Skip to main content
x
5 June 2022

Trong lịch sử phát triển của nhân loại Mác - Ăngghen là một tấm gương tiêu biểu về hoạt động thực tiễn và thực hành nhiệm vụ đó, với hoạt động thực tiễn, tham gia vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, tổng kết thực tiễn của phong trào để có được lý luận của mình. Vì vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác - Ăngghen luôn gắn liền và thống nhất với thực tiễn, sống cùng với thời đại và đòi hỏi phải được bổ sung, phát triển từ thực tiễn của các quốc gia, dân tộc trong qua trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này Ăngghen cho rằng, việc tổng kết thực tiễn trước hết để thấy được nhu cầu từ thực tiễn, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống luận chứng lý luận cho chiến lược, sách lược giải quyết những yêu cầu đó. Tổng kết thực tiễn bao gồm tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tổng kết những thành tựu khoa học, việc tổng kết kinh nghiệm của người đi trước sẽ giúp cho những người đi sau tránh được những sai lầm, giáo điều mà người đi trước mắc phải, với nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của tổng kết thực tiễn như vậy, các ông đã trở thành kiến trúc sư của công trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tổng kết những thành tựu khoa học, để lý luận ấy thực sự trở thành khoa học và cách mạng. Tại Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận Công tác tổng kết thực tiễn có mục đích “Nhm góp phần làm rõ, bổ sung và hoàn thiện nền tảng tư tưởng của Đảng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập một số nội dung cơ bản mang tính khái quát về tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận thông qua nghiên cứu thực tế và viết tài liệu, giáo trình, tổ chức hội thảo khoa học các cấp ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.

1. Một số hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thời gian qua

Một là, về hoạt động nghiên cứu thực tế tại cơ sở

Trong Quy chế giảng viên Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nay là Quyết định 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Điều 7 quy định nhiệm vụ của giảng viên: Đối với giảng viên trong thời gian tập sự dự giờ 80 tiết trở lên/năm, nghiên cứu thực tế 15 ngày/năm; đối với giảng viên dự giờ 16 tiết/năm, nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế 15 ngày/năm; đối với giảng viên chính dự giờ 12 tiết/năm, nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế 10 ngày/năm; đối với giảng viên cao cấp dự giờ 8 tiết/năm, nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế 5 ngày/năm. Trên cơ sở đó hằng năm Hiệu trưởng đều ban hành Kế hoạch nghiên cứu thực tế cho cán bộ, giảng viên Nhà trường, phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên đạt được mục tiêu của nghiên cứu thực tế, góp phần bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy. Ngoài ra, còn nhiều hình thức thâm nhập thực tiễn phong phú của các khoa, phòng và cá nhân trong Trường, với sự nỗ lực, cố gắng làm cho mỗi cá nhân có thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Về đối tượng nghiên cứu thực tế hằng năm chưa đảm bảo theo quy chế, chủ yếu là giảng viên công tác ở các khoa, còn giảng viên kiêm nhiệm đang công tác ở các phòng chuyên môn thì chưa được quan tâm và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của giảng viên, kể cả giảng viên kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nguyên nhân do bận công tác, hoặc trùng lặp do công tác chuyên môn của đơn vị.

Nghiên cứu thực tế thông qua hoạt động dự giờ, thao giảng để học hỏi, trao đổi, rút ra những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chưa được tổ chức, thực hiện. Song, về thời gian nghiên cứu thực tế tại cơ sở, thời gian qua có năm chưa đảm bảo đủ thời gian như trong Quy chế quy định mỗi ngạch giảng viên có thời gian cụ thể, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh covid diễn biến phức tạp.

Hai là, về hoạt động biên soạn tài liệu, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học các cấp

Trong thời gian qua, hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của nhà trường đạt được những kết quả đáng kể, chẳng hạn: Tài liệu Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, Tài liệu Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; Tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; Tài liệu “Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã”; Tài liệu Bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Lạng Sơn” (đã được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiệm thu, đưa vào chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị). Các bộ tài liệu biên soạn đã được Nhà trường đưa vào sử dụng trong giảng dạy các lớp đào tạo - bồi dưỡng. Đối với Tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Lạng Sơn” kết quả bước đầu cho thấy đã đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Tập tài liệu: “Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã” đã được sử dụng trong giảng dạy lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, sau khi học xong chương trình bồi dưỡng học viên có những phản hồi rất tích cực với nội dung tài liệu bồi dưỡng do Nhà trường biên soạn.

Đối với công tác tổ chức hội thảo khoa học, những năm qua nhà trường tham gia nhiều Hội thảo khoa học cấp tỉnh do các cơ quan đơn vị tổ chức như: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp với Hội Thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức với chủ đề “Giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử, thực tiễn vận dụng nội dung 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Thanh niên xung phong Việt Nam vào công tác giáo dục tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên”; Viết bài tham luận tham dự Hội thảo khoa học cấp Bộ “Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn”; Hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Văn Tri với cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức; Viết bài tham luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội thảo khoa học, với chủ đề: "Những yêu cầu đặt ra về phẩm chất trình độ, kỹ năng, kiến thức đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Lạng Sơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế". Tham gia viết bài tham luận "Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch - Thực tiễn và kinh nghiệm của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn" và dự Hội thảo khoa học cấp Bộ do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề "Các trường chính trị cấp tỉnh khu vực phía Bắc với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch".

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, viết bài đăng trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương và tại Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn và Trang tin điện tử của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt được nhiều kết quả và có bước phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn từ 2015 - 2021, trường triển khai thực hiện 47 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường. Kết quả: 12 đề tài đạt loại giỏi, 35 đề tài đạt loại khá. Do vậy, với việc nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, các bài tham luận tại các hội thảo và công trình khoa học khác được nghiệm thu đã góp phần phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và một phần nào đã góp phần cho các cơ quan, đơn vị làm luận cứ khoa học cho việc ban hành Kế hoạch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Những kết quả trên là do cán bộ, giảng viên làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đã khai thác, sử dụng nhiều loại tài liệu đáng tin cậy, xác thực, từ nhiều nguồn khác nhau, như: Các nghị quyết, chỉ thị, của Đảng, của tỉnh; khai thác từ kho lưu trữ tài liệu của tỉnh; tài liệu lưu trữ cá nhân của các đồng chí nguyên lãnh đạo trường qua các thời kỳ khi nghiên cứu công trình lịch sử trường và tổ chức tọa đàm với các đồng chí đó.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số hạn chế nhất định như: sự phối hợp giữa cơ quan tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với cơ quan, đơn vị quản lý tài liệu đôi lúc chưa chặt chẽ; do tính chất của các công trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nên chưa khai thác được nhiều tài liệu có giá trị khoa học cao; khả năng khai thác tài liệu của một số cán bộ, giảng viên chưa khoa học, chưa dành nhiều thời gian cho công việc này. Hoạt động nghiên cứu khoa học còn tồn tại một số hạn chế: Tiến độ thực hiện đề tài chậm, không đúng kế hoạch; đề tài nghiên cứu sâu, rộng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh còn hạn chế; một số đề tài nghiên cứu thực hiện chưa hiệu quả, chưa có tính ứng dụng cao; việc biên soạn giáo trình, tài liệu chưa theo đúng kế hoạch; các bài viết đăng trên Thông tin lý luận và thực tiễn và trang Thông tin điện tử còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Do vậy có ảnh hưởng đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của trường có lúc, có nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về tiêu chí trường chính trị chuẩn và nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng của nhà trường.

Ba là, về sử dụng phương pháp nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thời gian qua tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Các phương pháp khảo sát, so sánh nghiên cứu tài liệu đã góp phần cho cán bộ, giảng viên sử dụng trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có hiệu quả trong quá trình thực hiện, nhất là phương pháp thống kê có ưu điểm nhằm tập hợp tư liệu cho một thời kỳ dài, quy mô rộng và độ chính xác cao, thống kê không chỉ là phương pháp khá phổ biến trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, mà còn trở thành một ngành khoa học, là công cụ quan trọng giúp lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền các ban, ngành đoàn thể, định hướng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm điều hành kinh tế - xã hội được tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của địa phương.

Nhưng thực tế thì thời gian qua các phương pháp này chưa thực sự được cán bộ, giảng viên trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận sử dụng có hiệu quả, vì nhiều lý do khác nhau, như: Các đề tài khoa học cấp cơ sở, các cuộc Hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa chủ yếu là quy mô nhỏ; phạm vị hẹp; kinh phí hạn chế; số lượng tham gia ít và chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về các phương pháp nghiên cứu khoa học. Hơn nữa các đề tài nào tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác lãnh đạo, quản lý tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tổng kết thực tiễn, tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh chưa được quan tâm, chú trọng.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh của Đảng ủy, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà trường về công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận tại trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo trường đối với công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, xây dựng thành quy định bắt buộc đối với cán bộ, giảng viên, tổng kết thực tiễn không dừng lại ở điều kiện đánh giá, xét thi đua cuối năm; gắn với chế độ học tập, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cho lực lượng này. Nhà trường tiếp tục quan tâm chú trọng xây dựng Kế hoạch tổng kết thực tiễn cho giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tổng kết thực tiễn phải bám sát chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của trường chính trị; xác định rõ mục đích, phương thức, nội dung, phương pháp, lực lượng tham gia tổng kết và chuẩn bị nguồn kinh phí đảm bảo cho tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đến ban hành chính sách thúc đẩy sự phát triển của trường và của tỉnh Lạng Sơn thời gian tới.

Hai là, đẩy mạnh nâng cao nhận thức hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong thời gian tới

Trường cần xác định hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, giải quyết hài hòa giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Bởi vì, giảng viên giảng dạy tốt sẽ nghiên cứu khoa học tốt, nghiên cứu khoa học tốt giúp có nhiều tri thức khoa học để luận giải những vấn đề lý luận một cách khoa học.

Trong nhận thức cần tránh quan niệm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chỉ là hoạt động đi thực tế, nghiên cứu, thu thập qua số liệu báo cáo cơ sở của đội ngũ giảng viên hoặc một vài Hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa trong năm, mà với định hướng chung: “Căn cứ tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, cơ quan, đơn vị lựa chọn nội dung và tổ chức tổng kết, nghiên cứu những mô hình mới, cách làm hay khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và chuẩn bị cho việc ban hành mới các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”. Như vậy, với chức năng, nhiệm vụ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần đẩy mạnh hoạt động tổng kết thực tiễn gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trên địa bàn; tổng kết thực tiễn, chủ động tham mưu tư vấn chính sách gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh.

Cần tránh hiện tượng chỉ những cán bộ, giảng viên có nhu cầu sử dụng kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cho mục đích công tác, hoặc để thăng hạng của cá nhân thì rất hăng hái tham gia thực hiện, còn ngược lại thì lơ là, thiếu tích cực, tham gia với hình thức “tham gia cho có công trình” dẫn đến sản phẩm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận rất ít tri thức, thiếu tính khoa học, không gắn với thực tiễn và giải quyết vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra.

Ba là, xây dựng nguồn nhân lực làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận tại Trường Chính Hoàng Văn Thụ đảm bảo chất lượng, năng lực trình độ

Tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, xây dựng nhóm nghiên cứu nòng cốt có chuyên môn sâu, có khả năng, có phương pháp nghiên cứu khoa học, có tình cảm và ứng xử chuẩn mực trong hoạt động nghiên cứu khoa học (đối tượng người có trình độ thạc sĩ, giảng viên chính), có như vậy thông qua hoạt động đội ngũ này vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Cần quán triệt thế giới quan, phương pháp luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng triệt để những thành tựu mới trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; xây dựng môi trường dân chủ, môi trường văn hóa nhằm phát huy tính cởi mở, sáng tạo, tạo động lực cá nhân, phát huy sức mạnh tập thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Bốn là, về cơ chế, chính sách và quy chế phối hợp cho tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận

Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường trong nhiều năm qua còn rất hạn hẹp, nguyên nhân trên có cả khách quan và chủ quan, dẫn đến không đáp ứng cho hoạt động với quy mô lớn, các đề tài chuyên sâu. Vì vậy, sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu trọng tâm, nền tảng, dự toán kinh phí trình với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Tỉnh ủy phê duyệt kinh phí và lựa chọn các đề tài gắn với lĩnh vực đào tạo cán bộ của nhà trường tiến hành triển khai bài bản, khoa học, có vậy các sản phẩm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận mới được hiện thức hóa, có ích cho cuộc sống, tránh lãng phí nhân lực, vật lực và tài lực.

Để thực hiện đúng Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Và để đạt một trong những tiêu chí quy định ở Điều 9. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tại Quy định 11-QĐ/TW ngày 19//2021 của Ban Bí thư về “Trường Chính trị chuẩn”, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ chủ động chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhất là Sở Nội vụ, Sở Khoa học - Công nghệ xây dựng quy chế phối hợp trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu những vấn đề chính trị, xã hội trọng tâm, tư vấn chính sách về các lĩnh vực đào tạo cán bộ cho tỉnh trong thời gian tới./.

ThS. Lăng Văn Thăng

GVC - Khoa Nhà nước và Pháp luật