[2]. Đối với hạn chế trong công tác đào tạo lý luận chính trị ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tôi thấy có nguyên nhân đó là một số bài giảng chưa xác định được đúng đắn mục tiêu của công tác đào tạo lý luận chính trị, việc nghiên cứu quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa sâu, còn nhìn nhận về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đơn thuần về câu chữ mà chưa thấy được ý nghĩa chính trị, thực tiễn ở trong đó. Một số bài giảng còn chưa chú lồng ghép việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy, chưa cập nhật kịp thời những diễn biến trong và ngoài nước làm căn cứ khẳng định tính thực tiễn của quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ theo tinh thần của Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Để khắc phục những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở tỉnh Lạng Sơn nói chung và ở Trường Chính trị nói riêng tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp sau:

Về thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, của nhà trường

- Quán triệt và yêu cầu toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường nghiên cứu, nắm vững những nội dung trong Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025. Từ  đó vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ được giao cho phù hợp.

- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế, quy định của Học viện, của Bộ nội vụ, của tỉnh và nhà trường trong thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà nhà trường đang thực hiện.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhà trường. Tiếp tục xây dựng quy hoạch, kế hoạch chọn cử giảng viên nhà trường đi đào tạo trình độ Tiến sĩ cả trong và ngoài nước. Gắn việc quy hoạch chức danh với trình độ đào tạo và năng lực công tác.

- Giảng viên trong qua trình soạn, giảng cần thường xuyên nghiên cứu rà soát nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng do khoa đảm nhiệm. Kịp thời đề xuất với nhà trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ nội vụ… điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những nội dung chương trình có thiếu sót, cần chỉnh sửa về cả lý luận và thực tiễn. Trong giảng dạy cần có sự chọn lọc những nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Tránh tình trạng giảng dạy dàn trải, lan man thiếu chiều sâu không thu hút, không tạo được hứng thú cho người học. Cần thường xuyên gắn lý luận với thực tiễn nhất là những vấn đề có tính thời sự, đa chiều cần được luận giải một cách sâu sắc, đầy đủ đảm bảo tính định hướng, tính đảng, tính khoa học trong giảng dạy.

- Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay giảng viên cần chủ động học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng sự dụng mạng internet để tự nghiên cứu, tích lũy phông kiến thức làm cơ sở thực tiễn cho hoạt động giảng dạy theo kịp sự vận động nhanh chóng của thế giới hiện nay.

- Tiếp tục đổi với, vận dụng các phương pháp, hình thức giảng dạy mới, hiện đại một mặt thể hiện năng lực giảng dạy, năng lực tiếp cận phương pháp, công nghệ giảng dạy hiện đại của giảng viên. Mặt khác phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của người học vào trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

- Đối với chương trình đào tạo lý luận chính trị cần tập trung vào một số vấn đề sau:

+ Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần hết sức lưu ý đảm bảo tính đảng trong quá trình giảng dạy tại các lớp học trong nhà trường. Tính đảng cần phải được ưu tiên trong quá trình giảng dạy. Người giảng viên cần khẳng định được tính đúng đắn, tính khoa học và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Giảng viên cần thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề trong lịch sử và hiện tại để có những căn cứ, cơ sở cả trong lý luận và thực tiễn để khẳng định, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Thông qua đó làm cho người học hiểu rõ hiểu đúng và có sự tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Trong giảng dạy việc sử dụng các ví dụ thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là hết sức cần thiết. Nhưng cần chắt lọc các ví dụ hết sức cần thận đặc biệt là các ví dụ có tính tiêu cực, những ví dụ đó dễ làm người  học quan tâm chú ý nhưng người giảng cần đảm bảo có đủ cơ sở lý luận, thực tiễn cả từ trong lịch sử đến hiện tại, cả trong nước và quốc tế để có thể giải thích làm rõ được những vấn đề mà ví dụ nêu ra. Nếu không sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến người học thậm chí là ảnh hưởng đến niềm tin của người học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đối với các chương trình bồi dưỡng cần tập trung vào những vấn đề như sau:

+ Tập trung vào nâng cao khả năng định hướng, xử lý những tình huống trong thực tiễn. Nâng cao năng lực tư duy và khả năng vận dụng kiến thức được bồi dưỡng để giải quyết các tình huống thực tiễn của học viên.

+ Xây dựng kế hoạch cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, tại các Sở, Ban, Ngành và tại các doanh nghiệp để nắm bắt được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi đối với kỹ năng thực thi nhiệm vụ của người học.

- Đối với việc xây dựng Trường Chính trị chuẩn

Tiếp tục thực hiện việc Đề án phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó mỗi cán bộ, giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia, phấn đấu xây dựng những tiêu chí của Trường Chính trị chuẩn mức độ 1 và hướng tới Trường Chính trị chuẩn mức độ 2./.

ThS. Hoàng Minh Tuấn

GVC - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

[1]Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn.

[2]Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn.