Skip to main content
x
6 June 2022

Ngày 22-/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Tiếp đó, ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG về thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng là gì? Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam[Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289]. Như vậy, có thể hiểu, “chủ nghĩa” mà Đảng ta lấy làm “cốt” ở đây theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951), Đảng ta đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và nội dung này đã được đưa vào các Văn kiện của Đảng từ Đại hội II đến Đại hội VI (năm 1986). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. [1]Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta lại một lần nữa khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[2]. Và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) Đảng ta khẳng định lại: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”[3]. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thế nào là quan điểm sai trái, thù địch? Quan điểm sai trái là sự nhìn nhận lệch lạc, phiến diện, không đúng với sự thật; xa lạ, đi ngược, đi chệnh với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Quan điểm thù địch là các quan điểm sai trái được nâng lên thành lý luận, quan điểm để kích động chống Đảng, chống chế độ.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ cái gì? Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; cùng với tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, không cho lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định “Về những điều đảng viên không được làm”. Đó là đảng viên không được: Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng. Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền. Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấy tên, mạo tên. Gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến nơi không có thẩm quyền giải quyết…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin vào chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật... thì quy định những điều đảng viên không được làm cùng với Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, chính là kim chỉ nam hành động của toàn thể đảng viên nhằm đề cao cảnh giác, không bị động, lúng túng trước những luận điệu và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những cá nhân phản động. Quá trình thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW sẽ giúp cho từng đảng viên nhìn lại mình, nâng cao nhận thức trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụ thể: Trong mỗi cuộc họp chi bộ, cơ quan, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi đảng viên từ lời nói, việc làm phải là hạt nhân của sự đoàn kết trong cơ quan, nơi cư trú... Mặt khác, mỗi đảng viên khi tham gia mạng xã hội, thận trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội kiểm chứng về nguồn gốc, thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức, thông tin có nội dung, luận điệu xuyên tạc, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ... thì có ý kiến đấu tranh, phản bác lại những thông tin sai trái, không thờ ơ. Là đảng viên, khi thực hiện những điều đảng viên không được làm, ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; có trách nhiệm nhìn đúng bản chất của từng sự việc để chống lại, phản bác, đấu tranh lại những luận điệu sai trái của những cá nhân, thế lực thù địch.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là một trong những đơn vị thường xuyên thực hiện những hoạt động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị cần thực hiện tốt một số nội dung như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để giúp nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nhà trường  đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm

sai trái, thù địch; những yêu cầu đặt ra gắn liền với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học.

Hai là, chỉ đạo tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tích hợp ở đây được hiểu là tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính cập nhật, gắn kết chặt chẽ giữ lý luận và thực tiễn và thực hiện trong các khâu của quá trình giảng dạy. Trong từng bài giảng, giảng viên truyền tri thức, phương pháp, kỹ năng và cảm hứng cho học viên. Khẳng định những thành tựu lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học của các chủ trương, đường lối, chính sách; nhận diện đầy đủ những luận điệu chống pháp của các thế lực thù địch, phản động và đưa ra luận cứ đấu tranh, phản bác, vạch rõ tính phản khoa học, phản động của các luận điệu trên.

Ba là, triển khai các phương án đấu tranh hiệu quả, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ, với tinh thần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống, trong đó “xây” là cơ bản”.

Bốn là, trong quá trình xây dựng Trường Chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Xác định kết qủa nghiên cứu khoa học là nguồn chất liệu quan trọng để mỗi cán bộ, giảng viên khai thác, vận dụng sáng tạo và tích hợp vào từng bài giảng, bài viết.

Năm là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những đảng viên vi phạm. Tăng cường và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ./.

GVC, ThS. Hà Minh Thảo

Phó Trưởng phòng QLĐT và NCKH

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, tr.240

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.88

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng H.2016, tr.7-8