Skip to main content
x
5 June 2022

Ngày 18/5/2021, Hiệu trưởng trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TCT, ngày 18/05/2021, Kế hoạch thực hiện Thông báo số 28- TB/TU, ngày 10/3/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đã được phổ biến đến toàn thể cán bộ, viên chức và lao động nhà trường với mục tiêu: nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ của các phòng, khoa, cán bộ, viên chức, lao động nhà trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Hiện nay, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có 49 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó nam: 22 người, nữ 27 người; biên chế 47 và 02 hợp đồng lao động có thời hạn. Đảng bộ trường là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh gồm 05 chi bộ trực thuộc, với tổng số 45 đảng viên. Về trình độ đội ngũ của nhà trường: Thạc sĩ 35/47 đồng chí, chiếm 74,5%; Đại học 8/47 đồng  chí, chiếm 17,0%; (trong đó đang học Cao học 04 đồng  chí); Đội ngũ cán bộ giảng dạy gồm 37 đồng chí, trong đó giảng viên chính và tương đương 20 đồng chí;28 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 10 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Về cơ bản, đội ngũ giảng viên của nhà trường đã thực hiện tốt các chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng chuyên môn, theo chức danh, cập nhật kiến thức. Ngoài ra, hằng năm nhà trường đều cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Học viện, các trường Bộ, ngành Trung ương và tỉnh tổ chức.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo trường luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, hằng năm, nhà trường đều tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao; Chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn...

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã chủ động thực hiện giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu "kép" vừa thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; năm 2021, nhà trường là một trong những trường chính trị cấp tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Kết quả:các lớp đào tạo đạt 133,3%, lớp bồi dưỡng đạt 125% theo kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; thực hiện tốt việc liên kết đào tạo . Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã tích cực mời các giảng viên thỉnh giảng, giảng viên Trung ương, các chuyên gia tham gia giảng dạy. Giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; biên soạn tài liệu, viết tin, bài gửi Hội thảo các cấp, Website, bản tin, báo trung ương và địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường còn tồn tại những hạn chế nhất định: Công tác tuyển sinh các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch tỉnh giao chưa sát với thực tế nên chưa đảm bảo số lượng đối tượng học viên được hưởng chế độ, chính sách bồi dưỡng theo quy định; còn tình trạng viên bỏ học, cho thôi học sau khi có quyết định cử đi học của Thường Trực Tỉnh uỷ, của các cơ quan quản lý cán bộ…

Quy mô, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đã đảm bảo đúng yêu cầu của tỉnh giao, tuy nhiên so với yêu cầu của Đề án tự chủ vẫn còn hạn chế nhất định, số lớp, số học viên giảm.

Việc thực hiện một số nội dung công việc chậm tiến độ: tiến độ thực hiện các lớp phối hợp đào tạo còn chậm so với kế hoạch, do tác động diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Liên kết mở các lớp Cao học, Đại học văn bằng 2 không đạt được chỉ tiêu theo Đề án được phê duyệt; việc cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn ở cơ sở (giai đoạn 2) gặp khó khăn nhất định.

Công trình “Cổng tường rào, nhà bảo vệ; nhà hành chính; phòng họp trực tuyến” thuộc dự án Nhà Giảng đường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tiến độ thực hiện còn chậm...

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:

1. Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo - bồi dưỡng cán bộ; Phối hợp với các Huyện ủy, Thành ủy, các Sở, ban, ngành trong tỉnh trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ của trường theo kế hoạch đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh

Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Thực hiện tốt việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo trường, lãnh đạo các khoa, phòng, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra; đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, tránh tình trạng chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch. Cụ thể:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 17-KH/TCT, ngày 18/05/2021 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Kế hoạch thực hiện Thông báo số 28-TB/TU, ngày 10/3/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo về chất lượng và tiến độ thời gian.

- Thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 38-KH/TCT ngày 09/11/2021 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về triển khai xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn” về thời gian tổ chức thực hiện, các sản phẩm kèm theo của các khoa, phòng (vì theo thời gian trong kế hoạch là không khả thi); Ký ban hành thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo; thành lập Ban biên soạn (Trong Kế hoạch có thể hiện rõ nhiệm vụ của Ban biên soạn).

3. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. Chủ động bám sát yêu cầu, hướng dẫn chuyên môn quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

4. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, quy chế chi tiêu nội bộ… phù hợp, đảm bảo quyền lợi, khuyến khích giảng viên giành tâm huyết vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ngày 18 tháng 10 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có sự thay đổi về thời gian thực hiện đối với các loại hình Bồi dưỡng: Bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương thực hiện tối đa là 04 tuần (theo Quyết định số 2640/QĐ-BNV, ngày 14/12/2018 của Bộ Nội vụ quy định thời gian bồi dưỡng là 8 tuần); Bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thực hiện tối đa là 02 tuần (theo Quyết định số 1037/QĐ-BNV, ngày 26/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định thời gian bồi dưỡng là 4 tuần); Nghị định quy định các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng phải hoàn thành tài liệu đảm bảo việc ban hành chương trình bồi dưỡng trước ngày 01/7/2022. Như vậy để thực hiện các lớp này trước thời điểm có tài liệu ban hành cần có sự thống nhất trong Lãnh đạo trường để chỉ đạo triển khai thực hiện. Vấn đề này Nhà trường đã có văn bản báo cáo Sở Nội vụ và đã có văn bản phúc đáp của Sở Nội vụ, nhà trường đã triển khai các thủ tục mở lớp theo quy định.

Tổ xây dựng phương án thu sự nghiệp cần chủ động tính định mức kinh phí  thu cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng có sự thay đổi kịp thời.

5. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hướng đến việc đạt chuẩn theo tiêu chí trường chính trị cấp tỉnh đạt chuẩn, trước hết là chuẩn ở mức độ 1. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành phù hợp. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để giảng viên tham gia nghiên cứu sinh, đào tạo cao cấp lý luận chính trị... Để đảm bảo chất lượng sau đào tạo, chỉ nên cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn hệ tập trung. Cử giảng viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hội thi giảng viên giỏi toàn quốc và các lớp bồi dưỡng khác do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành trung ương và tỉnh tổ chức.

Cử giảng viên tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn (giảng viên nhà trường và giảng viên trường Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng). Lớp học dự kiến khai giảng trong tháng 4.2022.

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp. Tăng cường áp dụng các phương pháp tích cực, phương tiện hiện đại vào giảng dạy và học tập. Trong quá trình giảng dạy và học tập giảng viên cần sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực của học viên. Mỗi giảng viên cần chủ động bổ sung, cập nhật các quan điểm, nội dung mới của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong bài soạn, bài giảng trên lớp, giúp học viên nắm bắt kịp thời các thông tin chính xác, mang tính thời sự của tỉnh.

Mỗi giảng viên chủ động đăng ký đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để đảm bảo có đủ giảng viên tham gia giảng dạy, duy trì các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, đồng thời, mỗi giảng viên vừa chủ động trong việc sắp xếp công việc của nhà trường và gia đình yên tâm học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Tiếp tục nghiên cứu, trình Thường trực Tỉnh ủy Kế hoạch đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên theo quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên thỉnh giảng là lãnh đạo Tỉnh và các sở, ban, ngành của Tỉnh; mời lãnh đạo các huyện, thành phố (đơn vị phối hợp mở các lớp Trung cấp lý luận chính trị) tham gia giảng dạy báo cáo chuyên đề phần thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương. Đây chính nguồn cung cấp thông tin kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú không chỉ mang lại ý nghĩa thiết thực đối với học viên mà còn cả đối với đội ngũ giảng viên của Nhà trường.

6. Đẩy mạnh hoạt động dự giờ; Giám sát chặt chẽ các khâu thi, kiểm tra, viết khóa luận; đánh giá đúng và khách quan kết quả học tập của học viên. Thực hiện việc thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên cho cơ quan, đơn vị quản lý. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc thực hiện đánh giá khảo sát sau đào tạo, bồi dưỡng. Các cơ quan, đơn vị cần gắn với kết quả học tập của cán bộ, công chức, viên chức với việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Triển khai có hiệu quả việc lấy phiếu phản hồi từ học viên về chất lượng bài giảng của giảng viên; lấy ý kiến của Ban Chỉ đạo, giảng viên đồng chủ nhiệm về việc thực hiện giảng dạy và chấp hành giờ giấc của giảng viên…

7. Khẩn trương tham mưu xây dựng Đề án cho thuê tài sản công và phương án thu hoạt động sự nghiệp trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trong thời gian phương án thu hoạt động sự nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đối với giá thu dịch vụ sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước, nhà trường tiếp tục ban hành quy định tạm thu theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 - 2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 78-QĐ/TU, ngày 30/11/2020; Tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở tài chính kết quả triển khai thực hiện Đề án; đồng thời đề xuất loại hình hoạt động trong thời gian tới. Nhất là những khó khăn trong liên kết mở các lớp Cao học do sự điều chỉnh về quy định liên kết đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ và việc thực hiện chiêu sinh Đại học văn bằng 2 không đạt được chỉ tiêu theo Đề án được phê duyệt (chỉ có 5 - 6 người đăng ký (năm 2021).

8. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế;  Sử dụng có hiệu quả trang Website và bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế.

Có giải pháp có tính khả thi trong việc sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý đào tạo và phần mềm quản lý thư viện. Đối với phần mềm quản lý đào tạo: Phòng quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học đã có đề xuất nhà trường tiếp tục phối hợp với công ty cổ phần Bình Minh thực hiện nâng cấp phần mềm; đề xuất đã được Hiệu trưởng nhất trí. Với chức năng tham mưu, phòng cần xem lại các nội dung của phần mềm khi bàn giao thực hiện, trên cơ sở đó tham mưu phù hợp khi thực hiện việc nâng cấp phần mềm.

- Sớm hoàn thành phòng họp trực tuyến để kết nối vào hệ thống cầu truyền hình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc. Theo số liệu mới nhất, hiện nay có 7 trường chính trị chưa kết nối điểm cầu trực tuyến với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, Trường Chính trị tỉnh Đăk Nông, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang, Trường Chính trị tỉnh Long An và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn).

9. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tài chính; nghiên cứu phương án chi trả tiền vượt giờ cho giảng viên đảm bảo quyền lợi của giảng viên khi tham gia giảng dạy vừa đảm bảo theo quy định. Việc chi trả này thực hiện ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước là khác nhau. Trong Thông báo số 959-TB/HVCTQG, ngày 28/01/2022 , thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội nghị tổng kết công tác trường Chính trị, trường bộ, ngành năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022: đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Học viện trong việc hướng dẫn về cơ chế tài chính đối với giảng viên, viên chức, người lao động, nhất là chính sách trong chi trả kinh phí giờ giảng, giờ vượt, hướng dẫn thống nhất trong toàn bộ hệ thống trường chính trị cả nước về cơ chế tài chính. Hy vọng sự phối hợp này sớm có kết quả, tạo sự thống nhất về chi trả kinh phí giờ vượt đối với các trường chính trị trong cả nước./.

 

GVC, ThS Dương Thị Hồng Vân

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng