Skip to main content
x
3 March 2022

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, suốt 92 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhìn lại những chặng đường dài thăng trầm của lịch sử, Nhân dân ta đã đúc kết, rút ra một chân lý: Thắng lợi của cách mạng Việt Nam do nhiều yếu tố tạo thành, song nhân tố chủ yếu, quan trọng và quyết định nhất chính là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là chân lý mang tầm thời đại, là sự khẳng định cả về phương diện lịch sử và lý luận.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, sự thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến và tư sản khiến cách mạng Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước thực chất là cuộc khủng hoảng về sự lãnh đạo cách mạng của một giai cấp tiên tiến mà đại biểu là chính đảng cách mạng. Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, hành trang lớn nhất Người mang theo là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và đôi bàn tay lao động với quyết tâm tìm ra con đường để trở về cứu dân, cứu nước khỏi kiếp đọa đày, nô lệ. Tuy nhiên, với vốn tri thức phong phú và những kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình gần 10 năm bôn ba, hòa mình vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới; cộng với tư duy sắc sảo, nhãn quan chính trị nhạy bén, Người đã bắt gặp và đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là bước ngoặt chính trị vĩ đại đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về con đường cứu nước, vạch ra hướng đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là: cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người đã tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Mùa xuân năm 1930, với vai trò và trách nhiệm trong Quốc tế Cộng sản, với uy tín chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là kết quả tất yếu, là yêu cầu khách quan của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Từ đây con tàu cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã có đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc dẫn lối, chỉ đường.

Từ khi mới ra đời, Đảng ta nhận sứ mệnh lịch sử trọng đại trước dân tộc, đó là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại cơm áo và hạnh phúc cho Nhân dân. Vừa mới ra đời, với thế và lực còn nhỏ bé, Đảng ta đã hòa mình vào các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động và tổ chức nhân dân lao động dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp cả nước. Tiêu biểu là các phong trào: Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng 1941-1945 đã khơi dậy được sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.

Ở tuổi 15, với hơn 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên với sức mạnh “chuyển núi, dời sông”, đập tan xích xiềng của hơn 80 năm nô lệ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc trong thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời, cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(1).

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ” phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vì “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh” buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954) chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng cùng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(2).

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, nhân dân ta chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui chiến thắng, đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà lại phải bước vào một cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979), cùng với chính sách bao vây, cấm vận của kẻ thù nhằm tiêu diệt cách mạng nước ta. Nhưng với bản lĩnh và trí tuệ Đảng ta một lần nữa đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thách thức bằng đường lối sáng tạo, kết hợp tốt sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, trí tuệ và vật chất của khối đại đoàn kết toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh biên giới giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX do sự chậm chuyển đổi cơ chế quản lý gây ra, Đảng đã thẳng thắn đánh giá tình hình và tìm phương hướng khắc phục. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (9/1979) đã chủ trương “Phải sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là chính sách về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra.” Có thể coi đây là chủ trương khởi đầu của quá trình tìm tòi con đường đổi mới ở Việt Nam. Đại hội V (3/1982) của Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thừa nhận sự tồn tại thực tế của nhiều thành phần kinh tế, điều chỉnh bước đi và quy mô của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Quá trình tìm tòi đường lối đổi mới diễn ra từ rất sớm và trên thực tế đã thực hiện đổi mới từng phần từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20/9/1979, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình và nhiệm vụ cấp bách; Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 về Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; Quyết định 25-CP ngày 21/11/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý trong kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Đại hội V của Đảng (3/1982); Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá V (6/1985) về giá - lương - tiền. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) là một bước ngoặt lịch sử trong việc đổi mới tư duy và đường lối phát triển đất nước của Đảng. Với sự thay đổi nhận thức về cơ chế, phương thức vận hành nền kinh tế và nhận thức về vị thế của nước ta trong điều kiện toàn cầu hóa, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước “mở cửa”, hội nhập quốc tế.

Trong quá trình chuyển đổi cơ chế nền kinh tế, chúng ta đã phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn: Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện "diễn biến hoà bình", tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tấn công phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm gây mất ổn định chính trị, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong bối cảnh đó, Đảng đã kịp thời phân tích, nhận định, đánh giá đúng tình hình, nắm vững những yếu tố tác động đến an ninh, quốc phòng, nhận thức rõ đối tượng, đối tác, thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc với phương châm thêm bạn, bớt thù, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, đi đôi với phân hoá cao độ kẻ thù, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu.

Đảng đã khẳng định xây dựng đất nước phải gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ; chiến thắng giặc ngoài gắn chặt với đánh bại thù trong. Đảng luôn nêu cao mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, giữ vững những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ bài học kinh nghiệm về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, Đảng đã tăng cường củng cố vững chắc nền tảng an ninh, quốc phòng, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của chế độ; đồng thời nhận thức rõ sự bền vững của chế độ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố an ninh, quân sự mà còn có các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội; chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới, phát triển là nền tảng vững chắc của an ninh, quốc phòng; an ninh, quốc phòng vững chắc là điều kiện ổn định, phát triển đất nước về mọi mặt.

Với tầm tư duy sắc bén đó, Đảng đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi thách thức, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, duy trì được sự phát triển ổn định vững chắc, phá vỡ thế bao vây cô lập của các thế lực thù địch.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số 98.207.641 người với mức thu nhập bình quân 2.786 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế.  Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm nhận nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có được thành quả cách mạng to lớn đó, trước hết là do Đảng ta luôn biết kế thừa, vận dụng sáng tạo, phát triển các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giành chính quyền và giữ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. V.I Lênin đã từng chỉ rõ: một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết bảo vệ; và nguyên tắc cơ bản nhất là Đảng Cộng sản phải lãnh đạo chặt chẽ quân đội, công nông và sự nghiệp quốc phòng, an ninh trong mọi hoàn cảnh.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng và nguyên lý trên, Đảng đã lãnh đạo xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng, tập trung chăm lo xây dựng lực lượng Công an, Quân đội ngày càng lớn mạnh; nhất quán và kiên trì quan điểm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thổng chính trị mà nòng cốt là lực lượng vũ trang. Mỗi khi tình hình thế giới, khu vực có những biến động phức tạp, Đảng ta đều kịp thời có các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược quan trọng để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, Đảng đã đề ra và luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Mặc dù có lúc có nơi, Đảng cũng đã vấp phải những sai lầm, khuyết điểm nhưng với bản lĩnh của mình, Đảng đã dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa khắc phục, luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự đổi mới để phát triển.

Qua khó khăn thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, tư duy lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt sáng tạo, phương châm chỉ đạo kiên quyết, chiến lược kiên định, sách lược mềm dẻo, khôn khéo, nghệ thuật lãnh đạo chỉ đạo sắc sảo, sáng tạo; huy động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của thời đại, của cả hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo đó của Đảng chính là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta có nhiều thuận lợi từ kết quả đạt được của hơn 35 năm đổi mới, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ, tác động trực tiếp tới sự ổn định chính trị, chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, đồng thời đảm bảo tính đúng đắn, sáng tạo, sáng suốt trong mọi chủ trương, đường lối, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo. Muốn vậy, một mặt Đảng phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của mình, mặt khác cần phải quyết liệt đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

_______________________

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập12, NXb Chính trị , H 2011, tr 410.

 (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H 1976, tr 5-6.

 

ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                                            Khoa Xây dựng Đảng