Skip to main content
x
30 May 2022

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là quá trình “tự diễn biến” theo chiều hướng suy thoái, từ “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, có thể từng người đến đội ngũ. Tự diễn biến, tự chuyển hóa không phải là một khái niệm đã được Đảng tác xác định trong văn kiện đại hội XI (2011) Đảng ta đã nhận định về những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, dao động về tư tưởng chính trị và sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng.

“ Tự diễn biến” tức là sự yếu kém của mỗi người không có khả năng để tự bảo vệ chân lý, lẽ phải, những vấn đề lý luận quan trọng nằm trong  ý thức hệ của dân tộc, của Đảng. Nói cụ thể hơn là bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng như thế nào trong công cuộc đổi mới, hay dao động về lập trường tư tưởng, a dua một cách vô ý thức, thậm trí có những suy tính cá nhân, cơ hội vụ lợi. Vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù, các thế lực chống đối để chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay. Nguy hại hơn là làm mất đoàn kết, gây nên tình trạng không thống nhất về tư tưởng, quan điểm dẫn đến không thống nhất về hành động, làm suy yếu Đảng từ tư tưởng đến tổ chức. Tự diễn biến được biểu hiện cả vấn đề về nhận thức, trong hành vi, phát ngôn, trong thái độ phê bình và tự phê bình, trong thái độ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán. Là đảng viên của Đảng, thấy kẻ thù bôi nhọ Đảng mà mình vẫn dửng dưng, thậm chí vào hùa hoặc có thể bằng việc này, việc khác, vô hình chung tiếp tay cho kẻ thù phá hoại nền tảng của Đảng, điều đó rất đáng để chúng ta lên án và phê phán. Đây là mối lo trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong Đảng, trong việc giữ gìn, thống nhất, đoàn kết, hành động trong Đảng.

“Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “ tự diễn biến”. Khi sự biến đổi về chất đã làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mấu chốt trọng tâm của tự diễn biến, tự chuyển hóa vẫn là trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, bởi trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước sự kết hợp đồng bộ giữa tư tưởng chính trị với các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, quốc phòng vẫn là yêu cầu cấp thiết, là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy tại Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và thực tiễn 35 năm đổi mới đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xác định nhiệm vụ số một là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị, thì đội ngũ giảng viên của nhà trường chính là lực lượng chủ yếu, trực tiếp trang bị cho người học là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ở cơ sở những vấn đề cơ bản và toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; một số môn học còn cung cấp nội dung, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác tư tưởng chính trị, tư tưởng… Trên cơ sở đó, xây dựng, bồi dưỡng cho các học viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, xây dựng niềm tin, lý tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống và các phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Điều này góp phần bồi dưỡng người học, những Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở xây dựng niềm tin củng cố lòng trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần hy sinh và sức sáng tạo to lớn, có trách nhiệm xã hội, hình thành lối sống tích cực, có phương pháp đấu tranh chống quan điểm xuyên tạc, phản khoa học và biểu hiện sai lệch về lối sống trong xã hội, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước sự vận động và biến đổi không ngừng của thực tiễn, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử cụ thể ở Việt Nam bất cứ người cán bộ, đảng viên nào cũng phải có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Là lực lượng chủ lực trong việc sáng tạo, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và trong toàn xã hội, đội ngũ giảng viên trường chính trị góp phần quan trọng và thường xuyên trong việc phát triển, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩaĐể nhận thức rõ nguy cơ và tình trạng tự diễn biến tự chuyển hóa”.

Đứng trước nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết Vì vậy để nâng cao chất lượng giảng viên nhà trường, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ trong việc Thực hiện Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 15/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá"., theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, giảng viên cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu về về đạo đức, lối sống, nâng tầm bản thân trong tình hình mới.

Trong nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị, người giảng viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định, không chỉ đơn thuần ở vai trò hướng dẫn, định hướng tư tưởng, tạo dựng nền tảng tư tưởng, mỗi giảng viên còn có ảnh hưởng trực tiếp đối với việc củng cố niềm tin, lý tưởng cho học viên theo học. Nhân cách mẫu mực, lập trường kiên định vững vàng, niềm tin vào Đảng vào chế độ của giảng viên tạo dấu ấn để học viên vững vàng trong lĩnh hội, tiếp nhận kiến thức và rèn luyện. Cho nên người giảng viên phải thực sự gương mẫu, đúng mực trong giao tiếp, trao đổi với học viên, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân, điều đó sẽ tạo niềm tin, truyền nhiệt huyết cách mạng và lý tưởng cộng sản đối với mọi người đặc biệt là học viên. Do đó, giảng viên lý luận chính trị phải được đào tạo cơ bản, ngoài chuyên môn tốt, phải thật sự là tấm gương mẫu mực về nhân cách, có trách nhiệm chính trị cao, niềm tin vững vàng vào chủ nghĩa Mác-Lênin vào lý tưởng và con đường mà đảng ta đã lựa chọn. Mỗi giảng viên cần nâng cao trình độ, chuyên môn; không ngừng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học, kỹ năng nghiên cứu khoa học…) và tâm huyết với nghề; biết lựa chọn, khai thác chuẩn thông tin để đưa vào bài giảng phù hợp. Đây là yếu tố cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, tích cực nâng cao vốn kiến thức thực tiễn của bản thân bằng hoạt động cụ thể; có chương trình kế hoạch tích lũy cho riêng mình, tham gia sinh hoạt chuyên môn và có cách khảo sát phù hợp để xây dựng kế hoạch công tác cho mỗi năm học.

Thứ hai, mỗi giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình để xứng đáng là người thầy mẫu mực, là một giảng viên trường Chính trị.

Trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định không chỉ đơn thuần ở vai trò hướng dẫn, định hướng tư tưởng, tạo dựng nền tảng tư tưởng, họ có ảnh hưởng đặc biệt và trực tiếp đối với sự phát triển, niềm tin, lý tưởng mà học viên tiếp nhận. Nhân cách mẫu mực, lập trường kiên định vững vàng, niềm tin vào Đảng vào chế độ của giảng viên tạo dấu ấn để học viên vững vàng trong lĩnh hội, tiếp nhận kiến thức và rèn luyện, vì vậy mỗi giảng viên của nhà trường cũng phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình để xứng đáng là người thầy mẫu mực. Bởi vì nếu người giảng viên không có đạo đức cách mạng thì không thể tạo được uy tín trước học viên và những lời giáo huấn của thầy trở nên giả dối, không có sức thuyết phục đối với họ bởi lẽ thầy giáo phải là người “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Cho nên, giảng viên phải là “tấm gương sáng cho học viên noi theo”, cần phải nghiêm túc khắc phục trường hợp giảng hay nhưng làm thì ngược lại, điều đó sẽ tạo ra sự thiếu niềm tin cho người học.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của học viên, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”.

Trong giai đoạn hiện nay trước những vấn đề thế giới tác động đến nước ta các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt hơn, với nhiều hình thức mới, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy qua những bài giảng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường, mỗi giảng viên  cần giáo dục, tuyên truyền cho mỗi học viên nhận biết và nâng cao cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, là nền tảng vững chắc để mỗi cán bộ, giảng viên và học viên dù công tác ở cương vị nào cũng nêu cao trách nhiệm của mình, đồng thời cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, từ đó nêu cao tính chủ động, tích cực trong tự phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị tư tưởng, văn hóa.

Trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh việc kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá", mỗi giảng viên trường chính trị Hoàng Văn Thụ cần xác định rõ trách nhiệm của mình trên vị trí công tác được giao, đồng thời phải thường xuyên tự rèn luyện mình, trau dồi đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, từ đó củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên con đường Đảng đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, kiên định đi lên theo định hướng XHCN trong thời kỳ mới./.

GVC,  ThS. Trần Văn Tuân

Khoa Lý luận cơ sở

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.II, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.334.