Skip to main content
x
5 June 2022

Công tác lý luận chính trị nói chung và công tác giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị nói riêng có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận cho người học. Nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị là một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng đưa những kiến thức trong giáo trình tới người học, từ đó chuyển hóa thành hành động thực tế của học viên ở cơ sở. Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất, giáo trình, người học... thì giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị cũng như việc đào tạo trung cấp lý luận chính trị hiện nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hệ Trung cấp lý luận chính trị theo Quyết định số 292- QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị có hiệu lực từ ngày 01/5/2021, gồm 13 học phần, nghiên cứu thực tế, thi tốt nghiệp hoặc viết khoá luận tốt nghiệp. Tổng thời gian của chương trình so với chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính thì số tiết không thay đổi vẫn là 1.056 tiết, song kết cấu nội dung của chương trình Trung cấp LLCT lần này đã có nhiều thay đổi quan trọng như: số lượng bài giảng trong chương trình tăng từ 80 lên 95 bài, số tiết học lý thuyết và thảo luận từ 632 tiết tăng lên 844 tiết (33,5%); đặc biệt, một trong những thay đổi quan trọng của chương trình mới được là kết cấu thêm nhiều chuyên đề bổ trợ mang tính thực tiễn và thời sự rất cao; tăng thời lượng và số bài của các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ 12 bài với 84 tiết tăng lên 30 bài với 264 tiết - những thay đổi có tính đột phá của chương trình mới này đã thực sự góp phần khẳng định và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Trường Chính trị tỉnh trong triển khai khung chương trình mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp tập huấn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến dành cho giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Trên cơ sở đó, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã sớm tiếp thu, bám sát nội dung, mục tiêu của chương trình và chỉ đạo chuẩn bị triển khai chương trình mới tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Lãnh đạo trường đã chỉ đạo các Khoa xây dựng kế hoạch phân công bài giảng cho các giảng viên, đôn đốc các giảng viên tập trung vào công tác soạn giảng, chuẩn bị cho việc ra đề thi hết môn, đề thi tốt nghiệp, câu hỏi thảo luận và đề tài hướng dẫn học viên viết khóa luận tốt nghiệp cuối khóa. Hiện nay Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã triển khai chương trình Trung cấp lý luận chính trị (mới) đưa vào giảng dạy các lớp tại Trường và các đơn vị phối hợp mở lớp. Bên cạnh đó vẫn đang thực hiện theo chương trình cũ ở một số lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Như vậy, việc thực hiện cùng một lúc hai chương trình trong cùng một thời điểm sẽ gây khó khăn cho giảng viên trong cùng một lúc phải thực hiện giảng dạy hai chương trình song song ở các hệ lớp khác nhau.

Đối với nội dung chương trình mới so với chương trình cũ có nhiều đổi mới, nhiều bài mang tính tổng hợp và khái quát cao, có những chuyên đề mới hoàn toàn mà ở những chương trình trước đây chưa hề có; đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên sâu và cần có thời gian nhất định để đào sâu nghiên cứu. Số tiết trong mỗi bài tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần so với bài giảng chương trình cũ. Ví dụ như bài: Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (chương trình cũ 04 tiết; chương trình mới 16 tiết). Chương trình Trung cấp lý luận chính trị mới không bố trí thảo luận theo cụm bài mà lồng ghép trong nội dung từng bài giảng. Trong phạm vi mỗi bài giảng, chuyên đề, giảng viên chỉ dành khoảng ¾ thời gian để giảng lý thuyết, còn lại khoảng 1/4 thời gian thảo luận, tương tác với học viên, gắn lý luận với thực tiễn. Sự thay đổi này góp phần đổi mới phương pháp dạy - học lý luận chính trị, làm cho buổi học thêm sinh động, hấp dẫn hơn, giúp cho học viên nắm bắt kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc hơn. Với những thay đổi quan trọng về cách tiếp cận, kết cấu, nội dung, Chương trình Trung cấp lý luận chính trị hiện nay đã thể hiện tính khoa học cao, hợp lý, được xây dựng công phu, đảm bảo cung cấp tri thức lý luận, nền tảng khoa học, kỹ năng cơ bản, cần thiết để giúp học viên hình thành và phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn. Chương trình cơ bản đã khắc phục được một số nhược điểm của chương trình cũ,hạn chế tối đa sự trùng lặp, tăng thực hành và thảo luận trên lớp, phù hợp với đối tượng người học trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị đạt hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Lãnh đạo trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức giảng dạy, quản lý ở các lớp trong tình hình thực hiện song song hai chương trình. Cần lên kế hoạch cụ thể về lịch trình, thời gian, đẩy nhanh tiến độ đối với các lớp đang còn thực hiện chương trình cũ để tạo sự chủ động và tập trung cho các khoa trong công tác giảng dạy theo chương trình mới. Chỉ đạo các khoa, phòng chủ động phân công và chỉ đạo giảng viên soạn giáo án bài giảng theo kế hoạch đã được phân công. Yêu cầu các giảng viên soạn giáo án tuyệt đối phải bám sát giáo trình, đúng mẫu theo quy định của Học viện, chú trọng liên hệ, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025, những vấn đề thực tiễn mới của Việt Nam và thế giới. Việc phân công giảng viên được đặc biệt chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực, sở trường của mỗi người, đồng thời đối với những các chuyên đề có tính thực tiễn cao, nhà trường chủ trương mời các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn nhất là các vấn đề thực tiễn của tỉnh hiện nay.

Thứ hai, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các phòng, khoa trong kế hoạch xây dựng lịch giảng dạy; phối hợp giữa các khoa trong các khâu như: phân công bài giảng, khâu ra đề thi, chấm thi, đề tài khóa luận tốt nghiệp... tránh tình trạng trùng lắp hoặc bỏ sót nội dung, nhất là khâu ra đề thi, đề tài hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục triển khai và đôn đốc các giảng viên đẩy nhanh tiến độ soạn giảng bài mới, xây dựng đề thi và hình thức thi phù hợp để chủ động, kịp thời trong công tác giảng dạy cũng như góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, bản thân mỗi giảng viên cũng cần chủ động, tích cực, sắp xếp thời gian, cập nhật kiến thức thực tiễn, bài tập thực hành và bổ sung kiến thức mới, nâng cao chất lượng trong công tác soạn giảng cũng như các công việc có liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện chương trình trung cấp lý luận chính trị một cách đồng bộ, thông suốt và mang lại hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, đối với các học phần có chủ trì, phối hợp như: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển của địa phương; Kiến thức bổ trợ...Lãnh đạo Trường tăng cường công tác chỉ đạo việc phân công giảng dạy của khoa chủ trì đối với khoa phối hợp để phân công giảng viên soạn giảng, ra đề, chấm thi nhằm đáp ứng mục tiêu của học phần, chất lượng từng bài giảng. Chú trọng hài hoà lợi ích giữa các bộ phận trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chất lượng.

Thứ năm, đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học tập của học viên. Để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Tùy từng lĩnh vực ở từng bài mà sử dụng các phương pháp khác nhau cho phù hợp. Mỗi phương pháp giảng dạy đều có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên vận dụng linh hoạt, hợp lý các phươngpháp đó phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhất là sử dụng Powerpoint, hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung bài giảng gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Học viên tích cực tham gia xây dựng bài, trao đổi những vấn đề đã làm tốt ở cơ sở và những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc đề xuất giải pháp xử lý cho phù hợp với tình hình của địa phương.

Thứ sáu, Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế Đối với chương trình trung cấp chính trị trong quá trình giảng dạy cần đảm bảo nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn. Muốn vậy, một trong những yêu cầu đối với giảng viên là tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế để có thêm tư liệu phục vụ cho bài giảng. Giảng viên cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học, làm rõ những vấn đề được đề cập trong giáo trình một cách chuyên sâu, đồng thời nghiên cứu cả những vấn đề có liên quan nhằm củng cố, mở rộng kiến thức cho học viên.

Ngoài ra, giảng viên cần tích cực tham gia và nâng cao hiệu quả việc nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Cần có sự trao đổi, thảo luận giữa giảng viên với cán bộ ở cơ sở; cần đến như các trang trại, hợp tác xã, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi điển hình... để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Thông qua đó, có thể giúp viên tiếp thu nhiều kiến thức thực tiễn hữu ích, từ đó thấy được tính phù hợp giữa lý luận và thực tiễn; giữa chủ trương, chính sách, pháp luật với thực tế cuộc sống; giữa nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, của người dân với sự đáp ứng của Đảng, Nhà nước...Đây là một trong những công việc cần thiết để nhằm gắn liền lý luận với thực tiễn, trên cơ sở trải nghiệm thực tiễn của bản thân, giảng viên sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy của mình, tạo sự sinh động, thuyết phục người học.

Thứ bảy, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy của Trường phải được tiến hành đồng bộ, định kỳ được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế bảo đảm đáp ứng điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cán bộ giảng viên và học viên. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc nâng cấp trang thiết bị phòng học như: điều hòa, tăng âm loa đài, vệ sinh môi trường... quá trình đó cần chú ý đến chất lượng, số lượng, dự kiến thời gian sử dụng, hỏng hóc, phương án thay thế.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị đạt hiệu quả và triển khai có chất lượng, hiệu quả chương trình trung cấp lý luận chính trị luôn được Đảng uỷ, Lãnh đạo trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đặc biệt quan tâm. Với sự chuẩn bị chu đáo, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học và sự nổ lực của cán bộ, viên chức và người lao động nhà trường chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới./.

Hoàng Xuân Yến

Khoa Nhà nước và pháp luật