Skip to main content
x
12 December 2021

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của cách mạng, anh hùng giải phóng, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn chặt với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới. Hoàn cảnh mới, thời đại mới đặt ra cho toàn Đảng và toàn dân ta yêu cầu mới đề phù hợp với chế độ mới. Một trong những công việc mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm là vận động nhân dân xây dựng đời sống mới. Ngày 20-3-1947, Người đã viết tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh để chỉ đạo và động viên phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới.

Trong Lời tựa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa của tác phẩm là giúp nhân dân ta thực hành đời sống mới để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Người nhấn mạnh: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”.  Trong tác phẩm Đời sống mới Người đã đề cập đầy đủ, chi tiết, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện những nội dung, biện pháp xây dựng đời sống mới. Người cho rằng: Đất nước ta qua gần trăm năm bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, đời sống nhân dân chìm trong tăm tối và lạc hậu, thì việc xây dựng đời sống mới thực sự là một cuộc cách mạng trong toàn dân. Đây là một cuộc vận động cách mạng, một cuộc đấu tranh chống lại cái cũ, lạc hậu để xây dựng đời sống mới tiến bộ và hạnh phúc. “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”[1, 112-113]. Có nghĩa rằng “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”[2, 246].  

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông nghiệp làm gốc. Trong cuộc sống xây dựng nhà nước, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh”. Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành trung ương về nông nghiệp, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Đề án xây dựng mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025. Đây là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới đồng bộ các lĩnh vực ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những tiêu chí chung về nông thôn mới đã được vận dụng, cụ thể hóa, điều chỉnh cho phù hợp với từng địa bàn nông thôn của cả nước. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới, lối sống mới, thực hành cần, kiệm, liêm, chính bằng chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cũng chính là thực hành đời sống mới theo tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông - Bắc của Tổ quốc là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, với diện tích tự nhiên là 830.521 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng là 68.958 ha, chiếm 8,3% diện tích đất tự nhiên. Thực hiện theo Nghị quyết số 818/NQ-UBTVQH14  ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về  việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn, hiện nay tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 01 thành phố; 200 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 181 xã, 05 phường và 14 thị trấn. Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đồng thời phát huy lợi thế của tỉnh nên ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về thực hiện nông thôn mới, Lạng Sơn đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngay từ khi mới thực hiện, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh. Tập trung chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Các thôn biên giới đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo Bộ tiêu chí nông thôn mới; chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn; chỉ đạo xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu. Nhờ đó mà tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của người dân ở nông thôn tăng lên. Tính đến tháng 8 năm 2021 toàn tỉnh đã có 56/85 công trình đã được khởi công xây dựng, 29/85 công trình đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đầu thầu, chuẩn bị khởi công; các công trình về giao thông thực hiện theo đề án giao thông nông thôn cơ bản được triển khai bảo đảm tiến độ.  Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố và các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh tiêu chí quy hoạch theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới: đến tháng 8/2021 toàn tỉnh có 80/181 xã đạt tiêu chí về giao thông, chiếm tỷ lệ 44,20%, có 173/181 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, chiếm tỷ lệ 95,58%, có141/181 xã đạt tiêu chí điện nông thôn, chiếm tỷ lệ 77,90%, 71/181 xã đạt tiêu chí chiếm tỷ lệ 39,23%, có 67/181 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 37,64%, có 167/181 xã đạt tiêu chí chiếm tỷ lệ 92,27%. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 vị trí trạm phủ sóng thông tin di động và internet vô tuyến, với tổng số 2.537 trạm; 100% các xã đạt tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách, người có công, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra. Như vậy tính đến tháng 8 năm 2021 số xã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh là 65/181 xã, chiếm 35,91%.

Có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới diện mạo các vùng nông thôn ở Lạng Sơn có nhiều khởi sắc. Do đánh giá được những khó khăn, các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các tiêu chí như xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng tập trung, không dàn trải, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã được thực hiện có hiệu quả, gắn với việc xác định sản phẩm chủ lực, phát triển các cây, con, làng nghề, nghề truyền thống, có thế mạnh tại địa phương hiện có, có lợi thế cạnh tranh; khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGap gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác, bao bì nguồn gốc xuất xứ, tiến tới liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Nét độc đáo trong vận dụng đời sống mới của tỉnh Lạng Sơn đó là việc xây dựng nông thôn mới kết hợp với thực hiện công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn. Tạo nên những nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, nhân dân thêm tin tưởng vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, song trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn cũng còn những khó khăn, thách thức và hạn chế đặc biệt là từ năm 2019 cùng với cả nước Lạng sơn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tác động rất lớn đến tình hình lao động sản xuất và thu nhập của người dân; một số công trình, dự án, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn bị trì hoãn cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn các xã. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại một địa phương còn chưa quyết liệt, hiệu quả. Nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện còn hạn chế do đó việc cân đối nguồn lực bố trí thực hiện Chương trình nông thôn mới còn nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập, tạo đà thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn cần tập trung thực hiện một số những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; công tác chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới phải thực hiện đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các xã trên địa bàn tỉnh; đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; các xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ được ý thức trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân tự làm, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ba là, thực hiện rà soát đối với những xã chưa về đích nông thôn mới, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, sáng tạo dựa trên những tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia. Bên cạnh đó bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao, ứng dụng khoa học kĩ thuật, phương pháp quản ký trong sản xuất nông nghiệp.

Bốn là, đối với các huyện biên giới xây dựng kế hoạch và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các thôn biên giới phấn đấu đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó quan tâm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng thôn nông thôn mới. Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo ở các xã, thôn biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

74 năm đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đời sống mới vẫn tạo nên những động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm mà Người nêu lên về xây dựng đời sống mới mãi mãi là tư tưởng chỉ đạo và là cơ sở lý luận quan trọng, giá trị cốt lõi để cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng vận dụng, phát triển trong qúa trình xây dựng nông thôn mới hôm nay./..

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.5, tr.112-113.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.246.

3. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn 8 tháng đầu năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

 

Lương Thị Tuyên

Khoa Lý luận cơ sở