Skip to main content
x
3 March 2022

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc dài 231km; có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 của khẩu chính và 08 cửa khẩu phụ. Tỉnh có 11 huyện, thành phố; với 200 xã, phường, thị trấn, có 1.705 thôn, tổ dân phố (trong đó có 05 huyện biên giới, với 21 xã, thị trấn biên giới). Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 8.310,18 km2, dân số 789.272 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chiếm 83,94%; có 07 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán chay, Hoa, Mông; dân số chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn; khu vực biên giới của tỉnh có tổng diện tích tự nhiên là 1.128 km2 với trên 61.000 người sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2020 là 7,89% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 94,38%).

Căn cứ kết quả rà soát, bình xét công nhận người có uy tín theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì tổng số người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được công nhận giai đoạn 2011 - 2021 là 21.660 lượt người có uy tín (nam 18.952  người, nữ 2.708 người).

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các ban ngành có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS đến toàn thể các cấp chính quyền, đặc biệt là vùng đồng bào DTTD và chỉ đạo thực hiện bình xét người có uy tín trong đồng bào DTTS theo đúng quy định.

Trong giai đoạn 2011 – 2021, Trung ương đã cấp kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 31.747,5 triệu đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phân bổ, giao cho Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Thực hiện chế độ thăm hỏi, tặng quà, gặp gỡ trong dịp lễ, tết, tổ chức hội nghị, tọa đàm, tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh... Qua đó đã góp phần động viên tinh thần người có uy tín để họ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ chương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đi đầu trong thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tích cực lao động sản xuất, khắc phục dịch bệnh, thiên tai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, người có uy tín còn tích cực tham gia vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng các cuộc vận động lớn, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã vận động hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa thôn, bản, trường học; xóa bỏ các hủ tục tang ma, cưới hỏi, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các tập tục mê tín, dị đoan; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; tích cực tham gia các chương trình, hot động văn hoá, nghệ thuật phục vụ các ngày l ln, các lễ hội truyền thống, các hoạt động xoá đói, giảm nghèo...từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Về việc đảm bảo an ninh trật tự, trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh trật tự, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, lực lượng Công an tiếp tục chủ động phối hợp với các ban ngành, cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác phát huy vai trò người có uy tín, củng cố tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua công tác phát huy vai trò người có uy tín, đã giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp giải quyết và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Người có uy tín trong DTTS đã phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo phần tử xấu kích động, tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, điển hình như ông Ngô Minh Dế xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn; bà Vi Kim Thiều, dân tộc Mông xã Cao Minh, huyện Tràng Định; vận động tín đồ trong các tôn giáo "sống tốt đời, đẹp đạo"; ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, hoạt động tà đạo, đạo lạ, vận động quần chúng, tín đồ đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giải quyết trên 31.240 vụ việc xảy ra ở cơ sở, đặc biệt người có uy tính đã tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các vấn đề có liên quan đến tôn giáo; tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, tuần tra biên giới, phòng ngừa, ngăn chặn xâm canh, xâm cư bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Người có uy tín đã tích cực tham gia nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật, phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối các công trình, mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước và của địa phương, như: Kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhiệm kỳ 2021 – 2026; đảm bảo an toàn cho 60 đoàn khách quốc tế, lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc tại địa phương. Đặc biệt là lễ đón và tiễn Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Việt Nam; tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, vận động Nhân dân cam kết không vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng pháo, vận động người nghiệm ma túy tự cai tại gia đình và cộng đồng, không trồng cây có chứa chất ma túy, tích cực phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ trên 100 người lầm lỗi trở về địa phương, vận động nhân dân giao nộp trên 2.000 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác. Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; người uy tín đã cung cấp, tố giác hàng nghìn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra làm rõ 3.362 vụ phạm pháp hình sự, bắt 4.437 đối tượng, thu hồi tài sản giá trị trên 25 tỷ đồng; tích cực tham gia công tác tuyên truyền vận động nhân dân ký cam kết và gương mẫu chấp hành luật giao thông... Qua đó góp phần giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trịtrật tự an toàn trên địa bàn.

Đối với việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín đã tích cực tham gia đóng góp trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là sau khi triển khai, đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” vào đời sống, người có uy tín đã phát huy vai trò, có nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực, góp phần xây dựng các tổ chức chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Có thể thấy, công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Người có uy tín trên địa bàn đã sử dụng uy tín, ảnh hưởng của mình tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên một số người có uy tín chưa phát huy được hết vai trò, hiệu quả; một bộ phận cán bộ nhất là tại cơ sở năng lực còn yếu, nhận thức còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao nên còn xem nhẹ công tác phát huy vai trò người có uy tín…

Trong thời gian tới để phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, phối kết hợp thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người có uy tín những kiến thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bảo vệ môi trường; cung cấp những thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, trong nước và thế giới; kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm. Đồng thời, tiến hành sơ, tổng kết định kỳ 06 tháng, 01 năm để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng thực hiện được tốt hơn.

Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, các phong trào thi đua yêu nước như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm, vận động, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các phương án, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho người có uy tín và gia đình họ; củng cố, nâng cao uy tín, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu tác động, đe dọa, lôi kéo, vu cáo làm mất lòng tin của cộng đồng xã hội với người có uy tín.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; mở hội nghị sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, thăm hỏi, động viên, biểu dương, khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Định kỳ phối hợp rà soát, bổ sung danh sách đúng theo các tiêu chí, đánh giá, xác định phạm vi ảnh hưởng và khả năng phát huy của người có uy tín để phân công, phân cấp vận động, quản lý, bồi dưỡng.

ThS, GVC. Phạm Anh Tuấn

    Khoa Xây dựng Đảng