Skip to main content
x
12 December 2021

1. Vai trò, ý nghĩa của công tác tư tưởng trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng

Từ Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Ðảng (tháng 12 -1986) đã đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước - từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới hệ thống chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tại báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội đánh giá cao quá trình dân chủ hóa sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta. Khẳng định Đảng lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ về: Chương trình phát triển kinh tế tập trung vào lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; về phân phối, lưu thông; thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội; tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước; tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước; xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực chỉ đạo và điều hành của bộ máy Đảng và nhà nước.

Kết quả sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Cụ thể: Trọng tâm trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội những năm qua là thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục…Kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, từ mức bình quân 4,4% sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) lên 5,9% giai đoạn 2016-2020. Thực hiện có ​​​​​hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo thông qua chương trình “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững”. Bằng các dự án: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi)…Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,8%; năm 2019: 3,7%; năm 2020, dự kiến thời gian tới giảm còn: 2,7%. 

2. Kết quả, hạn chế của công tác tư tưởng của Đảng trong thực hiện đường lối đổi mới hiện nay

Để đạt được những kết quả như trên, Đảng ta đã thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng. Trong các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng đặt công tác tư tưởng và lý luận lên hàng đầu. Trong đó công tác tư tưởng là quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc trước hết ở công tác tư tưởng. Vì vậy, các Đại hội Đảng luôn xác định công tác tư tưởng trong công tác xây dựng đảng có vai trò hết sức quan trọng:

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng ta đã xác định công tác xây dựng Đảng trên 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đạo đức gắn với tư tưởng, xác định  xây dựng đảng về tư tưởng cũng là xây dựng đảng về tổ chức.

Trước thực tiễn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, Đại hội XII đã quyết định tách nội dung đạo đức trong xây dựng Đảng về tư tưởng thành một nội hàm riêng. Nên Đại hội XII xác định xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là thuộc về cán bộ, đảng viên.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1]. Trong đó, xây dựng Đảng về tư tưởng mục đích của Đảng, nhằm phát triển, truyền bá cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng vào trong đời sống xã hội, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân hành động, tích cực, sáng tạo vì lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái phản động, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đối diện với nhiều thách thức, vì vậy việc nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển mạnh của xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, sự cạnh tranh gay gắt nền kinh tế thị trường, giải quyết những vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, thiên tai, về chạy đua vũ trang, chống đói nghèo tật bệnh … Ở Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt với âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước...Bằng nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân câc dân tộc, trong nước và ở nước ngoài.

Cụ thể chúng đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận quyền lãnh đạo của Đảng. Chúng lôi kéo, kích động những người thiếu hiểu biết, bất mãn đòi “đa nguyên, đa đảng”, chúng tỏ ra “khách quan”, “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của người dân, “bênh vực dân” nên làm cho không ít người ngộ nhận tin theo. Chúng còn dùng nhiều thủ đoạn chiêu bài mới, kết hợp cả tư tưởng, lý luận, chính trị, kinh tế để chống phá ta từ bên trong kết hợp với bên ngoài, làm một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từng bước làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ra sức lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động gây bất ổn chính trị - xã hội; lợi dụng các bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời để kích động tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh, xung đột xã hội. Chúng thường xuyên cập nhật, theo dõi rất kỹ lưỡng các vấn đề tư tưởng, lý luận của ta để tìm ra những mâu thuẫn giữa nhận thức và hành động; giữa lý luận và thực tiễn để gây hoài nghi, mất lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân…

Chúng kích động, chia rẽ nhân dân trong việc phát triển kinh tế, vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm là một ví dụ cho thấy sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tế vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm đã để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác tư tưởng về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.

Hoặc trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang đồng sức, đồng lòng, gồng mình một lòng đoàn kết chống dịch covid-19, từng giờ, từng phút cả hệ thống chính trị từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành, các lực lượng tuyến đầu tham gia không quản gian khổ, tham gia vào cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, thì các thế lực thù địch ra sức chống phá, các đối tượng thù địch bên ngoài câu kết với một số kẻ chống phá trong nước tăng cường  phát tán các tin bài với nội dung vu cáo, vu khống, gây thù ghét, khủng bố, xuyên tạc số người nhiễm và nghi nhiễm virus SARS CoV-2, chống phá Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19.

Cho dù bằng mọi cách chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thì các thế lực chống phá cuối cùng vẫn bị xử lý nghiêm khắc bằng bản án hay những quyết định xử lý đúng pháp luật của Nhà nước. Không chỉ xử lý những hành vi chống đối của các thế lực thù địch mà Đảng và Nhà nước ta cũng đã xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tiền của Nhân dân một cách nghiêm minh, cũng đã làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng đáp ứng yêu cầu đổi mới

Nhằm thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra phương hướng “Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền táng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá trong nội bộ”. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá trong nội bộ”, và “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trước những yêu cầu mới đất nước, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần làm công tác tư tưởng, Cấp ủy, người đứng đầu cần nắm chắc tình hình tư tưởng, phân tích và định hướng tư tưởng, chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng một cách nhanh chóng, kịp thời. Ở đơn vị cần duy trì thành nền nếp chế độ nắm bắt, phân tích và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Hai là, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trả lời cho được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những bước đi cụ thể trong chặng đường hiện nay. Đổi mới mạnh mẽ việc giảng dạy chính trị trong trường chính trị, cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động học tập lý luận chính trị để nâng cao nhận thức tư tưởng. Cán bộ chủ chốt các địa phương, đơn vị cần có chế độ định kỳ đi cơ sở xem xét thực tiễn, trực tiếp đối thoại cùng nhân dân.

Ba là, tăng cường đầu tư nhằm hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị. Các phương tiện phục vụ cho hoạt động tư tưởng nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các cấp ủy đảng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Thường xuyên tổ chức tập huấn để cán bộ tuyên giáo các cấp, cán bộ giảng viên ở trường Chính trị có thể sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của mặt trận tư tưởng.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan giáo dục lý luận chính trị, đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên, báo chí, hệ thống các thiết chế văn hóa, lực lượng văn học nghệ thuật. Mỗi lực lượng này đều có vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác tư tưởng. Các cấp ủy lãnh đạo và phối hợp các lực lượng này trong việc thực hiện từng nhiệm vụ chính trị, trong từng giai đoạn.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc trên môi trường mạng.

 

ThS. Triệu Văn Du

Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tr.190, HN, 2021