Skip to main content
x
30 May 2022

1. Nhận thức về tự phê bình và phê bình

Tự phê bình và phê bình trong Đảng là hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng, để chủ động chỉ ra những ưu điểm để phát huy, vạch rõ những khuyết điểm để khắc phục, nhằm làm cho đảng viên và tổ chức Đảng luôn giữ vững vai trò người chiến sĩ tiên phong, người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong bài báo Tự phê bình, phê bình, sửa chữa Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về tự phê bình và phê bình. Người viết: “Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm của mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân hay đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”[1]. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng khẳng định tự phê bình và phê bình xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn:

Một là, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để Đảng chủ động phát hiện và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, không thể nắm bắt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc ngay được những vấn đề mới nảy sinh hằng ngày, hằng giờ trong xã hội, vì vậy không thể tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Ph.Ănggen khẳng định: “Giai cấp vô sản, cũng như tất cả các đảng khác, sẽ học tập nhanh nhất qua những sai lầm bản thân, những sai lầm này không ai có thể tránh khỏi cho họ được[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm[3]. Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[4].

Như vậy, việc Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm là khó tránh khỏi, cách giải quyết tốt nhất đối với những sai lầm khuyết điểm đó của Đảng là tự phê bình và phê bình, công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm cách sửa chữa.

Trong quá trình xây dựng và lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ lịch sử Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình: “Phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng”[5]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm”[6].

Hai là, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cán bộ, đảng viên cũng không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. V.I.Lênin đã chỉ rõ: Không có và không thể có những người không phạm sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Người đời ai cũng có sai lầm khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”[7]. Vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm là tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình còn là biện pháp tích cực để củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng được giải quyết có lý, có tình, không để tích tụ từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ nội bộ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”[8].

Ba là, tự phê bình và phê bình xuất từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm về sự kiên trì thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Năm 1939, Đảng tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, để chỉ ra những sai lầm khuyết điểm của Đảng và một số ý kiến không đúng với chủ trương của Đảng, xác định mục tiêu, phương châm trong công tác xây dựng Đảng; đồng thời hướng dẫn cách tự phê bình và phê bình trong Đảng đó là phải: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”[9].

Sau những sai lầm từ Chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc năm 1955-1956, tại Hội nghị Trung ương 10 mở rộng về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã chỉ ra những sai lầm khuyết điểm trong công tác tự phê bình và phê bình là đem phương pháp đấu tranh với địch để đấu tranh trong nội bộ Đảng. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, những sai lầm về vấn đề nguyên tắc, trái với Điều lệ một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Hậu quả là: “Nó đã làm cho lực lượng của Đảng bị tổn thất nặng nề”[10].

Qua thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm vừa qua, có thể nhận thấy nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc hoặc thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm túc. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”[11].

2. Thực hiện tự phê bình và phê bình ở Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

2.1. Tình hình đặc điểm của Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đảng bộ cơ sở, trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, với 45 đảng viên/tổng số 49 cán bộ, viên chức, lao động chiếm 91,84%; trong đó đảng viên chính thức 44 đồng chí, đảng viên dự bị 01 đồng chí. Đảng viên là nữ có 25/45 đồng chí, chiếm 55,56%; đảng viên là nam có 20/45 đồng chí, chiếm 44,44%.

Về trình độ chuyên môn: 42/45 đồng chí đồng chí có trình độ đại học; 03 đồng chí có trình độ trung cấp; trong đó 35 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 03 đồng chí đang học cao học.

Về trình độ lý luận chính trị: 29 đồng chí có trình độ cao cấp, 17 đồng chí có trình độ trung cấp.

Về kiến thức quản lý nhà nước: Đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 04 đồng chí; ngạch chuyên viên chính 22 đồng chí; ngạch chuyên viên 13 đồng chí.

2.2. Kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình

2.2.1. Ưu điểm

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh. Đảng ủy đã quán triệt, triển khai đến các chi bộ trực thuộc và đảng viên về những văn bản liên quan đến tự phê bình và phê bình như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quá trình tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ủy, chi bộ,  đảng bộ đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo, quy trình, nguyên tắc. Đảng ủy thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ vị trí, vai trò, sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, để mọi đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình.

Đảng ủy đã tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong tự phê bình và phê bình. Mục đích nhằm chỉ ra những ưu điểm của từng đảng viên để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa, khắc phục, nhằm từng bước xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng bộ, chi bộ. Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình tự phê bình và phê bình đã khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực mà mỗi cấp ủy viên, đảng viên được đảng bộ, chi bộ, nhà trường giao.

Đảng ủy đã thực hiện “nêu gương” trong tự phê bình và phê bình bí thư, phó bí thư đảng ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ tự phê bình trước, sau đó đến đảng viên. Trong quá trình tự phê bình và phê bình tập trung kiểm điểm làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo; những vấn đề nổi cộm hoặc những nội dung gợi ý kiểm điểm làm rõ của cấp ủy cấp trên đối với tập thể, cá nhân trong quá trình lãnh đạo, quản lý điều hành. Không phê bình chung chung, xuề xoa, chiếu lệ. Bí thư đảng ủy, bí thư các chi bộ đã nghiêm túc chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của từng cấp ủy, từng đảng viên; đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến tự phê bình và phê bình. Qua kiểm điểm, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên được nâng lên. Do đó, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên được nâng cao.

Bên cạnh đó, đảng bộ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng cấp ủy viên, đảng viên trong toàn đảng bộ phải chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên từng vị trí công tác.

Trong sinh hoạt định kỳ đảng ủy, các chi bộ đã gắn nội dung sinh hoạt với việc tự phê bình và phê bình, nội dung tự phê bình và phê bình có tính cụ thể, thiết thực hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những vấn đề mới phát sinh, nổi cộm của đảng bộ, chi bộ và cán bộ, đảng viên. Trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ được giao và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý  thức tổ chức kỷ luật, tư thế, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt ở đảng bộ được tiến hành một cách thường xuyên, kịp thời nên trong những năm vừa qua đảng bộ không có đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng.

Trong sinh hoạt luôn phát huy dân chủ, cởi mở do đó đã khích lệ mọi đảng viên phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, phê bình đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chi bộ cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất chân thành, thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh. Thông qua tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng ủy, chi chi bộ, đảng bộ nên đã xây dựng được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng.

Sau khi kết thúc kiểm điểm, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm, Đảng ủy đã xây dựng và chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm, trong sinh hoạt hằng tháng đảng ủy, các chi bộ đều có sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã xây dựng.

2.2.2- Hạn chế, khuyết điểm

Tuy nhiên công tác phê bình và tự phê bình vẫn còn tồn tại, hạn chế một số đảng viên còn nể nang ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt đảng bộ, chị bộ còn khá phổ biến; việc phát biểu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi, còn một số đảng viên trẻ rất ít phát biểu trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của đảng viên còn hạn chế, chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng của người đảng viên.

Việc tổ chức tự phê bình và phê bình chưa được tiến hành thường xuyên,  mới chỉ kiểm điểm tự phê bình và phê bình sâu sắc vào dịp sơ kết, tổng kết công tác Đảng vào dịp cuối năm.

2.2.3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao.

Đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm không tự giác tự phê bình và phê bình, mà tìm mọi cách trốn tránh, bao che, giấu giếm khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan, thậm chí còn viện lý do vì sợ mất thành tích.

Cấp ủy, bí thư các chi bộ thấy đảng viên của chi bộ có khuyết điểm, vi phạm nhưng sợ mất thành tích của đơn vị, sợ bị mất điểm thi đua, khen thưởng, nên chỉ nhắc nhở qua loa, chưa mạnh dạn phê bình nghiêm túc.

Đảng ủy chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, chưa xây dựng được chương trình, kế hoạch và nội dung để các chi bộ trực thuộc tiến hành tự phê bình và phê bình hằng tháng.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình ở Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Có thể khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản cầm quyền, đã và đang trở thành yêu cầu cấp bách, cần thiết để ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng nói chung, Đảng bộ Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, người đứng đầu cấp ủy, nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể thiết thực. Cấp ủy và đảng viên cần nhận thức đúng đắn về tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình chính là để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Thứ hai, thực hiện nền nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng bộ, chi bộ. Đảng ủy phải chỉ đạo đưa nội dung tự phê bình và phê bình vào nội dung, chương trình sinh hoạt hằng tháng.

Thứ ba, cần phải thực hiện “nêu gương” trong tự phê bình và phê bình, theo đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu tự phê bình trước, nhất là về khuyết điểm, hạn chế của mình; đồng thời khuyến khích cấp dưới và đảng viên tự phê bình mình và thật sự cầu thị tiếp thu ý kiến phê bình.

Thứ tư, Đảng ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về chế độ tự phê bình và phê bình, phải đảm bảo phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng mất dân chủ hoặc áp đặt trong tự phê bình và phê bình hoặc phê bình mang tính hình thức.

Thứ năm, mỗi đảng viên phải khắc phục tâm lý tự ti, hoặc sợ bị trả thù, trù dập của người mình phê bình, nhất là đối với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị. Bản thân phải chủ động tự phê bình trước, không được giấu giếm thiếu sót, khuyết điểm, để khuyết điểm trở thành vi phạm. Khi có khuyết điểm, vi phạm phải tự giác nhận lỗi, tự nhận hình thức kỷ luật và tỏ rõ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu vươn lên.

Thứ sáu, có thái độ tiếp thu phê bình đúng đắn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, do những tác động chủ quan hoặc khách quan có thể làm cho đảng viên chưa hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, thậm chí có thể mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng khi phê bình, góp ý cần phải xem xét sự việc cẩn trọng, bình tĩnh, tìm hiểu rõ nguyên nhân sinh ra khuyết điểm. Trong thực tế có người có tính bảo thủ rất sợ bị phê bình, họ “tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, cái gì cũng đúng”. Vì vậy, mỗi đảng viên cần khắc phục “cái tôi” để tự chiến thắng bản thân. Cần thành thật với mình, thành thật với người, đó chính là nhân cách, là văn hóa, là đạo đức, là văn minh, là trách nhiệm của người đảng viên.

Thứ bảy, thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng ủy, chi bộ. Đảng ủy cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ủy, chi bộ, đảng bộ đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng.

Thứ tám, tiếp tục triển khai, thực hiện có chất lượng, hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với việc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"./.

 

GVC, ThS Nông Đức Vinh

Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr. 386.

[2] C.Mác và Ph.Ănggen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1997, tập 37, tr.450.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr. 323.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr. 301.

[5] Đảng Lao động Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa chữa Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, H 1977, tr. 97.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021 tập 2, tr. 175.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr. 323.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr. 611.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, tập 6, tr. 624.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tập 17, tr. 548.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021 tập 2, tr. 179.