Skip to main content
x
12 December 2021

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh nội dung chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp với xu thế chung của thời đại “... Xác định nội dung cốt lõi, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số...”; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra mục tiêu “... Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số...”. Trong đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Điều đó cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chuyển đổi số (Digital transformation) có thể hiểu đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Mọi người tiếp cận thông tin nhiều, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian.

Ở Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. UBND tỉnh Lạng Sơn  ban hành Công văn  số 945/UBND-KGVX, ngày 15/7/2021 chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước, thì việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học đó là một xu thế tất yếu được nhiều trường chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng. Đứng trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đảm bảo vừa tổ chức phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Sau khi có Công văn số 494-CV/HVCTQG, ngày 13/5/ 2021 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh” cho phép và hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo bằng hình thức trực tuyến. Nhà trường có văn bản báo cáo và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện giảng dạy trực tuyến. Bước đầu chuyển đổi số trong dạy, từ lớp học tập trung chuyển sang dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập thông qua phần mềm Microsoft Teams qua đó người học tiếp cận bài giảng, mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thực vào thực tiễn.

1

Tuy nhiên, trong dạy và học lý luận chính trị thì chuyển đổi số vẫn là điều mới với nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Chính vì vậy, Nhà trường mời chuyên gia công nghệ thông tin về tập huấn cho đội ngũ giảng viên về kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến. Lãnh đạo trường chỉ đạo ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến để có cơ sở thực hiện hoạt động này. Trước khi thực hiện, tổ chức thí điểm yêu cầu giảng viên các khoa, phòng giảng thử để rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện trên quy mô toàn trường. Giao nhiệm vụ cho các chủ nhiệm lớp trước khi học viên học trực tuyến chính thức trên lớp, chủ nhiệm sẽ tổ chức sinh hoạt trực tuyến để kiểm tra điều kiện, trang thiết bị học tập của học viên; hướng dẫn, tập huấn cho học viên và quán triệt quy chế dạy học trực tuyến của Trường để học viên làm quen với cách học trực tuyến. Mỗi buổi lên lớp của giảng viên sẽ có các đồng chí Lãnh đạo trường, phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, chủ nhiệm lớp và đồng chủ nhiệm lớp tham gia để quản lý lớp học. Từ ngày 08/5/2021 đến nay, Trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến ở 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng (Trong đó: 20 lớp đào tạo 1.293 học viên, 10 lớp bồi dưỡng 698 học viên). Việc học tập của học viên không bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, giúp học viên giảm thiểu chi phí đi lại, ăn ở, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập, người học có thể học ở mọi nơi khi có thiết bị kết nối mạng Internet.

Đối với giảng viên nhà trường, từ ngày 14/6 đến 27/7/2021 cùng với hơn 755 giảng viên từ khắp mọi miền đất nước cùng tham dự lớp tập huấn giáo trình mới cho hệ thống các trường chính trị theo hình thức trực tuyến bằng công nghệ cầu truyền hình từ Học viện đến tất cả các trường chính trị ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường cán bộ của các bộ, ngành đoàn thể Trung ương để được kịp thời cung cấp những nội dung mới trong chương trình và giáo trình Trung cấp lý luận chính trị. Tham dự hình thức trực tuyến hội thảo khoa học do Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh tổ chức và mời dự.

Bên cạnh công tác dạy và học trực tuyến thì công tác quản lý, điều hành phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cũng được Trường đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhà trường vận hành Cổng Thông tin điện tử Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, văn phòng điện tử eoffice, phục vụ hoạt động khai thác thông tin đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác đến cán bộ, giảng viên và học viên. Trường đã trú trọng đầu tư nâng cấp trang website, mua sắm trang thiết bị, trang thiết bị hệ thống wifi khu nhà làm việc, giảng đường giúp việc khai thác thông tin trên Internet thuận tiện; mua bản quyền phần mềm Microsoft Teams, … để phục vụ cho công các dạy và học trực tuyến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Sử dụng hệ thống các phần mềm phục vụ nghiệp vụ kế toán, tài chính; phần mềm quản lý văn bản liên thông 4 cấp Vnpt iOffice; hòm thư công vụ, Quản lý sinh hoạt đảng của Đảng ủy khối các cơ quan Tỉnh; chữ ký số, camera an ninh, máy chiếu, camera tại các phòng học được lắp đặt sử dụng… góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.

Tuy nhiên chuyển đổi số trong dạy và học Trường Chính trị thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài là vấn đề lâu dài. Để đảm bảo thành công chuyển đổi số đối với nhà trường trong thời gian tới, theo tôi Lãnh đạo trường cần quan tâm:

Một là, phải tuyên truyền, thống nhất, thông suốt về nhận thức trong nhà trường, mỗi cá nhân. Nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, diễn ra với tốc độ rất nhanh, do đó cần có sự chuẩn bị, đầu tư xứng tầm, quyết tâm cao.

Hai là, quan tâm đến chất lượng việc dạy học trên môi trường mạng như an toàn thông tin mạng; liên quan đến chính trị, tư tưởng, đạo đức người dạy, người học như bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng; các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy - học trên mạng, đánh giá và công nhận kết quả khi dạy - học trực tuyến.

Ba là, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, giảng viên, học viên có kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học.

Thứ tư, tiếp tục từng bước hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy học, trong đó quan tâm đến việc dạy học trực tuyến.

Thứ năm, thời gian tới Lãnh đạo trường cần tiếp tục quan tâm để thực hiện chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học./. 

 

                                                                           ThS. Hà Minh Thảo

                                                          GVC - Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH