Skip to main content
x
9 June 2022

1. Ý nghĩa của việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Trong tiến trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Hai mặt này không tách rời nhau, không đối lập nhau. Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì càng phải ý thức sâu sắc tinh thần, thái độ trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình, ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc. Đảng không ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, mà ở trong dân, trong lòng dân, Đảng lấy dân là gốc.

Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của riêng Đảng mà còn là công việc, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Đây là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân có trọng trách to lớn là xây dựng Đảng của mình trong sạch, vững mạnh.

Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dântrong xây dựng Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân nhằm tạo điều kiện để các tổ chức này và Nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, giám sát đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, giám sát việc thực hiện đạo đức, lối sống và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội; tích cực tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo Văn kiện, tham gia chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

2. Kết quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc dài 231km; có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 của khẩu chính và 08 cửa khẩu phụ. Tỉnh có 11 huyện, thành phố; với 200 xã, phường, thị trấn, có 1.705 thôn, tổ dân phố (trong đó có 05 huyện biên giới, với 21 xã, thị trấn biên giới). Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 8.310,18 km2, dân số 789.272 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chiếm 83,94%; có 07 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán chay, Hoa, Mông; dân số chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn.

Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực KT-XH, nhưng năm 2021 tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn ước tăng 6,67% so với cùng kỳ, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trên cả nước.Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,67% (mục tiêu là 7 - 7,5%), trong đó: nông lâm nghiệp tăng 5,86%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,31%, dịch vụ tăng 5,66%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%. Cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp chiếm 22,14%, công nghiệp - xây dựng 23,21%, dịch vụ 49,95%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Quyết định số 218-QĐ/TW), trong thời gian qua bên cạnh việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai toàn diện và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 218-QĐ/TW Quyết định số 319-QĐ/TU, Quyết định số 320-QĐ/TU[1] phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị – xã hội, đặc điểm tình hình của địa phương, cơ sở. Ban Thường vụ các Huyện ủy, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện, thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội; tiếp tục nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tạo điều kiện và phối hợp của các cấp chính quyền trong việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp; trong đó tập trung tham gia ý kiến vào công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia góp ý vào các văn bản cụ thể hóa các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước; các văn bản quy phạm pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trách nhiệm trong thực thi công vụ trách nhiệm nêu gương của đảng viên, công chức, cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các nội dung góp ý đối với cán bộ, công chức, đảng viên được thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kiểm điểm hàng năm; kiểm điểm tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo và cá nhân; khi chuẩn bị làm quy trình đề đạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, ứng cử đối với cán bộ, đảng viên.

MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tham gia góp ý xây dựng chính quyền; tham gia góp ý vào các chương trình, Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm; các văn bản, chương trình hành động, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp, chỉnh sửa các đề án, dự án triển khai thực hiện trên địa bàn; kế hoạch xây dựng nông thôn mới; dự toán thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; vận động thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, công tác tuyển quân; các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao, giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án trọng điểm; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tuyên truyền nhân dân tham gia ủng hộ và công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19; dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và góp ý sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội LHPN Việt Nam...

Thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và đảng viên nơi cư trú; các đảng viên thuộc diện được giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú được cấp ủy làm thủ tục giới thiệu đúng quy định. Tại một số địa phương, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú được phân công phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình tại địa bàn đang sinh sống. Đa số đảng viên tham gia đầy đủ các hoạt động của chi bộ tại nơi cư trú, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động; vận động gia đình, nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư về nắm tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền. Cùng với Chi ủy, cán bộ thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở.

Việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân theo Quyết định số 320-QĐ/TU, ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì thường xuyên, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, đến nay đã thành nền nếp. Trước các kỳ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ, các vụ việc công dân đăng ký được đều được các cơ quan tham mưu, liên quan đưa ra rà soát, báo cáo. Trong năm, 11/11 huyện, thành phố và 200/200 xã, phường, thị trấn (100%) đều xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Tính đến ngày 07/12/2021 có 09/11 huyện, thành phố đã tổ chức được 10 hội nghị đối thoại; 194/200 (97%) xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 205 hội nghị đối thoại. Tại các hội nghị đối thoại các cấp đã có 14.370 người tham dự với 2.799 ý kiến phát biểu, phản ánh, đóng góp, trao đổi của Nhân dân[2]. Các ý kiến chủ yếu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, những vấn đề mà nhân dân quan tâm và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, trong thời gian qua hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn ít, nội dung chưa sâu, chưa có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân theo Quyết định số 320-QĐ/TU được cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì thường xuyên, nghiêm túc và có hiệu quả, nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại từng bước đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề Nhân dân đang quan tâm.

Các hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền với mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có nơi chưa được đồng bộ, chặt chẽ. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở một số đơn vị chưa chủ động tham mưu, phát huy vai trò trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn Lạng Sơn

Nhằm nâng cao chất lượng việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn Lạng Sơn hiện nay, theo tôi cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Một là,các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 218-QĐ/TW; Quyết định số 319-QĐ/TU, Quyết định số 320-QĐ/TU nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân, thành viên Hội đồng tư vấn, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, các chuyên gia trong các lĩnh vực  nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trong việc tham gia các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng các văn bản, chủ trương chính sách và các đề án, dự án của tỉnh, của địa phương, cơ sở.

Hai là,tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính quyền các cấp với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong việcgóp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đảm bảo các điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt các hoạt động. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới các nội dung góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý theo quy định, nhất là các vấn đề còn vướng mắc được phát hiện sau hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Ba là,Phát huy vai trò chủ động, tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp hàng năm chủ động nắm bắt, lựa chọn những nội dung, vấn đề xã hội đang bức xúc; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, kịp thời bổ sung nội dung giám sát và phản biện theo yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ đặt ra.

Bốn là,thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận ý kiến của nhân dân, ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện thường xuyên, đột xuất, định kỳ báo cáo tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến góp ý với cấp ủy, chính quyền theo Quyết định số 218- QĐ/TU. Duy trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch người đứng đầu, cấp uỷ, chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định 320-QĐ/TU.

Năm là,tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn về năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại cơ sở.

Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc tình hình và kết quả thực hiện các quy định, quy chế của Bộ chính trị, của Tỉnh ủy về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đối thoại; đảm bảo việc thực hiện các văn bản trên được thống nhất, thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả tích cực./.

ThS. Phạm Anh Tuấn

GVC - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 

[1]Quyết định số 319-QĐ/TU, ngày 13/6/2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quy định Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định số 320-QĐ/TU, ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

[2]Cấp huyện: 1053 người/144 ý kiến, cấp xã: 13.317 người/2.655 ý kiến